Người thầy luôn tận tâm, hết lòng vì học trò nghèo

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của em Trần Thị Hiền khi nói về thầy giáo Ngô Mạnh Cường, người mà em luôn kính trọng như người cha thứ hai của mình.

Em Trần Thị Hiền được thầy Ngô Mạnh Cường (thứ 3 từ phải sang) và một số nhà hảo tâm trao tặng tiền hỗ trợ em mua thiết bị học trực tuyến. Ảnh: Khôi Nguyên.
Em Trần Thị Hiền được thầy Ngô Mạnh Cường (thứ 3 từ phải sang) và một số nhà hảo tâm trao tặng tiền hỗ trợ em mua thiết bị học trực tuyến. Ảnh: Khôi Nguyên.

Cô nữ sinh nghèo nhưng nghị lực

Là một trong những nhân vật được mời tham dự chương trình truyền hình trực tiếp “Thay lễ tri ân năm 2021” tại Đài Truyền hình Việt Nam tối 14/11, thầy Ngô Mạnh Cường và em Trần Thị Hiền đều không giấu nổi niềm vui và xúc động.

Suốt nhiều năm qua, thầy Cường đã tích cực giúp đỡ, động viên cô học trò nhỏ thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, tiếp bước trên con đường học hành. Giờ em đã thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Trần Đăng Ninh, huyện Ứng Hòa.

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Ngô Mạnh Cường – cựu giáo viên Trường THCS Sơn Công (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết hoàn cảnh của Hiền rất éo le. Mẹ không may qua đời khi em mới lên 9 tuổi, bố thì mắc bệnh tâm thần đã nhiều năm nay, Hiền phải ở với ông bà nội già yếu. Khó khăn chồng chất khó khăn khi hiện tại, ông nội đã mất mà bà nội em lại bị ốm phải nằm liệt một chỗ. Mọi công việc như bón cơm, tắm rửa, vệ sinh cho bà đều đến tay Hiền lo toan.

Kể về quãng thời gian vừa qua, em Trần Thị Hiền cho biết: “Em không biết nói gì hơn bởi thực sự, thầy Cường như là người cha thứ hai của em khi đã giúp đỡ, cưu mang em trong nhiều năm nay. Hoàn cảnh gia đình em như vậy, thầy rất thương và từ năm 2012 đã vận động nhiều cô bác, nhà hảo tâm chung tay để em không phải ở trong căn nhà cấp 4 cứ hễ mưa là dột như xưa, thay vào đó là căn nhà kiên cố có thể trụ được qua mưa nắng”.

Nữ sinh này tâm sự, không chỉ một mình em mà còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác cũng được thầy Cường giúp đỡ. Với Hiền, những món quà nhỏ của thầy tặng như bộ quần áo đồng phục, quyển sách, cuốn vở hay cây bút em đều rất trân quý và giữ gìn.

Ngoài ra, vào các dịp Tết thầy cũng vận động các mạnh thường quân trong nhóm thiện nguyện “Chia sẻ yêu thương” gửi tặng gia đình em 2 – 3 triệu đồng để sắm Tết. Suốt 4 năm học tại Trường THCS Sơn Công, các thầy cô trong Ban giám hiệu cũng thấu hiểu gia cảnh nên đã quyết định hỗ trợ toàn bộ học phí cho em.

Em Trần Thị Hiền quyết tâm học tập thật tốt để sau này có thể báo đền công ơn của thầy cô dành cho mình. Ảnh: Khôi Nguyên.
Em Trần Thị Hiền quyết tâm học tập thật tốt để sau này có thể báo đền công ơn của thầy cô dành cho mình. Ảnh: Khôi Nguyên. 

“Khi thấy thầy Cường là nhân vật chính được phát sóng trong chương trình ‘Điều ước thứ 7’, em thực sự cảm thấy vô cùng bất ngờ và vui mừng. Những việc làm của thầy bằng sự tâm huyết, nhiệt tình, vô tư tới các hoàn cảnh học trò còn khó khăn đã được nhiều người biết đến. Với em, có được như ngày hôm nay cũng là nhờ công lao của thầy. Em chỉ mong ước thầy luôn có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho đời thật nhiều việc tốt. Bản thân em sẽ tiếp tục cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể báo đền được phần nào công ơn của thầy dành cho mình” – Hiền xúc động chia sẻ.

Vượt khó để học tập

Theo tìm hiểu, Hiền có một người anh trai hơn em 3 tuổi và đang đi làm cho một hãng xe ôm công nghệ tại Hà Nội. Hàng tháng, anh vẫn gửi một phần thu nhập của mình về nhà để lo cho em.

Thời gian này, Hiền và các bạn của mình vẫn đang phải học trực tuyến. Nhờ sự hỗ trợ của thầy Cường và các nhà hảo tâm, em đã có đủ thiết bị phục vụ việc học online. Cho dù đôi lúc vẫn gặp phải tình trạng nghẽn mạng hoặc chập chờn, nhưng sau đó em đã quen với hình thức học này. Việc học qua internet với các thầy cô đã vào nếp, em tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Thầy Đặng Văn Ngoan – Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Công cho hay, trường hợp của em Trần Thị Hiền thực sự rất éo le. Bố bị bệnh, mẹ mất sớm, ông bà lại già yếu nên gần như mọi công việc trong nhà Hiền đều phải tự lo. Sớm ý thức được hoàn cảnh của bản thân, em Hiền là học sinh ngoan hiền như chính cái tên của em.

Thầy cô và bạn bè đánh giá em là người có ý thức học tập tốt, hòa đồng cùng các hoạt động của lớp. Đây cũng là một trong nhiều học sinh nghèo được thầy Cường giúp đỡ một cách chí tình và bằng cái tâm của một người thầy. Việc làm nhân văn này của thầy Ngô Mạnh Cường rất đáng quý và cần được lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng.

Tâm sự về quãng thời gian trước đây của mình khi còn trẻ, thầy Cường cho biết cũng phải nuôi ba người con, nhưng với tình yêu thương và chia sẻ với học trò, hàng tháng thầy vẫn dành một phần lương để hỗ trợ, giúp đỡ các em. Vợ thầy cũng đồng cảm và chia sẻ với việc làm của chồng nên cũng nhiệt tình ủng hộ.

“Tôi chỉ mong mình luôn có đủ sức khỏe để giúp đỡ được nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn khác. Đem lại nguồn động lực học tập và tinh thần vươn lên trong cuộc sống cho các em là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Chứng kiến sự trưởng thành và thay đổi của các em, đó chính là món quà lớn nhất đối với người thầy trong dịp kỷ niệm ngày 20/11” - thầy Ngô Mạnh Cường bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.