“Những mùa quả ngọt” của ông giáo làng có tấm lòng nhân hậu

GD&TĐ - Với thầy giáo Ngô Mạnh Cường, chỉ cần những học trò của mình trưởng thành, có tương lai ổn định đã là niềm vui và động viên lớn nhất với người thầy.

Thầy Ngô Mạnh Cường (bìa trái) luôn tâm huyết với nghề giáo và công tác từ thiện để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh học trò còn khó khăn vươn lên trong học tập. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thầy Ngô Mạnh Cường (bìa trái) luôn tâm huyết với nghề giáo và công tác từ thiện để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh học trò còn khó khăn vươn lên trong học tập. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Ông giáo làng” có tấm lòng nhân hậu

Là một trong số các nhân vật sẽ được góp mặt tại chương trình truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân” năm 2021 của Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 14/11 tới, thầy giáo Ngô Mạnh Cường, sinh năm 1957, cảm thấy không khỏi bất ngờ và mừng vui.

Tâm sự với Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Cường cho biết, mình công tác tại Trường THCS Sơn Công (Ứng Hòa, Hà Nội) dạy các môn Toán và Vật lý từ năm 1982. Đến nay dù đã nghỉ hưu, nhưng “ông giáo làng” vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện vì cộng đồng để giúp những mảnh đời còn thiếu may mắn có cơ hội được học tập, vượt khó vươn lên.

Thầy Cường tâm sự, không phải ngẫu nhiên mà ngay từ hồi còn trẻ, cả vợ chồng thầy đều rất muốn đi làm từ thiện. Trong kí ức gần 40 năm công tác của mình, thầy rất ấn tượng với những học trò có hoàn cảnh đặc biệt. Với một vùng quê thuần nông như Sơn Công, đời sống của bà con nhân dân không thể được như trên thành phố. Tuy nhiên, có những em không may bị mồ côi cả cha lẫn mẹ nên rất thiệt thòi.

Biết được thực tế đó, thầy cảm thấy thương các em đó vô cùng và dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt hơn so với những trò khác. Đầu tiên chỉ là quyển sách, cuốn vở, cái bút… cùng những lời động viên, chia sẻ chân thành đã khiến các em cảm nhận được và phần nào vơi bớt đi sự mặc cảm trong tư tưởng để tiếp tục cố gắng học tập. Sau này khi đồng lương được cải thiện, thầy Cường hỗ trợ các em bằng nhiều thứ hơn để các em có được cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Thầy Ngô Mạnh Cường (thứ 3 từ phải sang) trong một lần tặng quà hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Ảnh: K.Nguyên.
Thầy Ngô Mạnh Cường (thứ 3 từ phải sang) trong một lần tặng quà hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Ảnh: K.Nguyên.

“Trong số những học trò mình từng giúp đỡ, có một cô bé bị mồ côi cả cha lẫn mẹ người cùng xã. Thầy đã giúp đỡ em từ năm lớp 7 đến lớp 12. Bằng sự nỗ lực của bản thân, em này đã thi đỗ vào đại học và giờ ra trường công tác tại một công ty về ngành Dược với mức lương khá. Thầy trò vẫn thường xuyên liên lạc, trò chuyện để động viên nhau trong cuộc sống. Giờ em đã lập gia đình và có cuộc sống rất hạnh phúc, tôi cũng coi đó là niềm vui của mình.

Tình thương và sự đùm bọc của tôi dành cho em đó lúc còn là học sinh đã thôi thúc em có sự cố gắng vượt bậc trong học tập. Em cũng coi tôi như người cha thứ 2 của mình và cũng rất kính trọng và nghe lời thầy. Đến nay em đã đạt được ‘trái ngọt’ là gia đình hạnh phúc, công việc ổn định nên tôi cũng cảm thấy rất mãn nguyện” – thầy Ngô Mạnh Cường vui vẻ nhớ lại.

Chỉ mong học trò thành công

Một gương mặt nữa mà thầy Cường rất tâm đắc đó là ý chí vượt khó của cậu học trò tên Nguyễn Tường Huy đã được thầy giúp đỡ. Thầy Cường chia sẻ, thời điểm năm 1984 - 1985 khi Huy học lớp 7 thì mẹ bị ốm, không làm được các việc nặng nhọc. Kinh tế gia đình em gặp muôn vàn khó khăn. Dù có sức học khá nhưng đôi khi cậu học trò này tỏ ra khá tự ti về hoàn cảnh gia đình mình. Được sự động viên của thầy và tình yêu thương của mẹ nên Huy đã cố gắng học tập và ngày càng tiến bộ.

Thầy giáo đã chủ động gần gũi, động viên em trên lớp hoặc giảng bài thêm cho em vào cuối mỗi buổi học. Những tâm sự thật lòng và giúp đỡ vô tư của thầy, Huy dần dần đã cảm nhận được và thay đổi thái độ học tập. Em bắt đầu nỗ lực và cố gắng ở từng bài học, vì chỉ có học tốt mới có cơ hội thay đổi cuộc sống của mình. Thầy Cường sau đó có định hướng cho Huy nên theo con đường nhà giáo để có hướng phấn đấu. Hiện tại, Huy đã là một giảng viên công tác tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Niềm vui của thầy và trò khi gặp lại nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Niềm vui của thầy và trò khi gặp lại nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

“Ông giáo làng” Ngô Mạnh Cường cũng cho biết, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, học trò dù ở xa nhưng vẫn nhớ tới thầy để gọi điện hỏi thăm và chúc mừng thầy cũng là điều rất quý. Người thầy cô giáo được ví như những “kỹ sư tâm hồn”, nên khi nhận được sự quan tâm và tình cảm biết ơn của học trò, người thầy như được trở lại tuổi thanh xuân đầy sôi nổi bên bảng đen phấn trắng.

Bản thân thầy Cường cũng phải nuôi ba người con, nhưng với tình yêu thương và chia sẻ với học trò, hàng tháng thầy vẫn dành một phần lương để hỗ trợ, giúp đỡ các em. Vợ thầy cũng đồng cảm và chia sẻ với việc làm đầy nhân văn của chồng nên không ca thán câu nào mà vẫn nhiệt tình ủng hộ.

“Vợ tôi cũng là trẻ mồ côi khi mẹ mất sớm, bố là liệt sỹ và được mọi ngươi cưu mang, giúp đỡ nên càng thấu hiểu được những hoàn cảnh đó. Tôi cũng chỉ mong mình luôn có đủ sức khỏe để giúp đỡ được nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn khác. Đem lại nguồn động viên trong học tập và tinh thần vươn lên trong cuộc sống cho các em là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất”, thầy Cường bày tỏ.

TS Nguyễn Tường Huy - Giảng viên Khoa Địa lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cảm thấy vô cùng vui và xúc động khi nói về người thầy, người cha thứ hai của mình. Thầy là một nhà giáo rất có tâm huyết với nghề và đã từng trải qua nhiều khó khăn ngay cả khi giúp đỡ, cưu mang những học trò kém may mắn.

“Thầy luôn có những định hướng đúng đắn để học trò phấn đấu vượt qua thử thách, tôi rèn ý chí nghị lực để trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội. Có thể nói, thầy là một trong số các tấm gương tận hiến, tận tâm với nghề và xứng đáng được tôn vinh, biết ơn. Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn và tự hào vì được làm học trò của thầy Cường.

Chính nhờ thầy mà đến nay, tôi đã trở thành một đồng nghiệp với thầy và tiếp nối con đường vinh quang thầy đang đi. Chúng tôi cũng còn phải học thầy ở nhiều hơn nữa để định vị nghề nghiệp và cuộc sống của mình để làm sao thêm ý nghĩa. Dù đã nghỉ hưu nhưng hiện tại, thầy vẫn tích cực làm từ thiện để lan tỏa yêu thương tới các thế hệ học trò”, TS Tường Huy xúc động nói.

Thầy Đặng Văn Ngoan – Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Công chia sẻ, thầy Ngô Mạnh Cường là một nhà giáo có chuyên môn tốt, tính tình hiền lành và có tấm lòng nhân hậu. Ngay từ thời trẻ thầy đã tích cực đi làm từ thiện và giúp đỡ nhiều số phận kém may mắn, trong đó có không ít học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, dù đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn đều đặn tham gia công tác từ thiện, kêu gọi các nhà hảo tâm để chung tay hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương để vươn lên trong học tập và cuộc sống. Thầy là tấm gương sáng để các thế hệ học trò đi sau noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.