Người thầy hết lòng vì học trò nghèo

GD&TĐ - Thầy Hoàng Viết Hưng ở Trường Tiểu học Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã 15 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Không chỉ là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bồi dưỡng nhiều em đạt thành tích trong các cuộc thi mà thầy còn giúp đỡ học trò nghèo không để các em bị “đứt” học.  

Thầy giáo Hoàng Viết Hưng và hai em học sinh đoạt giải
Thầy giáo Hoàng Viết Hưng và hai em học sinh đoạt giải

Thầy giáo dạy giỏi

Năm 2003, tốt nghiệp Trung cấp sư phạm, thầy giáo trẻ Hoàng Viết Hưng 21 tuổi đã về quê dạy học, xã Vạn Xuân (Thường Xuân, Thanh Hóa). Từ tháng 1/2005 – 10/2008, thầy Hưng dạy học ở xã Xuân Thắng, sau đó gắn bó với Trường Tiểu học Xuân Lẹ đến nay đã tròn 10 năm.

15 năm gắn bó với giáo dục là bằng đấy thời gian thầy Hưng công tác tại xã miền núi nghèo, thuộc diện 135. Trường Tiểu học Xuân Lẹ trước đây được chia thành 5 điểm trường, nay còn 4, điểm lẻ cách điểm trường chính từ 3 - 8km. Mùa mưa lũ, nhiều điểm trường bị cô lập hoàn toàn, học sinh phải nghỉ học nhiều ngày. Khó khăn nhất là điểm trường Liên Sơn. Muốn đến được lớp học, thầy Hưng cũng như các thầy cô khác phải 4 lần qua sông, nếu không, đi vòng đường rừng hơn 10 km. Trong đợt lũ vừa qua, một cô giáo của trường may mắn thoát khỏi lũ cuốn.

Thầy Hoàng Viết Hưng cho biết: “Qua quá trình giảng dạy, trực tiếp làm giáo viên chủ nhiệm, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của xã nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng. Trong đó, có tình trạng học sinh bỏ học nhiều. Việc học sinh đến lớp không chuyên cần đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Nhiều học sinh đọc viết sai chính tả và thực hiện các phép tính cơ bản chưa thành thạo”. Do vậy, thầy Hưng đã đưa ra sáng kiến kinh nghiệm “Một số giải pháp khắc phục tình trạng học sinh miền núi vắng học vô lí do”, đoạt giải C cấp tỉnh.

Là giáo viên vùng khó nhưng thầy Hưng luôn tâm huyết với nghề, không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn. Năm 2009, thầy tốt nghiệp cử nhân Trường ĐHSP Vinh. Chính thầy đã gieo mầm cho mảnh đất nghèo, đem lại thành tích cho ngôi trường xưa nay bị coi là vùng trũng giáo dục của huyện miền núi Thường Xuân. Nhờ nỗ lực của thầy, Xuân Lẹ có học sinh đoạt giải học sinh giỏi. Từ năm học 2009 - 2010 đến nay, thầy Hưng đã bồi dưỡng được trên 50 học sinh tham gia giao lưu học sinh giỏi, thi học sinh viết chữ đẹp, giao lưu câu lạc bộ Toán và Tiếng Việt cấp cụm và cấp huyện.

Điều đặc biệt hơn, thầy Hoàng Viết Hưng từng đoạt giải Nhất Giáo viên giỏi viết chữ đẹp cấp tỉnh, năm học 2013- 2014. Dù là giáo viên nam duy nhất tham dự cuộc thi nhưng thầy Hưng đã giành điểm gần tuyệt đối, với 29,75/ 30 điểm. Năm học 2016- 2017, thầy đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh và có 2 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại C cấp tỉnh năm học 2012- 2013 và 2015- 2016.

Quan tâm, giúp đỡ học trò

Đồng nghiệp, phụ huynh hay gọi “thầy Hưng phong trào” là vì thế. Hàng loạt phong trào như “Trò giúp trò vượt khó”, “Thầy giúp trò vượt khó”, “Học nhóm”… do thầy Hưng đưa ra khiến phong trào học tập và giúp đỡ học sinh nghèo của trường có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thầy Hưng và các đồng nghiệp nhận phụ đạo không lấy tiền cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, học sinh giỏi, giúp các em khuyết tật học hòa nhập biết đọc, biết viết, biết tính các phép tính đơn giản.

Bên cạnh công tác kêu gọi xã hội hóa giáo dục, thầy Hưng phát động phong trào “Tiếp sức đến trường”, gây quỹ giúp đỡ học trò có hoàn cảnh khó khăn và động viên, khích lệ học sinh trong học tập. Thầy vận động học sinh đóng góp mỗi tháng 2.000 đồng bằng cách nhặt phế liệu hoặc tiết kiệm. Giáo viên chủ nhiệm góp tối thiểu 20.000 đồng và vận động phụ huyng đóng góp tự nguyện. Tiền quỹ giao cho một học sinh trong lớp thu giữ và giáo viên cùng các bạn giám sát chi tiêu.

Hơn 10 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, tâm huyết và yêu nghề, luôn quan tâm đến học trò, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, thầy Hoàng Viết Hưng đã giúp cho giáo dục Xuân Lẹ nói riêng, Thanh Hóa nói chung được đơm hoa, kết trái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.