Thầy Đỗ Văn Nhỏ - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ngoài thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi trong các kỳ thi quốc gia, Olympic quốc tế, còn có nhiều mô hình học tập nhằm xây dựng cộng đồng học sinh yêu thích môn Tin học.
Áp lực từ học sinh “nhảy” lớp
Huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của Lê Ngọc Bảo Anh đánh dấu sự trở lại của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) ở các cuộc thi Olympic khu vực và quốc tế sau hơn 10 năm vắng bóng.
Đầu năm lớp 10, Lê Ngọc Bảo Anh tham gia đội tuyển ôn luyện thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 môn Tin học. “Năm đó, em thấy mình là thành viên “yếu” nhất đội. Nhưng đã vào đội tuyển, em không muốn cứ mãi giải thấp, thua kém các bạn trong khi cơ hội cọ xát, kinh nghiệm của mình nhiều hơn.
Vì vậy, năm lớp 11, em nỗ lực hơn và cải thiện thành tích khi giành giải Nhì ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12. Năm lớp 12, em đoạt giải Nhất và có tên trong danh sách đội tuyển tham dự kỳ thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2023”, Bảo Anh chia sẻ.
Thầy Đỗ Văn Nhỏ - Tổ trưởng Tổ Tin học, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, vài năm gần đây, hầu như năm nào cũng có học sinh lớp 10 là thành viên đội tuyển quốc gia lớp 12 và đạt thành tích cao.
Như trường hợp em Nguyễn Phú Nhân - học sinh lớp 10, năm học 2023 - 2024 đoạt giải Nhất môn Tin học, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12. Đây là kỳ thi Phú Nhân là 1 trong 4 thí sinh nhỏ tuổi nhất giành giải Nhất, sau đó được tham gia vòng chọn đội tuyển thi Olympic Tin học quốc tế.
“Đội thi Tin học của thành phố tham gia giải quốc gia có 10 thí sinh thì 8 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Thí sinh của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT đa số học lớp 11 và 12 nên việc học sinh lớp 10 đoạt giải là niềm tự hào. Năm học này, em đặt mục tiêu lớn hơn và nỗ lực, cố gắng đạt thành tích, tiếp tục theo đuổi đam mê, sở thích với môn Tin học”, Phú Nhân nói.
Những học sinh vượt lớp như Bảo Anh, Phú Nhân… là niềm tự hào nhưng cũng là áp lực lớn đối với thầy Đỗ Văn Nhỏ - giáo viên phụ trách đội tuyển. “Giáo viên phải tính toán, cân bằng kiến thức để những học sinh đại trà trong lớp có thể “nuốt trôi” nhưng các em thuộc đội tuyển vẫn đủ tầm để thi đấu.
Ngay cả trong đội tuyển, học trò khóa trước để lại tài liệu cho khóa sau, hay học sinh tham dự đội tuyển vượt cấp từ năm trước tiếp tục tham gia đội tuyển năm sau... thì kiến thức thầy cung cấp không còn mới. Những áp lực đấy, người thầy chỉ có thể vượt qua bằng quá trình tự học”, thầy Nhỏ chia sẻ.
Theo đó, người thầy phải thường xuyên tự “nâng cấp” mình, luôn tìm tòi, cập nhật những kiến thức mới. Có như vậy, thầy giáo mới phát hiện ra học sinh có cách giải thông minh, không dấu ấn sách vở. Thầy Nhỏ kể, thậm chí, thầy phải học từ chính học trò cũ đang là sinh viên hoặc đã đi làm qua những câu chuyện trao đổi giữa thầy trò.
“Chúng tôi không chỉ là người thầy mà còn là người bạn cùng học, làm việc với học trò vì tư duy của một số em rất giỏi, ý tưởng táo bạo; lúc đó, bằng kinh nghiệm, chúng tôi chỉ cho các em đi đúng hướng...”.
Từ kinh nghiệm nhiều năm nắm đội tuyển, thầy Nhỏ cho rằng một khi học sinh có năng khiếu, niềm đam mê, nếu được trang bị kiến thức nền tảng vững vàng thì chắc chắn trong thi cử, các em sẽ tự tìm được “đường thoát thân” trước những câu hỏi hóc búa.
Truyền cảm hứng cho cộng đồng Tin học
Thầy Đỗ Văn Nhỏ là sáng lập viên và admin của trang LQDOJ, với sự tham gia đóng góp và quản trị của nhiều sinh viên ngành công nghệ thông tin vốn là những học sinh có thành tích trong các kỳ thi Tin học.
Một trong những hoạt động của LQDOJ là các khóa dạy lập trình theo hình thức trực tuyến do sinh viên có nhiều thành tích và kinh nghiệm trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế liên quan đến Tin học. “Những kiến thức về lập trình và thuật toán mà sinh viên có được đôi lúc vượt xa sự hình dung của mình. Chưa kể, các em còn có kinh nghiệm thi cử. Những sinh viên này đứng lớp dễ dàng tương tác với học sinh. Tổ chức các lớp học online cũng là cách để chúng tôi có cơ hội tương tác xa hơn, vượt ra khỏi quy mô thành phố Đà Nẵng”, thầy Nhỏ chia sẻ.
Trang LQDOJ hiện được thầy Nhỏ trao quyền quản lý chính cho một sinh viên học ngành Công nghệ thông tin ở Hà Nội. Nhiều giáo viên Tin học đã sử dụng trang web này làm nguồn học liệu đề dạy học, xây dựng đề thi, phục vụ bồi dưỡng học sinh giỏi…
“Nắm” đội tuyển, dĩ nhiên điều mong muốn nhất của người thầy là học sinh của mình đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Thế nhưng, đó chỉ là mục tiêu trước mắt, trên tất cả, thầy Đỗ Văn Nhỏ vẫn nuôi tham vọng hướng các em đi theo con đường dạy học như một cách để xây dựng đội ngũ kế cận.
“Thế nhưng, tôi cũng biết rằng, học sinh một khi có sự nổi trội đặc biệt về môn Tin học thì các em có nhiều lựa chọn hơn và chủ yếu theo con đường du học. Chính vì vậy, các lớp học lập trình, những cuộc thi Tin học do chính sinh viên ra đề cũng là một cách gieo vào các em tình yêu nghề dạy học, khơi dậy cho học trò niềm đam mê khoa học và sự cống hiến. Biết đâu có cơ duyên, sau này, các em sẽ gắn bó với giáo dục bằng cách thức khác nhau”, thầy Đỗ Văn Nhỏ tâm sự.
Thầy Đỗ Văn Nhỏ cho rằng, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để khẳng định vị thế ở các cuộc thi Tin học. Ngoài sự đầu tư của nhà trường và phụ huynh cho con em tiếp cận môn Tin học từ sớm, thành phố còn là trung tâm tổ chức sự kiện, hội thi lớn; riêng Tin học có cuộc thi Olympic Tin học Miền Trung - Tây Nguyên do Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng chủ trì, phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam - đơn vị tổ chức cuộc thi lập trình quốc tế tại Việt Nam (ICPC Việt Nam), Sở GD&ĐT Đà Nẵng và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức. Đội tuyển Tin học trẻ thành phố Đà Nẵng có 6 năm đứng vị trí nhất toàn đoàn trong 10 lần tham gia Hội thi Tin học trẻ toàn quốc.