Người thầy đáng kính

Người thầy đáng kính

Nhớ lại ngày trúng tuyển đại học, vào khoa Lịch sử với tôi là hoàn toàn tình cờ. Ngày ấy, học đại học được chia thành hai giai đoạn, đại cương và chuyên ngành. Hết một năm rưỡi đại cương, tôi đã thấy yêu khoa Lịch sử nhiều lắm, không đơn giản chỉ vì khoa tôi đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lao động, cũng không phải vì khoa tôi có “tứ trụ triều đình” (GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn, GS. Trần Quốc Vượng). Nhưng phải tới khi chọn chuyên ngành Lịch sử văn hóa, được thầy Nguyễn Hải Kế làm giáo viên chủ nhiệm, được thầy Trần Quốc Vượng dạy hai chuyên ngành Văn hóa ẩm thực và giao thoa văn hóa, tôi mới thấy khoa Lịch sử thực sự là máu thịt của mình.

Thầy Trần Quốc Vượng lúc sinh thời
Thầy Trần Quốc Vượng

Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh về thầy, về những bài giảng, bài nói chuyện của thầy - hay đến mê hoặc. Và đặc biệt là phong cách của thầy, phong cách mà ai cũng nhận thấy ít “chất giáo sư nhất”: Áo thổ cẩm, quần thô, giày thể thao, túi rết mà dường như trong đó rất ít khi có sách vở nhưng thế nào cũng có một vài lon bia Hà Nội. Thầy giảng bài, không bao giờ cần giáo án. Đi từ đầu dãy đến cuối dãy,thầy luôn xoa đầu những học trò rất đỗi thân thương. Tôi cũng không thể quên những lần được cùng thầy đi thực tế và cũng là “đi ăn”, bởi có lẽ hơn ai hết thày hiểu học trò luôn đói thực tế và “đói” cả tiệc tùng. Ngày Bảo tàng Lịch sử đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động, thày là khách mời danh dự, thầy đã dẫn cả lớp tôi, 36 sinh viên, giới thiệu với tất cả quan khách và cho chúng tôi dự những mấy bàn tiệc. Trong số chúng tôi, rất nhiều người, đấy là lần đầu tiên đựoc dự tiệc đứng. Lại có lần chùa Kim Liên mở hội, thầy được ân sủng đặc biệt vì đã đọc giúp nhà chùa tấm bia đá từ thời Lê. Thầy cũng kéo cả lớp chúng tôi đi, nói là để làm phong phú vốn Hán Nôm và cũng là để thưởng thức cơm chay nhà chùa…

Rồi hơn hai năm học chuyên ngành cũng trôi qua chóng vánh, đứa nào cũng mong được chính thầy hướng dẫn thực tập, viết khóa luận dù biết nếu làm sai thầy sẽ “chửi ghê lắm”. Tôi không may mắn được thầy hướng dẫn, cũng không may mắn được thầy phản biện nhưng tôi lại được con gái thầy, Thạc sĩ Trần Thúy Anh hướng dẫn và Tién sĩ Lâm Mĩ Dung “học trò cưng ”của thầy phản biện. Khóa luận của tôi mang đậm dấu ấn của thầy trong từng trang viết. Rồi tôi ra trường, cũng theo nghiệp làm thầy. Chín năm, chín ngày 20 tháng 11, năm nào tôi cũng nhận được những bó hoa rất đẹp, rất thơm, chợt nhận thấy mình vô tình biết bao khi chưa một lần tặng hoa cho thầy…

20 tháng 11 năm nay, thầy đã đi xa, thấy nỗi mất mát quá lớn không của riêng mình mà của tất cả các lớp học trò cũng như ngành sử học nước nhà…

Thầy ơi, xin cho phép em gửi tới thầy đôi dòng tưởng nhớ như một nén tâm hương muộn màng.      

                                                 Ái Vân

(Cựu sinh viên khoa Lịch sử - Đại học KHXH&NV)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...