(GD&TĐ) - Đêm đêm, trong căn nhà cấp bốn chật chội của ông Nguyễn Viết Học (xóm Tân Lập, Tân Long, Tân Kỳ, Nghệ An) luôn sáng đèn và vọng ra tiếng giảng bài. Đứng lớ là một “thầy giáo đặc biệt”. Là cán bộ tài chính xã, không học sư phạm, chưa một lần đứng trên bục giảng, nhưng bằng tình thương yêu đối với học sinh nghèo, ông Học đã đứng ra mở lớp học miễn phí cho con em trong làng, trong xã... Tròn 4 năm tình nguyện "lái đò không công”, hàng trăm học sinh của Tân Long (và cả xã bạn) đã trưởng thành một phần nhờ có lớp học này.
Tình cờ thành thầy giáo
Sinh năm 1963 ở Nông trường Quyết Thắng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), 3 tuổi mồ côi bố, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Năm 1969, cậu bé Học và gia đình sơ tán ra Tân Kỳ rồi định cư luôn ở đây. Thông minh, cần cù, chịu khó nhưng do hoàn cảnh gia đình nên Nguyễn Viết Học chỉ học đến hết trung học phổ thông. Năm 1984, Học xuất ngũ. Hiện ông là cán bộ tài chính UBND xã Tân Long, kiêm Chủ tịch Hội khuyến học xã.
Hỏi chuyện mở lớp dạy học miễn phí, ông cười: “Tui (tôi) có thói quen là vào buổi đêm thường đi dạo quanh xóm. Tình cờ một hôm đến nhà hàng xóm chơi, cầm cuốn sách của cháu học sinh lên đọc và hỏi nó mấy câu, nó ấp úng không trả lời được. Vậy là tôi giảng giải cho cháu, không ngờ cháu hiểu ra.
Thầy giáo “đặc biệt” Nguyễn Viết Học |
Sau bữa đó, không biết cháu và cha mẹ cháu nói thế nào, nhưng có nhiều cháu đến nhờ tui giảng bài. Cứ thế, số cháu đến hỏi bài ngày một đông. Ở xã miền núi khó khăn này, các cháu ham học, nhưng tự lực là chính; bố mẹ chỉ học hết tiểu học hay THCS, khó lòng giảng giải thêm cho con. Sau nhiều đêm trăn trở, tui quyết định mở lớp dạy thêm miễn phí cho các cháu. Đó cũng như cơ duyên để tui đáp lại ân tình mảnh đất đã cưu mang tui trong những năm tháng chiến tranh ác liệt”. Bắt đầu từ năm 2008, lớp học đặc biệt của ông Học ra đời. "Những ngày đầu, các cháu chưa quen với cách giảng giải của tui. Kiến thức thì tạm đủ để hướng dẫn các cháu, nhưng phương pháp không có. Sau một vài tuần, các cháu học tui, tui học các cháu, và tất cả đều quen. Cách của tui là tìm hiểu xem cháu nào hổng ở đâu thì giảng thêm cho cháu chỗ đó. Nhiều khi tui phải tranh thủ đi hỏi thêm các thầy cô giáo để tối đến lại hướng dẫn cho các cháu. Dần dà, tui cũng tích luỹ được chút ít “nghiệp vụ” sư phạm. Cuối học kỳ 1 năm đó, số cháu được tui kèm cặp đều tiến bộ rõ rệt, được các thầy cô giáo ở nhà trường biểu dương. Thật sự hạnh phúc vì ý tưởng và công sức của mình bỏ ra đã thu được kết quả", ông Học sung sướng khoe.
Từ câu chuyện 6 học sinh có lực học yếu, được ông kèm cặp đã lần lượt thi đậu vào trường THPT với số điểm cao, nhiều cha mẹ học sinh đã đến xin “gửi con cho thầy Học”. Số học sinh ngày càng đông nên ông Học bắt đầu phải phân chia lớp, các lớp học thêm vào các buổi tối khác nhau và ngày Chủ nhật. Ông đã dành số tiền lương ít ỏi hàng tháng, đóng 10 bộ bàn ghế, đóng bảng đen, mua thêm sách giáo khoa, sách tham khảo để phục vụ các cháu. Dạy xong, nhiều hôm trời tối, ông lại bấm đèn pin đưa các cháu về.
Dạy học và dạy người
Ngoài việc giúp các cháu hiểu các kiến thức học ở trường, ông Học còn rất quan tâm đến việc “dạy người”. Vào đầu giờ học hay lúc giải lao, ông thường kể những câu chuyện về hiếu lễ, về đối nhân xử thế cho các cháu nghe. Ông luôn tâm niệm con người phải có tài lẫn đức, nếu không sẽ không giúp ích được gì cho xã hội. Vì thế, ông coi mỗi bài tập làm văn ông ra cho học sinh làm, chính là một bài các cháu tự học làm người.
Với ông Học, ông chỉ có một tâm niệm là mong sao cho các cháu trưởng thành nên người. “Nhìn cảnh lũ trẻ học hành dở dang rồi phải vào Nam, ra Bắc làm thuê, làm mướn, tui thương lắm. Vì thế, còn sức, còn minh mẫn, tui còn kèm cặp các cháu học hành. Âu cũng là một việc thiện giúp các cháu có tương lai tốt đẹp hơn”. |
Không chỉ dốc hết tâm huyết giúp các cháu học, mà để tăng thêm động lực trong các cháu, ông Học còn bỏ tiền lương ra làm quỹ thưởng, thưởng cho những cháu có kết quả học tập tốt. Ở trường, cháu nào đạt điểm 10 trong kiểm tra 45’ các môn tự nhiên hay điểm 9 các môn xã hội, tối đến, ông thưởng ngay 10.000 đ hay một ít sách vở. Gặp cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông đến tận gia đình động viên, thuyết phục để các cháu không phải bỏ học. Hiện tại, ông đang giúp 2 cháu, cho ăn ở trong nhà như con cái. Em Giản Thị Hiền, người xã Nghĩa Hoàn, học sinh đang được ông giúp đỡ cho biết: “Nhà cháu hoàn cảnh khó khăn, không có tiền học thêm. Cháu thường đạp xe đạp đến nhà bác Học để được bác dạy thêm cho. Cháu hứa sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ công của bác”.
Ở xã miền núi còn nhiều khó khăn này, lớp học của ông Học đã thắp sáng thêm ước mơ của biết bao học sinh nghèo. Riêng năm 2012, xã Tân Long có 48 em thi đậu vào các trường THPT, trong đó có 2 em đậu vào Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu của tỉnh; 24 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, 03 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Theo các thầy cô giáo đang dạy ở đây, trong thành tích chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của ông Nguyễn Viết Học.
Minh Thanh