Người thầy đặc biệt của đồng bào Cao Lan

GD&TĐ - Ông Sầm Văn Lợi dành nhiều thời gian để tìm hiểu, lưu giữ và truyền dạy chữ viết, văn hóa truyền thống dân tộc Cao Lan ...

Ông Sầm Văn Lợi (ngoài cùng bìa trái). Ảnh: Dương Hà
Ông Sầm Văn Lợi (ngoài cùng bìa trái). Ảnh: Dương Hà

Một trong những nội dung được triển khai tại Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) là sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống, khôi phục, lưu truyền, phổ biến nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ...

Người “giữ lửa”

Xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) có trên 400 hộ dân sinh sống với gần 2 nghìn nhân khẩu. Hằng trăm năm qua, người Cao Lan đến đây định cư và các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong hành trình ấy, họ vượt qua nhiều thử thách để phát huy giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam...

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ gìn văn hóa dân tộc Cao Lan. Bên cạnh tiếng nói, phong tục tập quán cũng dần mai một khiến nhiều nghệ nhân có uy tín trong cộng đồng không khỏi lo lắng, trăn trở, tìm cách “thắp lửa” tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Ông Sầm Văn Lợi là một trong những người như vậy. Với ông, văn hóa Cao Lan như dòng chảy tự nhiên, thấm đẫm trong huyết quản.

Ông Lợi cho biết: “Văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của người Cao Lan được thể hiện rõ nhất qua chữ viết, cuốn sách. Chữ của người Cao Lan thuộc hệ chữ Hán - Nôm nên khó học và viết.

Những trang sách này hàm chứa lượng lớn tri thức của người Cao Lan như phong tục, tín ngưỡng, cách trồng trọt, chăn nuôi, phương châm sống. Những pho sách cổ là niềm tự hào, bởi nó phản ánh nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc chúng tôi”.

Những năm qua, ông Sầm Văn Lợi dành nhiều thời gian nghiên cứu văn hóa Cao Lan. Ông sưu tầm tài liệu, sách vở về học thêm chữ. Nhiều lần tìm trong tỉnh không có, ông cất công sang các địa phương có nhiều người Cao Lan như Tuyên Quang, Yên Bái… để thu thập tài liệu. Cứ thế, kho tàng văn hóa, phong tục, tập quán của người Cao Lan của ông Lợi ngày càng dày hơn.

Theo ông Lợi, phong tục tập quán người Cao Lan khá đa dạng, nếu không ghi chép, học hỏi sẽ không biết hết được. Cũng vì đam mê, tình yêu với văn hóa dân tộc, ông luôn cố gắng, tìm tòi, trau dồi thêm nhiều kiến thức. “Tôi làm tất cả vì muốn bảo tồn văn hóa dân tộc”, ông Lợi tâm sự.

Lớp học chữ Hán - Nôm được tổ chức tại nhà ông Sầm Văn Lợi. Ảnh: Dương Hà

Lớp học chữ Hán - Nôm được tổ chức tại nhà ông Sầm Văn Lợi. Ảnh: Dương Hà

Còn sức khỏe, còn cống hiến

Cao Lan là 1 trong 3 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có chữ viết riêng. Tuy nhiên, chữ người Cao Lan thuộc hệ chữ Hán - Nôm, chủ yếu dùng khi thực hiện nghi lễ, hoạt động tôn giáo, không phổ biến trong cuộc sống hằng ngày nên ít người biết.

Ông Lợi chia sẻ: “Được học chữ Hán - Nôm từ năm 11 tuổi, tâm niệm của tôi là tiếp tục truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho thế hệ sau để gìn giữ văn hóa người Cao Lan. Sau khóa học, thành viên không chỉ có thêm vốn từ còn biết các bài cúng ngày rằm, lễ để phục vụ gia đình”.

Lớp học của ông Lợi được tổ chức ngay tại khoảnh sân trước nhà. Vào dịp Hè, nhiều học sinh đến học. Lớp thứ 2 dành cho người lớn có nhu cầu học chữ. Hiện, lớp người lớn có 12 thành viên, độ tuổi từ 25 - 65. Theo ông Lợi, để gìn giữ văn hóa dân tộc, các gia đình phải trở thành nơi lưu giữ và duy trì ngôn ngữ. Cha mẹ chính là người giúp các con hiểu biết văn hóa, khơi dậy lòng tự hào, lấy ngôn ngữ dân tộc làm gốc.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Sầm Văn Lợi còn cho biết: “Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và truyền dạy chữ viết, văn hóa truyền thống ông cha, góp một phần công sức nhỏ bé vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Là thành viên của lớp, hằng ngày, ông Trần Văn Tỵ, 60 tuổi dành 2 tiếng buổi tối để học chữ. Ban đầu, việc học khó khăn bởi đây là hệ chữ ghép không thể đánh vần như chữ phổ thông. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông Lợi, từ buổi học thứ 5 trở đi, ông Tỵ dần bắt nhịp với cách học.

Lớp học của ông Lợi còn có nghệ nhân Hoàng Giang Lâm. Ông Lâm hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới, xã Quang Yên (Sông Lô, Vĩnh Phúc).

Chia sẻ về lớp học, ông Lâm cười nói: “Tôi là lớp trưởng, dù 62 tuổi nhưng chưa già nhất lớp. Đây không phải lần đầu tôi học nhưng bởi chữ Hán - Nôm khó, học chữ nào biết chữ đó nên phải tiếp tục học thêm để biết nhiều chữ mới. Trên lớp, ông Lợi giảng dạy bắt đầu từ bài giáo lý, đến đạo đức, lối sống; dạy học trò theo sách giáo trình có nội dung từ đơn giản đến phức tạp. Thầy sử dụng phương pháp trực quan, giảng giải và đàm thoại... để học trò dễ hiểu và học”.

“Dù nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền nhưng mới dừng ở mức động viên tinh thần. Do đó, để bảo tồn và phát huy văn hóa người Cao Lan, tôi mong các cấp tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để lớp học phát triển lâu dài, thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”. - Ông Hoàng Giang Lâm (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới, xã Quang Yên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.