GD-ĐT đóng góp quan trọng phát triển KT-XH Thủ đô

GD&TĐ - Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng, Ngành GD-ĐT Hà Nội đã có những chuyển biến rõ nét, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

GD-ĐT đóng góp quan trọng phát triển KT-XH Thủ đô

Ngày 17/11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Đổi mới giáo dục là 1 trong 3 khâu đột phá của Hà Nội

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phong- Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Thực hiện Nghị quyết 29, Thành phố đã ban hành 32 văn bản lớn để chỉ đạo, triển khai trên địa bàn.

Hà Nội luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới là một trong 3 khâu đột phá của Thành phố được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI.

Trong 5 năm qua, Thành phố luôn quan tâm, tạo mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho GD-ĐT; xây dựng đội ngũ nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục và các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục.

Giai đoạn này, Thành phố đã triển khai 952 dự án cải tạo và xây mới trường học, với kinh phí trên 20,3 nghìn tỷ đồng, trong đó Hà Nội đã xây mới 211 trường học.

Công tác xây dựng trường đạt Chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Hết năm 2017, tỷ lệ trường đạt Chuẩn quốc gia của toàn thành phố đã đạt 52%. Trong đó các trường công lập đạt chuẩn là 62%, dự kiến hết năm 2018 sẽ đạt 66%.

Cùng với đó, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến rõ nét. Đội ngũ cán bộ giáo viên được tăng cường và đảm bảo chuyên môn, năng lực sư phạm, 100% giáo viên ở các cấp học đều đạt chuẩn. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới, nền nếp và kỷ cương được duy trì.
 
Hà Nội cũng rất quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, CNTT trong mọi lĩnh vực GD&ĐT, đặc biệt là trong tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong  GD-ĐT, nhất là đã thí điểm mô hình trường chất lượng cao, trường đào tạo song bằng.

Các đề án, chương trình công tác đã được triển khai kịp thời. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, bám sát thực tiễn và đề ra các giải pháp cụ thể, quyết tâm tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt. Từ đó, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực GD-ĐT.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị

Tầm quan trọng của Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Hoàng Trung Hải- Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo và mọi tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp GD-ĐT Thủ đô trong thời gian qua.

Theo ông Hoàng Trung Hải, xác định được tầm quan trọng của GD-ĐT nên thời gian qua TP đã ưu tiên đầu tư và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo đúng tinh thần Nghị quyết 29.

Đồng thời, do được đông đảo cán bộ, đảng viên, các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo và Nhân dân đồng thuận hưởng ứng nên giáo dục Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 và đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, ông Hoàng Trung Hải đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 29.

Đặc biệt, phương pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết cần bảo đảm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn Thủ đô, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới và phát triển GD&ĐT.
 
Cùng với đó, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, lối sống, tác phong mẫu mực của nhà giáo; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên.
 
Ông Hoàng Trung Hải lưu ý, cần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, dân chủ, kỷ cương. Tuyên truyền, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử văn hóa trong học đường và nơi công cộng.

Đặc biệt, phải quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí đủ nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đào tạo của Thành phố.

 Ông Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp học nghề và phân luồng học sinh sau trung học, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác này ở trong và ngoài nhà trường.

Đặc biệt, phải tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào công tác định hướng, phân luồng. Chú trọng đào tạo gắn với thực hành và nhu cầu xã hội; tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.