Cháy bỏng gieo ước mơ...
Tôi tình cờ biết được câu chuyện chia tay nghề giáo của thầy Trần Đức Tín – cựu giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau và giờ đang là công nhân của một xưởng chế biến gỗ tư nhân ở Sài Gòn. Câu chuyện của thầy Tín không “ngọt” mà chỉ khiến tôi cay cay nơi khóe mắt.
- Phải chăng, anh đã lựa chọn sai nên mới rẽ lối và chia tay nghề giáo?
- Không, tôi chưa bao giờ lựa chọn sai. Lớn lên ở vùng quê nghèo nơi cuối trời Tổ quốc, bên cánh đồng tràm bát ngát của cánh rừng U Minh – Cà Mau, tôi đã ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo từ thuở ấu thơ. Ấy là cái ngày đi học gặp trời mưa, sợ cặp ướt cậu học trò vội ủ trong áo để rồi đến trường người ướt rượt, lạnh run cầm cập.
Thương cậu học trò, thầy cô đã lấy chiếc áo khoác ra lau cho tôi. Hình ảnh đó làm tôi ấm lòng và yêu thương đến lạ. Chính nó đã thúc giục tôi sau này lớn lên phải vào sư phạm và trở thành người thầy hết lòng yêu thương học trò như thầy cô tôi từng làm!
Mà mơ ước là thế chứ còn con đường đến với nghề giáo của tôi lòng vòng lắm. Tốt nghiệp lớp 12, vì nhà nghèo nên tôi không đăng kí thi đại học mà khăn gói lên Sài Gòn làm công nhân.
Dẫu vậy, trong tôi vẫn chưa bao giờ ngừng ước mơ nên hành trang theo tôi lên Sài Sòn còn có: Văn – Sử – Địa – 3 môn học tôi đặc biệt yêu thích. Ban ngày làm ở công ty, tối về tôi lại trèo lên gác của căn trọ chật hẹp chốn thị thành giở từng trang sách tự học, tự ôn. Và, ước mơ của tôi đã được chắp cánh khi đậu đại học để rồi rưng rưng trong câu nói của mẹ: “Nhà mình nghèo quá, con đi học sẽ chật vật lắm...”.
Không thể bỏ lỡ cơ hội của ước mơ một lần nữa, tôi đã làm đủ thứ nghề không tên không tuổi để vừa đi học, vừa tự trang trải cuộc sống của mình. Thời gian 4 năm đại học đã trôi vèo trong những tháng ngày bận rộn nhưng đong đầy khao khát ấy của tôi. Năm 2013 tôi cầm bằng tấm tốt nghiệp đại học trong tay mà nước mắt lưng tròng hạnh phúc!
-Là ước mơ cháy bỏng của cả cuộc đời anh sao?
-Vâng, tôi đã đi đến ước mơ cháy bỏng của cuộc đời mình như thế và đã kịp gắn bó với nghề trong 4 năm (2014 - 2018) khi là giáo viên hợp đồng dạy môn Ngữ văn ở Trường THPT Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Đấy là khoảng thời gian đong đầy kỷ niệm khi tôi được say sưa truyền cảm hứng yêu văn chương đến học trò không chỉ qua bài giảng mà còn qua việc sáng lập CLB thơ-văn; say sưa chủ nhiệm những cô cậu học sinh cá biệt.
Cả 4 năm công tác tôi đều là giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi cấp trường và đã từng được trường cử thi giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh. Năm 2016, tham gia cuộc thi “Hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn” do Bộ GD&ĐT phát động, tôi đạt giải Nhất vòng tỉnh và giải Nhì vòng quốc gia...
Rồi thì, giữa lúc rảnh rang chưa lập gia đình, thương mấy học trò mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, đi học xa nhà, tôi đã xin phụ huynh cho các em trọ học cùng tôi (tôi cũng đang sống thuê trọ). Có năm trong nhà tôi nuôi tận 5 cậu học trò nghèo.
Mừng là giờ các bạn ấy đều học cao đẳng, đại học cả. Hay như vào dịp Tết, tôi mạnh dạn đứng ra vận động mạnh thường quân hỗ trợ học trò nghèo gần 2 tấn gạo để ăn Tết; hoặc vận động được hơn 10 chiếc xe đạp cho các em và cả các suất học bổng...
Thầy ơi, thầy đâu rồi?
- Yêu nghề, tận tâm với trò như thế vậy mà vì sao anh vẫn quyết tâm xa trường, xa lớp, xa học trò?
- Tôi nghỉ dạy từ tháng 8/2018 đến nay cũng được 2 mùa 20/11 rồi! Tôi đành chia tay trường lớp, học trò cũng vì luôn thấy mình bấp bênh trong nghề. Cũng vì 4 năm gắn bó với trường với lớp, 4 năm say sưa với ước mơ, 4 năm gặt hái thành công thế nhưng tôi vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng.
Mỗi năm hết hè, những giáo viên dạy hợp đồng như chúng tôi lại buồn và lo lắng rất nhiều, không biết năm học tới mình còn được đứng lớp hay không? Tôi luôn có cảm giác bị hụt hẫng, thấy sao nghề giáo bị phũ phàng, thậm chí có phần bạc bẽo.
Đấy là trong khi đồng lương không trang trải nổi cuộc sống vậy mà còn thường xuyên nghe tin cắt, giảm hợp đồng giáo viên không chỉ ở Cà Mau mà cả ở Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Đắk Lắk...; nghe những câu chuyện phụ huynh đánh, uy hiếp bắt cô giáo quỳ... Vì vậy, dù say mê đến mấy song không thể lừa được lòng mình – lòng tự trọng với nghề nên tôi viết đơn xin nghỉ việc.
- Sẽ là những nỗi buồn hay sự hụt hẫng đến với anh khi đó?
- Đấy là một quyết định khiến tôi buồn đến tận bây giờ. Đôi lúc thấy mấy đứa nhỏ mặc áo dài trắng đi học tự nhiên về nhà mà nước mắt rưng rưng. Biết bao kỷ niệm về đám học trò vẫn luôn bủa vây tôi.
Nhớ nhiều lắm mấy đứa nhỏ cắp sách đến nhà thầy ngồi bẹp dưới nền đất mà học; nhớ lắm những ngày bế giảng, thầy trò chia tay nhau, chúng nó lên lớp, rồi cũng học ở trường thôi nhưng nước mắt ngắn dài thút thít; nhớ lắm gần chục đứa học trò mình cưu mang qua mấy năm, thầy trò cơm cháo có nhau, nhớ lắm những “biệt danh” mà người dân nơi tôi trọ đặt cho mình: “Thầy xe đạp”, “Thầy nuôi học trò”, “Thầy gạo”… Và nhớ nhất là câu hỏi của mấy đứa học trò qua tin nhắn: “Thầy ơi! Thầy đâu rồi?”.
Tôi nhoẻn miệng cười tự nói với mình: Thầy làm công nhân ở Sài Gòn! Tuy cực nhưng thấy an tâm không lo bị đuổi nữa.
Ngày 20/11 đầu tiên, tôi đón Tết thầy với mùn cưa và gỗ, không hoa cài áo, không lời chúc mừng, tôi thấy mình thừa một khoảng trống đến mênh mông... Giờ tôi lại tự hỏi: Thầy ơi! mình giờ đâu rồi?
Thầy Trần Đức Tín giờ đây là công nhân một xưởng gỗ tư nhân tại Sài Gòn. Ảnh: NVCC |
Đành gửi văn chương nỗi nhớ...
- Nhớ nghề nhiều đến vậy nên anh đã gửi những nỗi nhớ nghề ấy vào các tác phẩm văn chương?
- Đúng vậy, tuy xa nghề và “lửa nghề” đôi lúc đã nguội, nhưng hơn hết tôi vẫn luôn yêu những trang giáo án cùng học trò thân thương. Giờ không dạy Văn nữa thì tôi cầm bút để viết truyện và làm thơ, vẫn âm thầm nuôi ngọn lửa ấy qua những trang giấy, những dòng chữ.
Và có làm gì đi nữa thì chữ tâm luôn tiên quyết là nền tảng, trong thơ văn của tôi, luôn truyền tải những điều chân – thiện – mỹ để người yêu người hơn! Và với tôi, viết như một cách gián tiếp thể hiện tình yêu ấy. Nhiều khi tôi nghĩ: Tôi viết truyện, làm thơ như một ông giáo đứng ngoài cửa lớp học của ngôi trường xưa nhìn qua khung cửa sổ để tìm lại mình trong đó!
- Cuộc sống hiện nay của một công nhân vốn là thầy giáo có khiến anh bớt chông chênh?
- Nghỉ dạy, tôi lên Sài Gòn làm công nhân ở một xưởng gỗ của công ty tư nhân. Tôi học việc lại từ đầu, từ công nhân cắt ván đến chạy xe nâng. So với nghề giáo thì công việc chân tay này rất nặng nhọc nhưng được cái là nhẹ lòng, không nghĩ nhiều như trước, không lúc nào cũng lo sợ bị đuổi việc…
Làm công ty tư nhân được chỗ là rất công bằng về năng lực, môi trường làm việc luôn cạnh tranh, nhạy bén nên có cơ hội thăng tiến nhiều hơn. Về chính sách đãi ngộ của họ cũng tương tự như Nhà nước, không khác nhiều, họ cũng có bảo hiểm xã hội, có công đoàn và thưởng thì lúc nào cũng hơn việc giáo viên lúc trước.
Tết năm ngoái nhận thưởng của công ty tôi lại nhớ có năm Tết đến, giáo viên trường tôi được thưởng mỗi người 200.000 đồng ăn Tết, âu đó cũng là kỉ niệm vậy!
- Anh có băn khoăn, trăn trở cũng như kiến nghị gì về chính sách của Nhà nước đối với nghề giáo không?
- Tôi không phải là trường hợp duy nhất. Thực tế thì đã có rất nhiều giáo viên bỏ nghề giống tôi. Có người đang dạy tiểu học luân chuyển xuống dạy mầm non, họ phải học bổ sung kiến thức nên chán nản bỏ nghề. Có người xin nghỉ trường công lên trường tư ở thành phố dạy. Cũng có hẳn một đồng nghiệp tôi quen biết, có thâm niên 15 năm trong nghề, cũng viết đơn xin nghỉ dạy…
Từ thực tế đó, tôi mong rằng giáo dục sẽ được chú trọng nhiều hơn nữa. Chẳng phải đâu đó ta cũng còn thấy những thầy cô vùng cao cõng bàn lên buôn lên bản cho các em học. Những vùng sâu, vùng xa còn chênh chao con đường đến trường, có cả các trường không xây nổi toilet cho các em, sân trường mỗi mùa mưa là đầy sình lầy...
Cùng với đó, tôi luôn trăn trở về đời sống của giáo viên. Thật lòng mà nói, khi “ngọn lửa nghề” có cao đến mấy mà về nhà vợ bệnh, con đau không có tiền chạy chữa thì lòng dạ nào mà nhìn cho đặng, làm sao còn động lực bấu víu hay đầu tư hẳn hoi cho nghề? Nếu không có cơ chế phù hợp thì có lẽ ít người mặn mà với nghề giáo.
Tôi cũng như nhiều nhà giáo thiện lương khác, thiết nghĩ xã hội đừng mang vật chất hay bất cứ thứ gì làm hoen ố. Xã hội cần có cái nhìn tôn trọng hơn đối với nghề giáo như xưa, “Bán tự vi sư, nhất tự vi sư”. Tất nhiên, với những ai đang là giáo viên: Nếu các bạn đã chọn con đường “gieo trồng người” thì xin hãy thiện lương! Nếu cảm thấy không thiện lương hãy ra khỏi nghề, trả lại sự thanh sạch cho nghề, đừng thi gian lận cử, đừng hành hạ trẻ nhỏ…
- Có khi nào anh muốn một ngày nào đó anh lại được trở về với mái trường, với học trò với ước mơ tuổi thơ?
- Tôi rất muốn trở về với nghề giáo, nhưng khi nào có cơ chế phù hợp và không cảm thấy bấp bênh. Vì nghề giáo trong tôi vẫn vẹn nguyên thánh thiện, đầy thiện lương và tình yêu. Tôi muốn cống hiến cho nghề giáo – một nghề thanh sạch và cao quý đó, sống với nó, cảm thấy mình thanh lọc hơn trong cuộc sống vốn đầy trắc trở.
Muốn cống hiến bằng cả tâm huyết này, trái tim này cho nghề lắm chứ, nhưng khi nào ta mới được đảm bảo cuộc sống để mà toàn tâm, toàn lực cống hiến đây?