(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư (HĐCDGS) Nhà nước, các HĐCDGS ngành, liên ngành và HĐCDGS cơ sở.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. |
Theo dự thảo này, các nghị quyết quan trọng về xét đề nghị công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 3/4 tổng số thành viên họp và tham gia bỏ phiếu. Khi thấy cần thiết, Thường trực HĐCDGS Nhà nước, Thường trực HĐCDGS ngành, Thường trực HĐCDGS cơ sở có thể mời các GS, PGS người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài am hiểu lĩnh vực chuyên môn, có uy tín khoa học cao và phẩm chất tốt, để thẩm định những phần trong hồ sơ của ứng viên. Danh sách người được phân công thẩm định hồ sơ và các giấy tờ, tài liệu, thông tin liên quan đến việc thẩm định, nhận xét, đánh giá, phải được giữ bí mật.
Việc xét công nhận hoặc huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và các nghị quyết quan trọng của HĐCDGS Nhà nước được quyết nghị bằng cách bỏ phiếu kín tại phiên họp của Hội đồng. Với HĐCDGS ngành, liên ngành, HĐCDGS cơ sở, việc bỏ phiếu tín nhiệm đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín.
Người thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS phải là GS. Người thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS phải là GS hoặc PGS.
Mỗi cơ sở giáo dục đại học có thể được thành lập một HĐCDGS cơ sở khi có đủ các điều kiện: Có từ 15 giảng viên trở lên (không kể giảng viên thỉnh giảng) có chức danh GS, PGS hoặc có học vị tiến sĩ, trong đó có ít nhất 7 GS hoặc PGS; có ứng viên là giảng viên của chính cơ sở mình. Ứng viên của cơ sở giáo dục đại học không đồng thời là ủy viên HĐCDGS cơ sở; đã đào tạo 01 khóa cao học hoặc nghiên cứu sinh.
Lập Phương