Người trẻ "đổ màu" cho những thước phim tài liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh

GD&TĐ -Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm ngày sinh Hồ Chủ tịch, những thước phim tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài từ những năm 1920 đến những năm tháng cuối đời của người lại được công chiếu.

Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu: “ Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách”. Chụp màn hình
Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu: “ Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách”. Chụp màn hình

Ngày sinh nhật Bác cũng là dịp những hình ảnh, những thước phim tư liệu quý về Hồ Chủ tịch từ những năm 1920 đến những năm cuối đời của người lại được công chiếu.  Cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đã "tô màu" cho những đoạn phim tài liệu đen trắng năm xưa, giúp cho chúng ta càng thấy rõ hơn, hiểu rõ hơn về vị Chủ tịch của dân tộc ta.

Tô màu đoạn phim tài liệu

Trước đây, để phủ màu cho những thước phim đen trắng cũ, người ta sử dụng những kỹ thuật cầu kỳ. Giờ đây, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), việc chỉnh sửa những hình ảnh cũ đã trở nên đơn giản hơn nhiều. AI thông minh được tích hợp vào các ứng dụng, phần mềm mà chúng ta có thể cài đặt vào thiết bị hoặc sử dụng trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian mà vẫn thu được những sản phẩm chất lượng, hấp dẫn.

Hầu hết các bộ phim tài liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đều là phim đen trắng. Có nhiều bản chất lượng không cao, gây khó cho người xem và không hấp dẫn khán giả trẻ.

Năm 2000, thanh niên 9X tên là Viên Hồng Quang (sinh năm 1995), đã sử sụng công nghệ AI để tô màu một đoạn phim tài liệu nổi tiếng về Hồ Chí Minh. Viên Hồng Quang cho biết, lí do để thực hiện thí nghiệm AI là trong một lần vô tình xem trên youtube, nhìn thấy có một tài khoản phục chế lại những video từ cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20. Từ những đoạn rung lắc, ngắt ngoãng đã ghép nối thành một video màu hoàn chỉnh, có độ phân giải cao nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).

Có rất nhiều tài liệu đen trắng liên quan đến hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam, về lãnh đạo Đảng, Nhà nước trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và khi đó, Viên Hồng Quang bắt đầu thử sức với những clip ngắn. Bản thân anh cũng rất bất ngờ khi clip xuất phát từ sở thích cá nhân đang trở thành hiện tượng trên mạng xã hội.

Để thực hiện mỗi clip này, Quang đã mất rất nhiều thời gian do hạn chế vì điều kiện máy móc, thiết bị, vừa làm vừa nghiên cứu, vừa học. Clip phỏng vấn này, Quang đã mất 1 tuần để hoàn thiện.

Bù lại, sau khi đăng tải trên mạng xã hội và các trang mạng khác, đoạn phim phục chế màu của Quang đã thu hút được hàng nghìn lượt xem, bình luận và chia sẻ. Nhiều tài khoản dẫn lại đoạn phim của Quang cũng nhận được nhiều sự tương tác của người xem.

Hầu hết các bình luận đều bày tỏ rằng đoạn phim phục chế của Quang gây ấn tượng mạnh mẽ cho họ về ánh mắt, phong thái tự chủ của Bác Hồ. Đây là một cách tiếp cận mới mẻ, thú vị cho người xem.

Điều đó cho thấy, với sự giúp sức của công nghệ AI, các đoạn phim đen trắng, phim chất lượng thấp sẽ được tái sinh thành một sản phẩm chất lượng tốt hơn, dễ tiếp cận người xem hơn, đặc biệt là giới trẻ-đối tượng vốn không mấy quan tâm tới phim tài liệu đen trắng.

Tư liệu quý phản ánh chân thực bản lĩnh Hồ Chí Minh

Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu: “ Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách”. Chụp màn hình
Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu:Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách”. Chụp màn hình

Đó là đoạn phim ghi lại cuộc phỏng vấn của Bác Hồ trả lời phóng viên thuộc Văn phòng phát thanh truyền hình Pháp (ORTF) được trích từ bộ phim tài liệu sản xuất của Pháp có tên là "Hai miền Việt Nam: Bắc Việt" (Les deux Vietnam : Vietnam du Nord). Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào thời điểm khoảng ngày 5/6/1964, hai tháng trước cuộc chiến tranh ném bom phá hoạt miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Lúc này, tình hình chiến sự Miền Nam đang khá căng thẳng. Miền Bắc đang nỗ lực tăng cường sản xuất, xây dựng kinh tế, vừa chi viện cho chiến trường Miền Nam.

Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu: Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách.
Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu: Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách

Đoạn phim mở đầu bằng những hình ảnh đường phố Hà Nội trong thập kỷ 1960, giờ tan tầm, tấp nập xe đạp qua lại. Sau đó, là cuộc phỏng vấn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nữ phóng viên. Ống kính bắt cận gương mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh, mô tả chân thực phong cách, cảm xúc và thái độ của Người.

Trong suốt quá trình phỏng vấn, phóng viên đã liên tục đặt các câu hỏi khó về bối cảnh thời sự, mối quan hệ quốc tế của Việt Nam, năng lực kinh tế của miền Bắc Việt Nam… với Bác Hồ. Nhưng với cách ứng xử thông tuệ, hóm hỉnh, Bác Hồ đã hóa giải mọi thế khó, thể hiện quan điểm, lập trường chính trị vững vàng của Việt Nam trong bối cảnh chiến sự chung của thế giới.

Ở cuối cuộc phỏng vấn, khi phóng viên đặt câu hỏi về nguy cơ lệ thuộc của Việt Nam vào một nước lớn trong khu vực, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập tức trả lời kiên quyết: Jamais! (Nghĩa là Không bao giờ.).

Câu trả lời đó đã một lần nữa khẳng định tôn chỉ Tự do-Độc lập-Hạnh phúc là kim chỉ nam cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam. Đồng thời cũng thể hiện tinh thần tự lực tự cường, sẵn sàng kết giao hòa hảo với bạn bè quốc tế của Việt Nam, kể cả với nước Pháp.

Đoạn phim được phục chế màu đã đem đến cho khán giả một sự mới mẻ, hấp dẫn. Thời lượng của đoạn phim vừa phải, hình ảnh và nội dung cô đọng, súc tích, có thể sử dụng để làm tư liệu tham khảo, dẫn chứng cho việc nghiên cứu, học tập của giới trẻ. Quan trọng không kém, đó là việc thay đổi quan niệm của giới trẻ về việc tiếp cận một bộ phim tài liệu được sản xuất trong điều kiện thiết bị hạn chế, chất lượng phim thấp. Từ đây, thay đổi dần cách thức tư duy về các sự kiện nhân vật lịch sử.

Việc nỗ lực phục dựng một đoạn phim đen trắng của một cá nhân thuộc thế hệ 9X cũng cho thấy giới trẻ đã và đang dành cho lịch sử nói chung và về Chủ tịch Hồ Chí Minh một sự quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu một cách nghiêm túc.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào việc phục chế phim ảnh tài liệu có chất lượng thấp thành các bản phim có chất lượng cao, hình ảnh rõ nét, thích ứng với các nền tảng công nghệ số khác nhau cũng cho thấy xu hướng phát triển tất yếu của kỹ thuật điện ảnh. Số hóa một tác phẩm cũ không chỉ để gìn giữ tác phẩm như một bản sao hoàn hảo của chính nó trên nền tảng công nghệ mà còn đem lại cho nó một đời sống mới trong bối cảnh cuộc sống con người hiện đại.

Những thước phim quý của Pháp

Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu: Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách

Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu:Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách

Từ năm 2019 lần lượt những thước phim tư liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài từ Đại hội Tours năm 1920 đến những năm cuối đời của đạo diễn Pháp  Gérard Guillaume sẽ lần đầu tiên được công chiếu tới công chúng Việt Nam qua nhiều kênh truyền hình.

Bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách (Ho Chi Minh: esquisse pour un portrait politique), dài 58 phút được sản xuất năm 1973, bản quyền phim thuộc cơ quan Ciné-Archives (Thư viện Phim ảnh của Đảng Cộng sản Pháp) đã được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nghiên cứu, lựa chọn và mua bản quyền sử dụng bản sao để giúp các nhà nghiên cứu lịch sử và đông đảo công chúng Việt Nam có thêm một góc nhìn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng giành độc lập, thống nhất đất nước.

Trong bộ phim có nhiều hình ảnh quý, có nhiều thông tin, hình ảnh lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam. Bộ phim tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc Người tham dự Đại hội Tours năm 1920 đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước.

Trong phim tài liệu có hình ảnh thời gian Bác Hồ ở châu Âu được tường thuật qua các bức ảnh quý. Và quá trình thành lập Đảng cộng sản Đông Dương được tái hiện qua hàng loạt hình ảnh. Tiếp theo, bộ phim đưa người xem tới khu vực miền núi nơi các dân tộc thiểu số Việt Nam sinh sống… Một phong trào kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo được tổ chức khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra. Câu chuyện về Hồ Chủ tịch được một nhóm dân ở Pác Bó nhớ lại, trong đó có người từng chịu trách nhiệm bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và hình ảnh năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, một số đoạn băng lưu trữ tái hiện thời khắc này cũng được sử dụng trong phim… Bộ phim tiếp tục đi qua cuộc chiến tranh Đông Dương với các hồ sơ mật của Lầu Năm Góc về việc Hoa Kỳ hậu thuẫn cho Pháp và ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tại Việt Nam. Phim thuật lại sơ lược chiến dịch Điện Biên Phủ và hình ảnh nhân dân ăn mừng chiến thắng.

Phim cũng mang tới những tư liệu quý về việc ký kết Hiệp định Genève với tài liệu lưu trữ và phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình. Trong phim còn có một số đoạn về việc xây dựng đập Bắc Hưng Hải, mô tả thời kỳ Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam.

Thông qua nội dung bộ phim, chúng ta có thể thấy được quá trình thay đổi nhận thức, tư tưởng đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những quyết định mang tính lịch sử của Người để thực hiện mục tiêu giành độc lập, thống nhất và hòa bình cho đất nước. Trong phim sử dụng nhiều tư liệu, tài liệu lưu trữ và phỏng vấn nhiều nhân vật lịch sử.

Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh bản Di chúc của Người, kêu gọi nhân dân Việt Nam tiếp tục giữ vững tinh thần cách mạng và duy trì sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản. Bộ phim chưa từng được công chiếu tại Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới là người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày Người đi xa, nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Người vẫn luôn là chủ đề được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm khai thác, nghiên cứu.

Gérard Guillaume là đạo diễn của nhiều phim tài liệu, phóng sự về Việt Nam như phim tài liệu Thế giới của Khoa (Le monde de Khoa), phản ánh về cái nhìn của một đứa trẻ đến từ đồng bằng sông Hồng về cuộc chiến tại miền Bắc Việt Nam. Bộ phim đã mang về cho ông giải thưởng Paul Vaillant-Couturier dành cho tác giả.

Ngoài ra, ông còn làm phóng sự Những con đường dẫn đến chiến thắng (Les chemins de la victoire), phóng sự về cuộc điều tra của Jane Fonda về những ảnh hưởng của các vụ thả bom của Mỹ và đặc biệt là phim tài liệu Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.