Người phụ nữ nhập viện sau khi ngậm đá chữa bệnh

GD&TĐ - Do bị ho nhiều, bệnh nhân ngậm một viên đá được quảng cáo là có thể chữa bách bệnh. Bệnh nhân ngủ quên khi đang ngậm và nuốt luôn viên đá.

Viên đá 2 cm ở thực quản bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Viên đá 2 cm ở thực quản bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết đã tiếp nhận trường hợp bà N.T.B (70 tuổi, địa chỉ tại TT Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng có cảm giác vướng, đau nhức ở vùng cổ do nuốt phải dị vật trong lúc ngủ.

Theo người nhà bà B, cách đây vài ngày, bệnh nhân bị ho nhiều nên đã tự ngậm một viên đá không rõ nguồn gốc, được quảng cáo là có thể chữa bách bệnh. Khi đang ngậm, vô tình bệnh nhân ngủ quên và nuốt luôn viên đá. Tỉnh dậy, thấy cổ họng vướng nên người bệnh đã đến bệnh viện.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân được thăm khám và chụp X-quang. Các bác sĩ phát hiện, bệnh nhân có dị vật cản quang kích thước 2 cm ở thực quản. Người bệnh được chỉ định nội soi thực quản – dạ dày để gắp dị vật.

ThS. BS Vũ Ngọc Huyền - Trưởng khoa Thăm dò chức năng, người trực tiếp tiến hành nội soi thực quản - dạ dày gắp dị vật cho bệnh nhân, cho biết: "Cái khó của ca bệnh này là dị vật mà người bệnh nuốt to, góc cạnh, trơn, nên rất khó gắp ra. Các bác sĩ phải rất khéo léo mới gắp được dị vật ra khỏi đường tiêu hóa, không để dị vật đi sâu vào cơ thể".

Bác sĩ Huyền cảnh báo, người dân không nên tự ý sử dụng hoặc ngậm các vật có hình dáng tròn, cứng, trơn… dễ gây hóc do nuốt phải. Các vật này có thể kẹt tại đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp (đường thở). Nguy hiểm nhất là dị vật đường thở có thể gây ngừng thở, ngừng tim nếu không được phát hiện, xử lý cấp cứu kịp thời.

Trong trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa, người dân cần đến ngay cơ sở y tế có trang bị phương tiện nội soi thực quản dạ dày để lấy dị vật ra đúng cách. Không nên tự ý dùng tay móc dị vật ra. Bởi, hành động đó sẽ khiến dị vật chui sâu vào đường tiêu hóa, hoặc gây hiện tượng trầy xước đường tiêu hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ