Báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Hoàng Thị Hường - Giáo viên Trường THPT Vinh Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đối với học sinh, sau thời gian học online kéo dài, khi được học trực tiếp trở lại trong trạng thái bình thường mới, nhiều em có những biểu hiện rối loạn cảm xúc thậm chí còn có hành vi tự sát.
Thực tế này đã báo động về tình trạng trầm cảm ở học sinh một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng trầm cảm ở học sinh cần có sự phối hợp bằng nhiều giải pháp từ gia đình, xã hội, nhà trường.
“Kết nối vòng tay”
Gia đình là điểm tựa vững chắc nhất cho sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng trầm cảm của học sinh THPT sau đại dịch Covid-19, nhà trường và gia đình cần tổ chức các buổi tọa đàm tăng cường sự kết nối giữa hai bên để việc tháo gỡ các vấn đề tâm lý của học sinh được hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, việc giáo viên, phụ huynh và học sinh cùng ngồi lại để nêu lên những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống và học tập của con em là rất quan trọng. Thông thường, khi học sinh có những biểu hiện bất thường rõ rệt, giáo viên chủ nhiệm mới gọi điện, gặp gỡ cá nhân phụ huynh em học sinh đó để trao đổi.
Việc ngăn ngừa những biểu hiện “ngấm ngầm” là hầu như không có. Vì vậy, cần lắm sự “kết nối vòng tay” mà ở đó, các em có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trước khi mọi việc quá trễ.
Hoạt động học tập tăng cường sự hợp tác. |
Tổ chức Câu lạc bộ “Tư vấn tâm lý học đường”
Độ tuổi của học sinh là độ tuổi mà thời gian tiếp xúc trong môi trường giáo dục chiếm tỉ lệ lớn, trong đó mối quan hệ với thầy cô, bạn bè ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và đặc điểm tâm lý của học sinh.
Thông qua các hoạt động giáo dục, nhà trường sẽ tạo môi trường để học sinh loại bỏ những yếu tố tiêu cực, tăng cường những yếu tố tích cực trong quá trình ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng trầm cảm cho các em sau đại dịch Covid-19. Sự nỗ lực này vừa góp phần đưa học sinh về trạng thái cân bằng trong học tập sau khoảng thời gian học online kéo dài, đồng thời giúp các em giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống, phát triển được kỹ năng ứng phó với các vấn đề tâm lý, góp phần hình thành năng lực và nhân cách tốt đẹp.
Câu lạc bộ Tư vấn tâm lý học đường thật ra không còn quá xa lạ trong nhà trường THPT hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động của Câu lạc bộ Tư vấn tâm lý học đường ở nhà trường THPT hiện nay chưa thực sự hiệu quả.
Có nhiều nguyên nhân như: Giáo viên phụ trách câu lạc bộ chưa thực sự tạo sự gần gũi với các em, tính bảo mật chưa cao dẫn đến việc các em ngại chia sẻ… Vì vậy, để Câu lạc bộ Tư vấn tâm lý học đường hoạt động hiệu quả, giáo viên phụ trách cần nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn; mời các chuyên gia tư vấn tâm lý kết nối với những trường hợp bất thường; tuyên truyền chức năng, nguyên tắc hoạt động của câu lạc bộ; đồng thời nên thành lập trang fanpage với chế độ cài đặt bảo mật thông tin người được tư vấn để các em yên tâm chia sẻ những băn khoăn, rắc rối khi gặp vấn đề về tâm lý.
Học tập tích cực, sáng tạo
Tổ chức sinh hoạt đầu tuần cho học sinh vào tiết chào cờ. |
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, hình thức học tập chủ yếu của học sinh trên cả nước là học trực tuyến. Sau khi trở lại học tập trực tiếp, vì dịch diễn biến còn phức tạp nên các hoạt động học tập tích cực, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh hầu hết đều rất hạn chế.
Hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, song với việc tiêm phòng vắc-xin, các hoạt động đông người được phép tổ chức trở lại. Nhà trường cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh như: Học tập theo dự án, Rung chuông vàng, tham quan, trải nghiệm, các câu lạc bộ văn nghệ, các hoạt động giao lưu thể dục thể thao…
Các hoạt động này sẽ tăng cường sự kết nối học sinh trong tập thể sau thời gian dài bị phong tỏa, giãn cách, từ đó giúp các em nâng cao kĩ năng sống, góp phần giải tỏa những căng thẳng trong học tập và cuộc sống.
Tình trạng trầm cảm ở học sinh, nhất là sau đại dịch Covid-19 tưởng chừng như “xa vời” nhưng thật ra đang âm thầm diễn ra từng ngày, từng giờ ngay trong từng đứa trẻ.
Việc can thiệp kịp thời và hạn chế tình trạng trầm cảm ở học sinh là hết sức cần thiết. Thực hiện tốt vấn đề này cần có sự quan tâm đúng mức của gia đình, nhà trường và xã hội. Đừng để một ngày, chúng ta phải thốt lên “Giá như…”.