Cảm thụ văn học:

Người phụ nữ miền núi đi từ bóng tối đến ánh sáng (Kỳ cuối)

GD&TĐ - Hành trình tìm tới hạnh phúc, tự do, tình yêu của Mị phải vượt qua nhiều khổ ải. Nhưng khổ ải ấy chỉ thử thách được cô chứ không quật ngã được cô.

Mị mang trong mình vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt. Ảnh: Nhân vật Mị trong phim điện ảnh
Mị mang trong mình vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt. Ảnh: Nhân vật Mị trong phim điện ảnh

Kỳ 1: Nạn nhân của bọn chúa đất bạo tàn

Kỳ cuối: Vươn ra ánh sáng

Hành trình tìm tới hạnh phúc, tự do, tình yêu của Mị phải vượt qua nhiều khổ ải. Nhưng khổ ải ấy chỉ thử thách được cô chứ không quật ngã được cô. Đó là hành trình từ bóng tối đến ánh sáng của người phụ nữ miền núi bị áp bức vùng lên như cú vươn mình của loài cây ưa sáng bị thiếu ánh sáng. Càng thiếu cây càng vươn mình. Đó là lý do để sống - vươn mình về phía ánh sáng.

Hành động lấp lánh tính người

Không chỉ thay đổi về tâm lý, về hành động của Mị khi Tết đến Xuân về trong đêm tình ấy thật mạnh mẽ lòng khát sống. “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ xắn thêm một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng… vấn tóc… với tay lấy váy hoa”. Nói đến “Vợ chồng A Phủ” ta nhớ ngay đến người phụ nữ miền núi Tây Bắc là cô Mị trong đêm tình mùa Xuân. Đoạn văn là “chiếc cầu” bắc nhịp cho cô Mị quá khứ gặp cô Mị ở tương lai. Đoạn văn miêu tả sự hồi sinh sức sống của Mị như muốn phủ định quá trình bị vật hóa, vô cảm hóa của cô Mị từ khi bị chôn chân chôn luôn thanh xuân sức sống và tài năng ở đất Hồng Ngài, trong nhà giàu mà ác Pá Tra.

Nếu hành động “Lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng” nghĩa đen là thắp sáng căn phòng tối, nghĩa ẩn là sưởi ấm trái tim lạnh giá đến hóa đá của Mị từ khi về làm dâu gạt nợ. Hành động thắp đèn của cô giống anh Tràng sau khi nhặt vợ, trên đường về nhà mua “hai hào dầu”.

Dường như anh Tràng muốn thắp sáng căn nhà u tối của mình. Và hai hào dầu - ánh sáng ấy phải chăng biểu tượng của tình thương yêu, niềm hi vọng: Dù Tràng chỉ tình cờ nhặt được vợ nhưng trân trọng “đầu tư” đến hai hào dầu trong khi nhà chỉ có cháo loãng và cháo cám để ăn, dù thực tế gia cảnh tăm tối đói khát anh vẫn cố gắng hướng về ánh sáng, sự sống, tương lai, yêu thương. Hai hào dầu ít ỏi về vật chất nhưng trong nạn đói “người chết như ngả rạ” có khi lại là sự sống.

Hiểu như vậy người đọc trân trọng anh Tràng đã hào hiệp với vợ nhặt - hành động ấy gặp gỡ với lương tri, với nhã ý muốn vợ nhặt được vui lòng. Đó có thể là hành động nhỏ nhưng lấp lánh tính người, tình người trong thê thảm đói. Đó là chứng nhân cho phẩm cách con người: Nghèo về vật chất - giàu về tinh thần.

Nhà văn Nam Cao cũng dùng ánh sáng để miêu tả sự hoàn lương của Chí Phèo. Gặp thị Nở là một tình cờ, được thị Nở quan tâm chăm sóc là đặc ân Chí được nhận. Nhờ đó, thằng Chí Phèo trở thành anh Chí hiền lương. Nam Cao mượn ngoại cảnh để tả tâm hồn anh Chí “mặt trời chắc đã lên cao và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ”.

Mặt trời và ánh nắng là ngoại cảnh nhưng chính là nội tâm, tâm hồn anh Chí đang lấp lánh tính người, tình người như ánh nắng mai kia. Vậy, ánh sáng là một tín hiệu nghệ thuật để dẫn lối nhân vật văn chương - con người đời thường từ cô đơn tìm về ấm áp, từ ốc đảo về kết nối, từ vô vọng tìm về hy vọng, từ chán đời tìm thấy lý lo sống như Mị, Tràng, Chí và nhiều mảnh đời khác. Nhà văn tài ba là những người không chỉ có biệt tài tổ chức ngôn ngữ mà còn thường gặp nhau trong những tín hiệu thẩm mỹ. Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân có những điểm gặp gỡ tình cờ đầy nghệ tính như thế.

Đến đây ta cũng thấy những viên ngọc lấp lánh tình người trong trang văn của Tô Hoài. Nhà nghệ sĩ chân chính là người yêu thương con người từ trong cốt tủy, Tô Hoài trân trọng phát hiện và nâng niu, miêu tả và tái hiện sức sống tiềm tàng của Mị trong cái vỏ vô cảm. Đây là cái nhìn đầy tin yêu, thiện cảm của Tô Hoài dành cho người nghèo bị áp bức. Ông tin rằng, càng áp bức, càng kiểm soát tự do của người nghèo hòng thống trị họ thì họ càng vùng lên mạnh mẽ giành lại quyền sống.

Sức sống tiềm tàng của Mị như hòn than hồng bị vùi dưới đám tro tàn, có gió lại bùng lên thành ngọn lửa. Ngọn lửa ấy đang ngầm ẩn, đến đêm mùa Đông thì đốt cháy giam cầm, cứu người và cứu mình. Đó cũng là ý nghĩa của đoạn văn miêu tả Mị tiềm tàng trong đêm Xuân. Đó là sơ cở để Mị vùng lên tự giải phóng khỏi thần quyền, cường quyền đòi tự do.

Nghệ thuật để tái hiện số phận éo le, cuộc đời bi thương, sức sống phi thường của Mị được nhà văn Tô Hoài dụng công là gì? Tài kể chuyện sinh động, khéo léo; tình huống truyện sinh động, hấp dẫn, có đột biến; tâm trạng nhân vật chuyển biến tinh vi, phức tạp nhưng hợp lý; tự sự kết hợp trữ tình làm cho truyện đậm chất thơ chất nhạc và phong vị Tây Bắc đậm nét làm nên cá tính cho truyện “Vợ chồng A Phủ”.

nguoi phu nu mien nui di tu bong toi den anh sang (1).jpg
Nhân vật Mỵ trong Vợ chồng A Phủ phiên bản kỷ yếu của nhóm học sinh Trường THPT Kon Tum (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Ảnh minh họa: INT

Sức sống trỗi dậy

Nhân vật trong tác phẩm tự sự là cột xương sống, là bộ rễ hay là tán lá của cây? Thử tưởng tượng cây thiếu thân hay thiếu rễ, thiếu tán lá thì sao? Nếu bộ rễ ví như tư tưởng của truyện, phải giải mã qua chiêm nghiệm, suy tư thì nhân vật trong truyện có thể ví như thân cây - là cột sống của cây.

Nhân vật cũng là linh hồn làm nên giá trị của tác phẩm. Nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn đặt vào nhiều tình huống éo le. Một trong những tình huống đó là cô đang vô cảm mà có người cần sự đồng cảm. Cảnh A Phủ vô tội bị bạo hành đói rét giữa đêm Đông có thức tỉnh được tình thương đang ẩn sâu trong tâm hồn Mị ngụy danh dưới thái độ bình thản vô hồn kia?

A Phủ vốn là chàng trai mồ côi nhưng hiền lành chăm chỉ và lao động giỏi. Anh ấy bị phạt vạ nhà Pá Tra khi đánh A Sử. Do đó phải làm công trả nợ cho nhà giàu. Một lần chăn bò không may bị hổ ăn thịt mất bò nên anh bị trói đứng giữa đói và khát, giữa lạnh và đau. Ban đầu Mị vẫn thản nhiên vô cảm “Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác đứng đấy cũng thế thôi”. Cô thản nhiên thổi lửa hơ tay, hơ lưng. Hình ảnh bếp lửa lặp đi lặp lại trong truyện 9 lần.

Đây là hình ảnh ánh sáng, nếu ánh sáng của ngọn đèn Mị thắp đêm mùa Xuân biểu tượng cho sức sống trỗi dậy trong lòng cô thì ngọn lửa lặp lại trong đêm mùa Đông trên rẻo cao nơi bản Mèo này lại là biểu tượng đối lập với sức sống. Lửa đêm Đông làm bạn với Mị là biểu tượng cho nỗi cô đơn, đơn độc, lẻ loi, lạnh lẽo đến vô cảm của lòng Mị. Vì sao lại thế? Vì cô lạnh, cô đơn, cô thiếu thốn chăn ấm, thiếu thốn tình thương đến nỗi đêm nào cũng trở dậy thổi lửa hơ tay hơ lưng cho ấm.

Một chi tiết nhỏ nhưng làm nên nhà văn lớn, để Mị phải bầu bạn với bếp lửa, ngọn lửa, ánh lửa vô tri vô giác Tô Hoài muốn đồng thời lên tiếng tố cáo tội ác cha con Pá Tra đã biến cô Mị xứng đáng được hạnh phúc thành dửng dưng vô cảm trước cảnh đồng loại của mình bị đau, bị đói, bị khát, bị rét.

nguoi phu nu mien nui di tu bong toi den anh sang (3).jpg
Vợ chồng A Phủ phiên bản kỷ yếu của nhóm học sinh Trường THPT Kon Tum (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Ảnh minh họa: INT

Nhà văn Tô Hoài còn thương cảm và xót xa cho cô Mị bị vô cảm hóa, thiếu thốn cô đơn đến bầu bạn với lửa vô tri. Thử phân tích vì sao Mị có thể dửng dưng thổi lửa sưởi ấm, khi A Phủ đáng thương bị trói đứng ở kia.

Thứ nhất, cô vô cảm vì chính Mị mùa Xuân năm trước cũng bị trói đứng thế kia “nhiều lần khóc nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được”. Thứ hai, chính người đàn bà chị dâu năm trước đã từng bị trói đứng đến chết ở đây. Thứ ba, Mị đã bị “trình ma nhà nó” thì chỉ có chết ở đây, không còn cách nào khác. Thứ tư, nếu Mị thương mà cứu A Phủ hay thương mà cởi trói, cho cơm ăn nước uống thì người bị trói thay vào đó chính là Mị. Cô vô cảm là hợp tình hợp lý. Sự vô cảm của Mị trước cảnh A Phủ bị đau cho thấy Tô Hoài gay gắt phê phán sự ác nghiệt của bọn chúa đất miền núi đã hủy hoại tâm hồn cô.

Tưởng Mị sẽ chết chìm trong vô cảm ở Hồng Ngài trong nhà Pá Tra cường hào ác bá nhưng không, Tô Hoài đặt Mị vào một tiểu tiết đổi đời đó là để Mị thấy dòng nước mắt A Phủ đã “bò trên hai hóm má đã xám và đen lại”. Nước mắt người hiền là tiểu thiên thần đánh thức lương tri. Quả đúng, từ dòng nước mắt đau đớn, bất lực, cầu cứu của A Phủ đáng thương, Mị được đánh thức bằng giả dược.

Cô chuyển biến tâm trạng, từ dửng dưng vô cảm thành đồng cảm: Mị nhớ lại mùa Xuân năm trước mình cũng bị trói đứng thế kia, “nhiều lần nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không lau đi được” chỉ vì sửa soạn đi chơi Tết. Mị nhận ra độc ác của nhà thống lý khi đạo đày người hiền lành, cố đẩy người hiền vào con đường nợ nần ràng buộc.

Sau khi đồng cảm, cô Mị còn dùng trí thông minh vốn bị chôn vùi từ khi bán sức trả nợ để nghĩ lại và nhận ra “chúng nó thật độc ác”. Chúng nó là cha con thống lý. Độc ác vì quá khứ xa đã trói đến chết người đàn bà như thế, quá khứ gần chỉ mùa Xuân năm trước Mị cũng bị trói bị đánh chỉ vì muốn đi chơi Tết và độc ác đến tàn nhẫn vì hiện tại A Phủ siêng năng, hiền lành có thể sẽ chết đêm mai nếu mình không giúp. Về sau có thể còn người nghèo, hiền lành, vô tội khác bị đọa đày như thế nữa.

Tất cả khiến Mị phản kháng. Đoạn văn ngắn này nhà văn dùng điệp từ “chết” chín (9) lần: Chết đau, chết đói, chết rét… để tô đậm hiện thực cay đắng mà người lao động nghèo như A Phủ, như Mị đang gánh chịu. Hiện thực phũ phàng đó khiến cô có sức mạnh hành động. Mị “rút con dao nhỏ, cắt dây mây cởi trói cho A Phủ”. Đây là hành động mạnh mẽ, dứt khoát, phản kháng chống lại thần quyền và cường quyền. Là hành động đòi tự do. Là hành động bất ngờ nhưng hợp lý.

Bất ngờ vì mới khoảnh khắc trước hàng mấy đêm liền cô vô cảm thổi lửa sưởi ấm trước cảnh A Phủ bị trói đứng. Hợp lý vì ẩn sau bề ngoài vô cảm của Mị là bản chất cô gái Mèo trẻ, tài, yêu đời và có trách nhiệm, giàu lòng tự trọng. Cô Mị đang hành động cởi trói cho A Phủ tưởng là bản năng thiếu suy nghĩ nhưng đó là bản chất. Cô mạnh mẽ cứu người và cứu mình. Đây cũng là tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Tô Hoài - chỉ ra lối thoát cho kẻ nghèo bị trị - mạnh mẽ phản kháng, quyết liệt hành động sau đó đi theo cách mạng đổi đời.

Đoạn văn còn thể hiện biệt tài phân tích tâm lý của Tô Hoài khi ông để Mị “đứng lặng trong bóng tối” một lúc rồi mới vùng chạy theo A Phủ. Khoảnh khắc đứng lặng là Mị đang phân tích hoàn cảnh. Cô có hai lựa chọn: Ở lại và bị trói vào cột đến chết hay là chạy đi và có cơ hội trốn thoát đến tự do, hạnh phúc, hy vọng, tương lai. Vì sợ hậu quả khi ở lại nên cô tạm quên thần quyền “con ma” nhà Pá Tra để theo bản năng “vùng chạy” trốn. Có lẽ tiếng gọi tự do đã tiếp thêm sức mạnh cho đôi chân cô.

Cô Mị ý vô cảm hồi đầu đã đổi hướng, nhìn ra mình còn có cách khác, tự cởi trói cho mình. Có bị bắt và chết trên đường đến tự do còn hơn ở lại bị đọa đày chết trong khổ đau, lạnh lẽo. Cô đã thắng nỗi sợ, thắng thần quyền, cường quyền bằng hành động tưởng là bản năng mà là bản chất - tự đứng lên tìm đường cứu mình. Lựa chọn của Mị khá giống với Chí Phèo - chọn đối đầu. May mắn hơn cô đã chiến thắng.

Lựa chọn của Mị cũng giống với hồn Trương Ba khi ông trả xác cho anh hàng thịt và khước từ đề nghị nhập vào xác cu Tị của Đế Thích. Đó là lựa chọn sống có giá trị hơn là tồn tại vô nghĩa còn gây đau đớn cho người thân và dày xéo, dằng vò nội tâm mình. Kiểu triết lý Hamlet “Sống hay không sống”. Nhà văn tài ba là người suy tư và trở trăn để tìm ra ý nghĩa của sự sống. Đặt nhân vật “con yêu” của mình vào hoàn cảnh éo le, Nam Cao, Tô Hoài hay Lưu Quang Vũ đã thể hiện tư tưởng của mình về ý nghĩa đích thực của sự sống.

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” vừa có giá trị hiện thực vừa có giá trị nhân đạo sâu sắc. Vừa tố cáo xã hội dùng thần quyền để tê liệt tinh thần người dân, vừa dùng bạo quyền để áp bức họ. Tiếng nói nhân văn ca ngợi sức sống của người bị áp bức và niềm tin vào khả năng tự cởi trói của người lao động nghèo mà mạnh mẽ. Họ có thể làm chủ đời mình sống đời đáng sống.

Thành công ấy nhờ tài năng ngôn ngữ giản dị mà giàu sức gợi, lối trần thuật tự nhiên lôi cuốn, biệt tài phân tích tâm lý nhân vật. Thành công về nội dung tư tưởng và nghệ thuật như thế, Tô Hoài xứng đáng là nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam, hay viết và viết hay về phong tục tập quán miền núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.