Người phu chữ làng Hoa

GD&TĐ - Là một nông dân chính hiệu, nhưng nhờ tự học, ông Phan Thế Phiệt (sinh năm 1948) ở làng Hoa (xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã trở thành một nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch, nghệ nhân dân gian nổi tiếng ở xứ Nghệ.

Người phu chữ làng Hoa

Đi lên từ dân ca ví, dặm.

Về xã Hoa Thành hỏi thăm nhà văn Phan Thế Phiệt hầu như người dân nào cũng biết, mấy trẻ chăn trâu còn nhiệt tình dẫn khách đến tận nhà.

Trong ngôi nhà nhỏ nóng hầm hập ở đầu làng, ông Phiệt đang miệt mài ngồi viết bên chiếc bàn con. Chúng tôi gọi mấy lần mới “lôi” ông ra khỏi dòng suy nghĩ. 

Xởi lởi mời khách vào nhà, ông bảo: Tớ đang viết cuốn tiểu thuyết thứ hai. "Vật lộn với chiến trường trắng” như thế này hầu như quên hết những gì xung quanh”. 

Ông Phiệt dáng người tầm thước, vầng trán cao, mái tóc bạc phơ, trông phong thái nho nhã như một cụ đồ nho ngày xưa. Là người khiêm tốn, không muốn nói về bản thân nhưng khi biết chúng tôi vượt hơn 50 km giữa trời nắng nóng trên 40oC để đến đây nên ông cũng mở lòng về chuyện đời, chuyện văn của mình.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hoa, nhưng Phan Thế Phiệt rất ham học và học giỏi. Tuy thế, ông cũng đành phải gác lại bút nghiên từ rất sớm để ở nhà làm ruộng vì gia đình quá khó khăn. 

Vốn có gọng hát hay và sáng tác nhiều điệu dân ca ví, dặm nên Phan Thế Phiệt được tín nhiệm bầu làm cán bộ văn hóa xã, đảm trách đội trưởng đội văn nghệ. 

Tuy là đội văn nghệ xã nhưng với những vở kịch dân ca do ông sáng tác và dàn dựng đã gây được sự chú ý trong công chúng huyện nhà.

Năm 1967, ông tham gia dự thi và đoạt giải nhất kịch bản viết về dân ca do Hội VHNT Nghệ Tĩnh tổ chức. Cũng trong năm này, ông vinh dự là hội viên trẻ nhất được kết nạp vào hội VHNT Nghệ Tĩnh .

Nhận thấy đây “ hạt nhân” quan trọng nên cấp trên đã điều ông lên làm việc tại phòng văn hóa, gây dựng phong trào văn nghệ cho huyện. Ở cương vị này, ông Phiệt đã gây dựng đội văn nghệ huyện thành một đội văn nghệ mạnh nổi tiếng cả xứ Nghệ. 

Ông Lê Xuân Nhương - Nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Yên Thành - cho biết: Hầu như năm nào đội văn nghệ của huyện Yên Thành chúng tôi cũng đều đạt giải, nhất nhì ở các của thi văn nghệ cấp tỉnh và đã 3 lần đoạt huy chương vàng toàn quốc về thể loại dân ca, ví dặm.

Tất cả những phong trào, chương trình văn nghệ đều do một tay ông Phan Thế Phiệt viết kịch bản và đạo diễn. “Dân ca ví dặm ngỡ như mai một ở thời đại công nghệ thông tin bùng nổ này. Nhưng, Phan Thế Phiệt là người gìn giữ và phát huy giá trị của Dân ca ví dặm, làm cho nó ngày càng lan tỏa trong công chúng.

Loại hình văn hóa đặc biệt này sắp tới đây được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại có một phần đóng góp không nhỏ của Phan Thế Phiệt” - Ông Nhương nói.

Tự học để trở thành nhà văn

Ngoài viết kịch và đạo diễn các chương trình văn nghệ, ông Phiệt còn có mơ ước được trở thành nhà văn. Nhưng muốn trở thành nhà văn ngoài năng khiếu, anh còn phải có kiến thức tổng hợp. Nhận biết được điều đó ông đã miệt mài đọc sách báo, tìm các tài liệu để bổ sung thêm kiến thức cho mình. 

Bà Nguyễn Thị Tùng – Thủ thư Thư viện huyện Yên Thành - trầm trồ thán phục khi nói về bạn đọc đặc biệt này: “Tôi gần 40 năm làm thủ thư, chưa thấy ai ham đọc sách báo như ông Phiệt. Hàng ngàn đầu sách ở thư viện này hầu như ông ấy đã đọc hết”.

Vừa đọc ông Phiệt vừa tập viết báo, viết văn. Khi xong công việc cơ quan, ông tự nhốt mình trong căn phòng nhỏ miệt mài ngồi viết quên ăn, quên ngủ. Kiên trì khổ luyện hàng năm trời, tốn hàng tạ giấy cuối cùng ông cũng thành công. 

Hàng loạt phóng sự của ông được đăng nhiều ở các báo, tạp chí , trung ương và địa phương bắt đầu từ năm 1997 đến nay và có nhiều tác phẩm được giải cao: Giải nhì cuộc thi phóng sự báo Lao động năm 2002 và giải C cuộc thi bút ký, phóng sự về đề tài “Thầy giáo và nhà trường do báo Giáo dục và Thời đại tổ chức năm 2005.

Dù là nhà báo, nhà văn nghiệp dư, nhưng ông Phiệt rất chịu săn lùng những đề tài "nóng", đặc biệt là các thân phận hậu chiến, những hoàn cảnh đáng thương... Ông viết phóng sự bằng một giọng văn mượt mà, khúc chiết, giàu ngôn ngữ nhân vật, có cốt truyện...

 Có lẽ, đây cũng là thế mạnh giúp ông viết kịch bản phim thành công và đoạt huy chương Vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, với tác phẩm “Làng Lòi những mảnh đời một nửa".. cùng một số giải thưởng tầm quốc gia, địa phương khác.

Cũng trong những năm đó, làng văn xứ Nghệ lại bất ngờ bởi hàng loạt truyện ngắn mang bút danh Phan Thế Phiệt đều đặn xuất hiện trên các báo: Văn Nghệ , Tiền Phong, Tuổi trẻ và tạp chí Sông Lam, Sông Hương.

Ông Phiệt bảo, ông viết báo, viết kịch để nuôi văn, đam mê viết văn lúc nào cũng cháy bỏng trong ông. Mặc dù đã 64 tuổi nhưng ông vẫn lều chõng như một sinh viên đi học lớp bồi dưỡng sáng tác ở trường viết văn Nguyễn Du. 

Nhiều người bảo sắp về hưu rồi đi học làm gì nhưng đối với ông sự học không giới hạn tuổi tác. Ông bảo: Kiến thức của nhân loại là vô cùng, chúng ta cần phải học để hiểu biết và vận dụng kiến thức đó để làm những việc hữu ích.

Tốt nghiệp khóa bồi dưỡng trường viết văn Nguyễn Du, ông về hưu, có thời gian viết hơn, tay bút của ông lại “cày” rất khỏe trên cánh đồng chữ nghĩa. 

Phan Thế Phiệt liên tục dành được nhiều giải thưởng văn chương: 2 lần đoạt giải cao Hồ Xuân Hương (Giải thưởng danh giá của Hội liên hiệp VHNT Nghệ An); Giải nhì ( không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn do Bộ Văn hóa và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn tổ chức năm 2009…

Khổ luyện tự học, Phan Thế Phiệt đã trở thành một nhà viết kịch, nhà báo, nhà văn được nhiều người biết. Đến nay, ông đã xuất bản được 4 tập sách gồm: 1 tập phóng sự, kí sự, 2 tập truyện ngắn, 1 tập tiểu thuyết. (Cuốn tiểu thuyết mang tên Hồng Nhan của ông xuất bản đầu năm 2004, đã có một hãng phim mua kịch bản với giá rất cao và hiện nay đang dựng thành phim). 

Đặc biệt, ngày 1/8/2013, tại Liên hoan dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, ông được  Nhà nước tôn vinh nghệ nhân dân gian - là báu vật nhân văn sống, gìn giữ và trao truyền dân ca ví, dặm xứ Nghệ trong cộng đồng qua các thế hệ.

Hỏi ông Phiệt về bí quyết tự học, để trở thành nhiều “nhà” như vậy, Ông khiêm tốn chia sẻ: “Đơn giản là tôi khát khao được học và có ước mơ. Chính 2 điều đó đã thúc đẩy tôi đạt được mục đích của mình mà thôi, chứ tôi chẳng có bí quyết gì cả. Việc làm của tôi đạt được cũng bình thường không có gì là to tát.

Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc - Ban chấp hành Hội VHNT Nghệ An - nói : Nhà văn Phan Thế Phiệt, là người tự học nhưng có vốn kiến thức rất sâu, rộng. Tuy nhiều tuổi nhưng giọng văn của bác ấy rất trẻ và mới lạ, mang đầy kịch tính và hơi thở của cuộc sống. Nhà văn Phan Thế Phiệt là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu Nghệ An hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ