- Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Chưa bước chân vào nhà tiếng con bé đã lanh lảnh đầu ngõ. Đang quết chả cá, chị chẳng mấy chú tâm đến sự đổi khác của con bé. Nó đến bên chị hớn hở:
- Mẹ đoán xem hôm nay con có tin gì vui.
- Tin gì vậy con?
Chị vẫn phớt lờ không nhìn con, tay thoăn thoắt nạo cá.
- Ten ten ten tèn!
Nó reo lên và rút từ cặp sách ra thứ gì đó giơ lên khoe.
- Ờ đẹp đó!
Chẳng cần nhìn, chị đáp đại cho qua chuyện. Con bé giận dỗi:
- Mẹ còn chưa nhìn nữa mà đã khen đẹp.
Nó lủi thủi bỏ đi, khi đó chị mới quay nhìn và phát hiện thứ con khoe không phải là món đồ chơi mới hay bức tranh mới vẽ mà là một chiếc khăn quàng. Ờ, năm nay nó đã lên lớp Ba, cũng đã đến tuổi đeo khăn quàng thì phải. Hôm trước nó có khoe cô giáo đang tuyển chọn những bạn nổi bật trong lớp để đeo khăn quàng.
“Cô bảo con học thì giỏi nhưng lại ít nói, chưa năng nổ. Như vậy con có được chọn đeo khăn quàng không mẹ?”.
Lúc đó, chị phát hiện chỉ có chút xíu xiu hy vọng chen lẫn trong câu nói ngập đầy thất vọng, lo lắng của con. Không đeo được năm nay thì năm sau cố gắng để được đeo, chị an ủi vậy nhưng nó vẫn thở dài như bà cụ non rồi bỏ vào giường trùm mền. Mỗi lần giận dỗi hay buồn chuyện gì nó đều làm vậy.
Hôm nay, chắc nó đã cố đi nhanh hết sức để về nhà khoe với mẹ. Chắc nó đã tưởng tượng ra mẹ sẽ ôm nó xuýt xoa khen giỏi quá. Có khi nó còn nghĩ mẹ sẽ thưởng cho một phần quà. Vậy mà chị nỡ đành đập tan niềm vui của con chỉ vì công việc tủn mủn thường ngày.
Bao nhiêu lâu rồi chị chưa ôm con vỗ về? Bao nhiêu lần chị đã trả lời vu vơ đại khái “Đẹp đấy” khi con chìa tranh vẽ ra khoe? Chị không nhớ nổi. Cuộc sống là guồng quay bất tận buộc người ta phải vắt chân lên chạy nếu không muốn bị cán nát. Giấc mơ tuổi thơ giờ xa vời tận chân trời nào đó, chẳng bao giờ gặp lại kể cả trong mơ. Bởi vậy, chị thờ ơ trước những tâm sự của con về ước mơ khi lớn lên, mà hướng con bé vào những điều thực tế như định hướng nghề gì sau này dễ xin việc, lương cao.
Có lần, nó hỏi ba rằng, nghề họa sĩ có kiếm được nhiều tiền không, ba nó trả lời vẽ vời viển vông chi, kiếm gì thực tế mà làm đi con. Có chút gì xon xót vừa trào dâng lên trong lòng, phải chăng những ý nghĩ thực tế của vợ chồng chị đã giết chết dần giấc mơ con trẻ?
Rồi chị lại gạt đi với niềm tin rằng hướng con vào thực tế là tốt, nó sẽ không phải trải qua tuổi trẻ đánh vật với việc tan vỡ giấc mơ khi lớn lên. Cuộc sống có khi nào thôi phũ phàng!
Chị làm lành với con bằng cách ôm gối qua giường ngủ chung. Con bé nhìn chị vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Lâu lắm mới chạm tay vào tóc con gái, chị phát hiện ra nó đã dài và dày quá, chẳng còn lơ thơ vài cọng như hồi học mẫu giáo. Chị cố tình khơi lại chuyện hồi chiều với mong muốn được nghe giọng hào hứng của con:
- Lớp con được mấy bạn đeo khăn quàng?
- Chỉ 5 bạn thôi mẹ à, con tưởng con không được chớ.
- Con gái mẹ giỏi mà, mẹ biết!
Nó rúc vào ngực, vòng tay ôm mẹ sung sướng. Hình như đã lâu rất lâu chị mới khen con.
- Mẹ ơi, hồi đó mẹ được đeo khăn quàng vào lớp mấy?
Ảnh minh họa. |
Câu hỏi của con khiến chị phải vắt óc nhớ lại thời ấu thơ. Lớp mấy nhỉ? Hình như là cuối năm lớp Ba thì phải. À phải, là lớp Ba.
Hồi đó, chiếc khăn quàng không dày và to bản như bây giờ, mỏng dính, kéo giãn ra là thấy được lỗ chỗ trời xanh. Vậy nhưng nó là niềm mơ ước của bao đứa trẻ. Đi học về là giặt bộ quần áo và chiếc khăn quàng phơi ngay cho khô để mai có quần áo sạch đi học.
Cái thời khó khăn, có bộ quần áo mới đi học là mừng rồi, đâu như bây giờ mỗi trò ba bốn bộ đồng phục. Hôm ấy, đểnh đoảng thế nào chị lại quên cột khăn quàng lại, đến chiều gom quần áo mới phát hiện ra bay đâu mất. Kiếm khắp mà chẳng thấy, nỗi lo sợ mẹ mắng tăng lên theo cấp số nhân theo từng giờ.
Chị vắt óc suy nghĩ xem phải nói dối mẹ như thế nào cho hợp lý để xin tiền mua chiếc khăn quàng mới. Đội viên vào lớp không có khăn quàng sẽ bị trừ điểm, hơn nữa còn bị nêu tên trước cờ. Ngẫm nghĩ nát óc, chị quyết định dối mẹ rằng con chó đã tha mất.
Mọi chuyện diễn ra đúng như tưởng tượng của chị. Mẹ rất giận dữ khi biết chị làm mất khăn quàng. Một chiếc khăn quàng một ngàn đồng, thời ấy một ngàn đồng là lớn, bó rau muống có hai trăm đồng. Duy chỉ có một điều chị chẳng tưởng tượng ra là mẹ vì lý do gì đó lại phát hiện được chị nói dối. Thế là sau một hồi vòng vo chối tội chị cũng phải khai báo “thành khẩn” sự thật. Mẹ thôi tức giận mà chuyển sang lạnh lùng:
- Vòng tay đứng trước bàn thờ cho tới khi ăn cơm.
Chị sợ sệt làm theo lời mẹ. Trên bàn thờ có rất nhiều ảnh. Những gương mặt lạ hoắc, có khuôn mặt hao hao giống bố, có khuôn mặt lại nghiêm nghị ném ánh nhìn sắc lẻm xuống con bé lớp Ba. Chỉ có một khuôn mặt chị biết rõ nhất, đó là khuôn mặt Bác Hồ.
Chẳng hiểu sao ba mẹ lại treo ảnh Bác trên bàn thờ, ở vị trí cao nhất. Chòm râu dài, ánh mắt hiền từ và cái miệng cười mỉm trấn an tinh thần chị. Chị bớt sợ khi phải đứng rất lâu chịu trận bao cái nhìn săm soi như giễu cợt đứa trẻ hư là chị.
Ánh mắt Bác như vuốt ve tóc chị dỗ dành. Chị ngủ đi lúc nào chẳng hay, cho tới khi chén đũa khua lanh canh mới giật mình tỉnh dậy vừa kịp lúc tiếng bước chân mẹ loẹt xoẹt lối hành lang. Mẹ bước vào phòng thờ giữ nguyên nét lạnh lùng ban đầu.
- Con đã biết lỗi chưa?
- Dạ rồi!
- Lỗi gì?
- Dạ, con đã làm mất khăn quàng.
- Không, mẹ không phạt con vì lỗi ấy. Mẹ phạt vì con nói dối, như vậy là không thật thà. Đã là đội viên phải thuộc 5 điều Bác Hồ dạy chứ không phải cứ đeo khăn quàng thì là đội viên.
Chị cúi đầu hối lỗi. Mẹ lại hỏi tiếp:
- Bác Hồ dạy điều số 5 là gì vậy con?
- Là… là…
Chị ấp úng không trả lời được, càng cúi gằm mặt hơn. Sau sự cố đó, chị học thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy và luôn luôn nhắc mình phải sống thật thà, trung thực. Đến bây giờ, mười mấy năm rồi vẫn chẳng thể quên được.
Ảnh minh họa. |
Con bé nào đâu biết kỷ niệm ấu thơ của mẹ, nó còn đang líu lo kể về trường về lớp. Thấy mẹ không ừ hử gì, nó lay lay tay mẹ giận dỗi:
- Mẹ ngủ rồi à? Chưa gì mà mẹ đã ngủ rồi.
Chị vuốt ve tóc con, ôm con
vào lòng:
- Sao, trên trường có nhiều chuyện vui lắm à con.
- Mẹ ơi, cô giáo bảo trường sẽ tổ chức đi tham quan cuối năm, chỉ những học sinh rèn luyện tốt mới được chọn thôi ạ, mỗi lớp 5 bạn. Mẹ biết gì không?
Con bé ngừng lại vài giây chờ mẹ trả lời, nhưng mẹ chưa trả lời thì nó đã háo hức nói tiếp:
- Con được chọn đó mẹ. 5 bạn đội viên mới sẽ được xuống thành phố tham quan Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh đó mẹ.
- Con gái mẹ giỏi quá.
Chị xoa đầu con gái. Nó hài lòng với thành tích của bản thân, mỉm cười chìm vào giấc ngủ.
Khi con đã ngủ, chị vắt tay lên trán suy nghĩ. Hồi còn bằng con bé, chị cũng có những niềm vui trong trẻo như thế này. Nhớ ngày ấy, cái lần được trường tổ chức đi tham quan các khu di tích trong tỉnh đợt cuối năm, chị cũng đã rất mừng vui. Nhưng chuyến đi tham quan lần ấy, xảy ra một sự việc mà tới bây giờ chị vẫn còn nhớ như in. Bao nhiêu năm rồi, không biết người bảo vệ già ấy còn không nữa. Chắc ông đã về miền mây trắng rồi.
Chị lục tìm trong chiếc va li cũ sấp giấy tờ thời đi học. Bằng tốt nghiệp, sổ lưu bút,… À, đây rồi, tấm hình cũ được cất cẩn thận trong túi giấy đựng hình của một tiệm chụp ảnh. Mười mấy năm, cũng có vài chỗ lem nhem nhưng còn nhìn rất rõ khuôn mặt từng người.
Cô Nga chủ nhiệm lớp 5, những bạn học chẳng còn nhớ tên, đứng ngoài bìa bên trái là một con bé đen nhẻm và một người đàn ông chột mắt. Hẳn nhiên chị phải nhớ tên cô bé ấy chứ, vì đó là chị mà, còn người đàn ông kia chính là bác bảo vệ khu di tích rồi. Bao nhiêu năm rồi, những lo toan áo cơm đè nặng đã làm chị quên mất cái thời cắp sách đến trường, nay nhìn lại tấm hình, ký ức bồi hồi trở lại…
“Nhi ơi, Nhi ơi cậu ở đâu rồi?”. Con bé đen nhẻm vừa đi vừa tìm kiếm người bạn thân của mình. Hai đứa đã thỏa thuận trốn tìm trong khi chờ cô giáo và các bạn chụp ảnh.
Con bé chán chụp ảnh. Nó biết nó không được xinh. Thế là nó và Nhi bày nhau chơi trốn tìm. Quái lạ, Nhi đâu rồi nhỉ. Con bé đã tìm khắp các bụi cây rồi mà chẳng thấy.
Tới khi mồ hôi túa ra, thở dốc vì mệt nó mới sực nhớ đến cô và các bạn. Sáng, cô đã dặn phải đi theo cô, đừng chơi lung tung kẻo lạc. Nó đảo mắt tìm kiếm cô, kia rồi, cô đang dẫn các bạn qua đường để đến bảo tàng. Mừng quá nó lật đật chạy theo. Huỵch. Ui cha, đau quá. Nó òa khóc nức nở. Bác bảo vệ đang tưới cây vội chạy sang đỡ nó dậy. Thấy đầu gối tứa máu, bác dỗ dành:
- Nín đi, không sao đâu cháu.
Bác bế nó vào gian nhà cổ thời xưa được dùng làm lớp học. Bác dặn nó ngồi im trên ghế chờ bác đi lấy bông băng. Nó nhìn căn phòng vắng lặng, nhìn sang bên kia đường ngóng cô và các bạn, càng tủi thân khóc to hơn.
Bác bảo vệ trở lại, cẩn thận lau vết thương và băng lại cho nó bằng một mảnh vải. Từng lời nói, từng cử chỉ của bác thật ân cần. Vậy mà hồi sáng khi thấy bác, chúng nó đã xì xầm với nhau kìa ông kia chột mắt, trông ghê quá phải tránh xa ra. Thì ra bác không hề dữ chút nào. Bác rót nước cho nó uống, lại lấy khăn lau mặt cho nó. Xong bác bảo:
- Rồi, giờ lên lưng, bác cõng sang tìm cô và các bạn nào.
Thế là nó được bác công kênh trên lưng. Cái nón của bác to quá thành thử cứ lụp sụp xuống mặt che mắt rất khó chịu, lâu lâu phải lấy tay kéo lên. Khi sang đường, thấy nó, cô giáo vội chạy đến lo lắng hỏi. Bác bảo vệ cười kể lại sự tình. Nó cúi đầu hối lỗi, tưởng cô sẽ mắng một trận, ngờ đâu cô nhỏ nhẹ:
- Cảm ơn bác đã giúp đỡ, lỗi là do mấy cô đã quản học trò không nghiêm. Con đỡ đau chưa, có đi được không? Con vào xếp hàng chụp ảnh lưu niệm với bạn nhé.
Nó kéo tay bác bảo vệ kéo vào xếp hàng. Thế là trong bức ảnh lưu niệm, ngoài cô giáo và học trò, còn có một người đàn ông cao to, mắt chột. Lũ học trò nhỏ chẳng còn sợ bác nữa khi ngồi nghỉ chờ xe đến được bác kể về thời tuổi trẻ đi đánh trận, khó khăn, hiểm nguy và cũng oai hùng thế nào.
Thì ra một mắt của bác bị hư khi đi bộ đội. Giờ thì đứa trò nhỏ nào cũng ngưỡng mộ bác chứ chẳng còn sợ hãi xa lánh nữa. Mỗi đứa hôn má tạm biệt bác trước khi lên xe. Nó đã tự hứa sẽ về thăm lại bác khi có dịp, nhưng kể từ lần đó nó quên bẵng đi mười mấy năm sau mới sực nhớ.
Chị thở dài, xếp tấm hình cũ cất đi. Tuổi thơ luôn là những ký ức đẹp đẽ nhất. Nhìn con gái say giấc, nụ cười còn chúm chín trên môi, chị thấy lòng hạnh phúc.
Tuổi thơ của chị giờ đây lặp lại ở cô con gái nhỏ. Nó sẽ thay mẹ viết tiếp ước mơ ngày bé.
Hồi xưa nhà nghèo, học xong tiểu học phải bươn chải phụ mẹ buôn thúng bán bưng, giờ dù nghèo mấy cũng phải ráng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Sáng mai, sau buổi chợ, nhất định chị sẽ ghé qua trường, đóng tiền đăng ký cho con đi tham quan, và sẽ gửi các cô giáo mua giúp một bó hoa to để dâng Bác…