Người phi công anh hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

GD&TĐ - Góp phần vào chiến thắng lịch sử của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 của nhân dân ta trên bầu trời Hà Nội là sự hi sinh quả cảm của anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều- người phi công đã đi vào huyền thoại.

Cô và trò trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều
Cô và trò trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều

Vũ Xuân Thiều sinh năm 1945 tại Nam Định, lớn lên ở phố Đặng Dung, Hà Nội. Anh là cựu học sinh của Trường THPT Chu Văn An, cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tháng 6/1965, khi đang học năm thứ 3 Đại học Bách khoa, anh trúng tuyển phi công.  Năm 1968, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tập và huấn luyện bay ở Liên Xô, anh trở về nước, được điều về đơn vị chuyên bay và chiến đấu ban đêm, gồm những phi công có trình độ kỹ, chiến thuật cao, có lòng dũng cảm, mưu trí.

Trung tuần tháng 12/1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận. Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh từ sân bay Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá).

/Uploaded/cuong/2017_12_18/vuxuanthieu_SSWP.jpg

Được sở chỉ huy dẫn vòng phía sau đội hình máy bay địch, đến vùng trời Sơn La, sau khi vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích bảo vệ máy bay B-52, anh phát hiện được mục tiêu và bắn tên lửa trúng chiếc B-52 của địch, khiến nó bốc cháy dữ dội. 

Vì công kích ở cự ly quá gần, anh không kịp điều khiển máy bay thoát ly nên đã hy sinh anh dũng.

Vũ Xuân Thiều đã thực hiện ý chí tiêu diệt địch khi cùng với chiếc Mig-21 biến thành quả tên lửa thứ 3 lao vào kẻ thù, như lời anh từng nói.

Với tinh thần chiến đấu quả cảm và chiến công xuất sắc đã lập được, ngày 20/12/1994, liệt sĩ, phi công Vũ Xuân Thiều được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tên của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều ngày nay được đặt cho một trường tiểu học tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Từ cổng trường nhìn vào, có thể nhìn thấy rõ bức tượng phi công Vũ Xuân Thiều được đặt ở vị trí trang trọng. Phía sau bức tượng là bức tranh có hình chiếc máy bay Mig-21 đang vút lên trời xanh.

Bên trái bức tượng phi công Vũ Xuân Thiều, nhà trường trang trọng treo bảng giới thiệu tóm tắt “Phi công tiêm kích Vũ Xuân Thiều và chiến công đánh rơi tại chỗ pháo đài bay B-52”.

Trên tấm bảng ấy, có ảnh chân dung của anh, đầu đội mũ kê-pi, mang quân hàm cánh én, đặc biệt là đôi mắt ánh lên sự kiên định và đầy bản lĩnh.

Cô Phùng Thị Thu Hằng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều cho biết: Tiền thân Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều là Trường PTCS May 10.

Năm học 1994- 1995 nhập với Trường PTCS Sài Đồng thành Trường Tiểu học Sài Đồng với 2 phân hiệu. Sau 5 năm hoạt động, lại tách thành 2 trường Tiểu học Sài Đồng A và Tiểu học Sài Đồng B.

Tháng 1/2004 sau khi tách Quận và chuyển đổi lên phường, trường Tiểu học Sài Đồng B được đổi tên thành Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều ngày nay.

Để các thế hệ học sinh hiểu biết, trân trọng sự hy sinh và đóng góp to lớn của phi công Vũ Xuân Thiều cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhà trường luôn chú trọng công tác tuyên truyền về tiểu sử và chiến công của anh, thông qua các buổi sinh hoạt tập thể hay nghe các nhân chứng là đồng đội của anh kể chuyện.

/Uploaded/cuong/2017_12_18/picture43_ARFZ.jpg

Hằng năm, cứ đến dịp 27/7, 22/12, cô và trò nhà trường lại đến thăm gia đình phi công Vũ Xuân Thiều tại phố Đặng Dung, Hà Nội.

Qua đó, tình cảm giữa gia đình với nhà trường ngày càng gắn bó; các cháu học sinh cũng hiểu thêm về người phi công mà ngôi trường của mình được vinh dự mang tên, để từ đó thêm nỗ lực luyện rèn.

Năm 2016, nhà trường cũng đã tổ chức kết nghĩa với Trung đoàn không quân 927 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không không quân), nơi phi công Vũ Xuân Thiều từng công tác và chiến đấu.

Trong những năm qua, Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều luôn đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, có nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố. Nhà trường cũng đã giành được nhiều kết quả, thành tích nổi bật khác.

Tính đến nay, trường đã có 3 học sinh giỏi Toán cấp quốc gia; 50 học sinh đạt giải các môn cấp thành phố; 121 học sinh đạt học sinh giỏi các môn cấp quận, huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.