Người Nhật Bản có thể sẽ cùng họ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một nghiên cứu mới cho thấy, tất cả công dân Nhật Bản sẽ có cùng họ trong 500 năm tới, trừ khi các cặp vợ chồng được phép sử dụng họ riêng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tờ The Guardian đưa tin, một nghiên cứu mới cho thấy, tất cả công dân Nhật Bản sẽ có cùng họ trong 500 năm tới, trừ khi các cặp vợ chồng được phép sử dụng họ riêng.

Nghiên cứu do Dự án Think Name thực hiện và được Giáo sư kinh tế Hiroshi Yoshida, Đại học Tohoku dẫn đầu. Nghiên cứu này là một phần của chiến dịch nâng cao nhận thức về tác động của việc không sửa đổi luật có từ cuối những năm 1800.

Nghiên cứu dự đoán, nếu chính phủ tiếp tục yêu cầu các cặp vợ chồng phải có cùng họ thì đến năm 2531, mọi người dân Nhật Bản sẽ được gọi là “Sato-san”. Ông sử dụng dữ liệu có sẵn trên trang web Myoji-yurai.net, nơi cung cấp thông tin liên quan đến tên dựa trên số liệu thống kê của chính phủ và danh bạ điện thoại.

Dựa trên xu hướng số người mang họ Sato, ông đã tính toán tỷ lệ dân số Nhật Bản mang họ này và tốc độ gia tăng ước tính. Giáo sư Yoshida và các cộng sự đã tính toán 2 kịch bản: Một là Nhật Bản vẫn duy trì quy định vợ chồng cùng họ và hai là áp dụng hệ thống họ riêng, có chọn lọc.

Giáo sư Yoshida giải thích: “Nếu mọi người đều mang họ Sato, chúng tôi có thể phải được gọi bằng tên hoặc bằng số. Tôi không nghĩ đó sẽ là một thế giới tốt đẹp để sống”.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ dân số Nhật Bản mang họ Sato đã tăng 1,0083 lần trong giai đoạn 2022 - 2023. Giả sử tốc độ này không đổi và các cặp vợ chồng cùng họ Sato tiếp tục tăng lên hằng năm, thì hơn 50% dân số sẽ mang họ Sato vào năm 2446. Đến năm 2531, tỷ lệ này là 100%.

Theo một cuộc khảo sát vào tháng 3/2023, “Sato” đã đứng đầu danh sách họ Nhật Bản, chiếm 1,5% tổng dân số, trong khi “Suzuki” đứng thứ hai. Hiện, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn yêu cầu các cặp vợ chồng sử dụng cùng tên họ.

Theo đó, các cặp đôi phải thống nhất chia sẻ một tên họ sau khi kết hôn. Thống kê cho thấy, có tới 95% trường hợp người phụ nữ sẽ đổi theo họ chồng. Tuy nhiên, chính phủ đã cho phép tên họ thời con gái vẫn xuất hiện cùng với tên họ mới sau khi kết hôn trên hộ chiếu, giấy phép lái xe và chứng nhận cư trú.

Trong khi đó, các thành viên bảo thủ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cho rằng, việc thay đổi luật sẽ “làm suy yếu” mối quan hệ gắn bó trong gia đình và khiến trẻ em hoang mang.

Nghiên cứu mới này được công bố vào tháng 3 nhưng tới đầu tuần mới được đưa tin. Điều đó khiến nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là trò đùa ngày Cá tháng Tư. Song, chuyên gia Yoshida bày tỏ, ông nghiêm túc muốn mọi người suy ngẫm về vấn đề này.

Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản với 1.000 công nhân từ 20 đến 59 tuổi, 39,3% người độc thân cho biết họ muốn có cùng họ với vợ/chồng ngay cả khi áp dụng hệ thống họ riêng có chọn lọc.

Sử dụng con số này, ông Yoshida xác định rằng, đến năm 2531, chỉ có 7,96% dân số sẽ được đặt tên là Sato theo hệ thống họ riêng có chọn lọc. Tuy nhiên, họ Sato vẫn sẽ tiếp tục chiếm ưu thế vào năm 3310.

Đồng thời, nếu dân số Nhật Bản tiếp tục suy giảm với tốc độ hiện tại thì sẽ chỉ còn lại 22 người vào năm 3310. Ông Yoshida kết luận rằng, nếu hệ thống họ riêng được áp dụng thì sự đa dạng về họ của người Nhật sẽ được duy trì cho đến khi dân số hoàn toàn biến mất.

Giáo sư Yoshida nhấn mạnh, ước tính nói trên của mình được thực hiện dựa trên một kịch bản giả định. Ông cho biết: “Tôi đồng cảm với mục tiêu của họ khi đưa các vấn đề liên quan đến hệ thống họ riêng có chọn lọc vào các con số”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.