“Người ngoài ngành” trao đổi chân tình về bảo tồn vốn cổ

GD&TĐ - Chiều nay (5/3), tại Thái Lan, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng SEAMEO và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, GS.TS Phạm Vũ Luận dẫn đầu đoàn công tác thăm Trung tâm khu vực về khảo cổ học và nghệ thuật (SEAMEO SPAFA).

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (giữa) nghe báo cáo về tình hình hoạt động của SEAMEO SPAFA
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (giữa) nghe báo cáo về tình hình hoạt động của SEAMEO SPAFA

Hầu hết các trung tâm giáo dục khu vực của SEAMEO đều đang thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chính sách… để thúc đẩy sự phát triển của xã hội hướng về tương lai với những kết quả hoạt động có thể lượng hóa và được nhận biết, đánh giá ngay được sự đóng góp đối với lĩnh vực mà các trung tâm đang phụ trách cũng như hiệu quả đối với xã hội.

Còn SEAMEO SPAFA lại nghiên cứu, tìm hiểu và giữ gìn quá khứ, đồng thời thúc đẩy sự mở rộng và phát triển của lĩnh vực nghệ thuật, vốn là một trong những lĩnh vực khó nắm bắt và hiểu được nhất trong các ngành khoa học. Vì thế, SEAMEO SPAFA là một trung tâm rất đặc biệt.

Trung tâm SEAMEO SPAFA thúc đẩy ngành khảo cổ học, phát triển nghệ thuật và bảo tồn các di sản chính là kết nối quá khứ, hiện tại với tương lai.

Ngoài ra, các hoạt động như bảo tồn các kiến trúc cổ, nghề thủ công truyền thống, học tập suốt đời thông qua các viện bảo tàng (Museums for Lifelong Learning), hội thảo về nghệ thuật Phật giáo (Buddhist Art in Southeast Asia workshop), diễn đàn lãnh đạo trẻ SEAMEO (SEAMEO Youth Leadership Forum)… cho thấy sự năng động và mức độ bám sát thực tiễn và nhu cầu xã hội của Trung tâm, phản ánh được những vấn đề mà nhiều giới khác nhau trong ASEAN quan tâm. 

Trao đổi chân tình của "người ngoài ngành" về bảo tồn, gìn giữ truyền thống

Thăm Trung tâm SEAMEO SPAFA, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao những kết quả Trung tâm đã đạt được trong việc bảo tồn kiến trúc cổ, thủ công truyền thống, tổ chức các hội thảo về Phật giáo, diễn đàn lãnh đạo trẻ SEAMEO…

Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chân tình chia sẻ với Ban giám đốc, cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm: “Tôi biết kiến thức của mình về nghiên cứu khảo cổ, văn hóa, nghệ thuật không sâu, không đầy đủ, nhưng xin mạnh dạn có những trao đổi để các bạn tham khảo”.

Theo Bộ trưởng, việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa cổ cho quê hương nếu tách biệt, không có sự liên hệ với hiện tại, không có những giải pháp để khiến cho học sinh, thế hệ trẻ hiểu về quá khứ, hiểu về truyền thống thì hiệu quả bảo tồn sẽ rất kém.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Cách đây mấy năm, chúng tôi có chủ trương phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Việt Nam để tất cả các bảo tàng, các nơi lưu giữ vốn cổ kết hợp với nhà trường, tổ chức cho học sinh học tập, tham quan, tìm hiểu quá khứ.

Đây là những việc tích cực, nhưng so với những điều chúng tôi mong muốn, kết quả còn khiêm tốn. Lý do một phần do cách thức xử lý, một phần do thái độ chưa đúng của chúng ta với các công trình khảo cổ.

Lấy ví dụ ngay từ những điều mình chứng kiến, câu chuyện của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khiến các chuyên gia Trung tâm SEAMEO SPAFA lắng nghe chăm chú. 

Đó là ở quê hương Bộ trưởng có nhiều ngôi chùa rất cổ. Đây là những công trình kiến trúc, công trình tôn giáo do nhân dân sử dụng, sống giữa lòng dân, được bảo tồn, gìn giữ rất tốt.

Nhưng khi ngôi chùa được Nhà nước công nhận và quản lý, dù được chăm sóc, bảo vệ nhưng lại không phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng chỉ khi nào tự người dân gắn bó với di sản thì di sản mới sống, mới có linh hồn. Cần chuyển hóa những kết quả nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật thành những kiến thức phổ thông để người dân biết, người dân ứng xử đúng với quá khứ, từ đó có sự gắn bó với những cổ vật, với di sản.

Bộ trưởng đưa ra một ví dụ sinh động, gần gũi: Nói nôm na như đá bóng, ngoài hai đội đá phải có khán giả ngồi xem để tiếp lửa. Nếu đá bóng mà không có khán giả thì không có ý nghĩa nữa. 

Nhưng để khán giả cổ vũ, cảm nhận đúng vẻ đẹp của bóng đá cũng cần tuyên truyền giải thích về luật, đưa ra những cái hay cái đẹp của đá bóng, những điều không được vi phạm...

“Với hình dung như vậy, các bạn hãy chú ý đưa những kiến thức sâu về văn hóa, nghệ thuật thành kiến thức phổ thông, đưa vào nhà trường, giáo dục thế hệ trẻ, từ đó có công chúng nghệ thuật – họ sẽ là những người làm công việc bảo tồn, bảo tàng cho chúng ta” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhắn gửi.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ