Hai gợi ý của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với Trung tâm SEAMEO RECSAM

GD&TĐ - Chiều nay (3/3), tại Malaysia, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng SEAMEO và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, GS Phạm Vũ Luận dẫn đầu đoàn công tác thăm và làm việc tại Trung tâm khu vực của SEAMEO về Khoa học và Toán - SEAMEO RECSAM.

Hai gợi ý của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với Trung tâm SEAMEO RECSAM
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký tên vào sổ lưu niệm của Trung tâm SEAMEO RECSAM
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký tên vào sổ lưu niệm của Trung tâm SEAMEO RECSAM 

TS Mohd Johan bin Zakaria - Giám đốc Trung tâm khu vực của SEAMEO về Khoa học và Toán (SEAMEO RECSAM) cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Trung tâm nồng nhiệt đón Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng đoàn công tác, đồng thời báo cáo tình hình hoạt động của Trung tâm trong thời gian qua.

Hướng phát triển mối quan hệ liên trung tâm và hợp tác quốc tế

Trung tâm SEAMEO RECSAM là một trong những Trung tâm khu vực của SEAMEO có truyền thống xây dựng và phát triển qua hơn 4 thập kỷ, tập trung nghiên cứu phát triển và nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục khoa học và toán học của khu vực.

Trung tâm được trao quyền tự chủ từ tháng 10/1994, đồng thời với đó là trách nhiệm rất lớn để duy trì và phát triển. Trung tâm đã quản lý tốt, hiệu quả các nguồn lực của mình, tạo được sự cân bằng giữa các hoạt động tạo doanh thu với các chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển chuyên môn.

Hiện Trung tâm đang thực hiện dự án nghiên cứu về chuẩn giáo dục tập trung cho môn Toán và khoa học, cũng như chuẩn giáo viên môn Toán và khoa học trong SEAMEO. 

Việc này được thực hiện phối hợp với 2 Trung tâm QITEP của Indonesia, cho thấy định hướng  của Trung tâm trong xây dựng và phát triển mối quan hệ liên trung tâm và hợp tác quốc tế.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trải nghiệm trò chơi giúp HS có tư duy khoa học do một thầy giáo Trung tâm SEAMEO RECSAM biểu diễn
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trải nghiệm trò chơi giúp HS có tư duy khoa học do một thầy giáo Trung tâm SEAMEO RECSAM biểu diễn

Hai gợi ý của Chủ tịch Hội đồng SEAMEO Phạm Vũ Luận

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ những ấn tượng đẹp của mình về văn hóa, con người, cảnh quan Penang (Malaysia), đặc biệt là sự thú vị khi được xem một thầy giáo của Trung tâm biểu diễn trò chơi đơn giản từ các vật liệu bỏ đi giúp cho học sinh có tư duy khoa học.

Bộ trưởng đánh giá cao những đóng góp, kinh nghiệm SEAMEO RECSAM từ những hoạt động của trung tâm trong hơn 40 năm qua: Là một trong những trung tâm có lịch sử lâu đời, Trung tâm duy trì vị trí là một trong những trung tâm hàng đầu và có đóng góp quan trọng trong hoạt động giáo dục, khoa học giáo dục, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên, Toán và khoa học công nghệ; 

Trung tâm đã tự chủ được hơn 10 năm, và trong quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoạt động của mình, Trung tâm đã cân bằng được những hoạt động có nguồn thu đảm bảo cho sự vận hành của SEAMEO RECSAM và những hoạt động mang tính khoa học phục vụ sự phát triển giáo dục của SEAMEO.

Cùng đó, Trung tâm phối hợp có hiệu quả hoạt động của mình và hoạt động của một số trung tâm khác trong khu vực; có cơ chế phù hợp để phối hợp hoạt động có thêm nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế khác.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra hai gợi ý với Trung tâm SEAMEO RECSAM:

Thứ nhất, triển khai nghiên cứu chương trình giảng dạy Toán học và chương trình khoa học là một nội dung quan trọng trong 7 hướng ưu tiên đã được Hội đồng Bộ trưởng xác định cho chương trình nghị sự giáo dục SEAMEO sau năm 2015.

Hiện nhiều nước trong khu vực triển khai cải cách giáo dục phổ thông, mà một trong những nội dung cải cách giáo dục phổ thông là thay đổi chương trình và phương pháp dạy các môn học trong đó có Toán và khoa học. 

Bộ trưởng mong muốn hoạt động Trung tâm SEAMEO RECSAM đồng bộ, song hành với công việc ngành giáo dục các nước đang triển khai, góp phần vào đổi mới, cải cách chương trình, nội dung phương pháp toán và khoa học ở phổ thông.

Thứ hai, Bộ trưởng cho biết: Việt Nam đã có nhiều trải nghiệm thay đổi và đạt được thành công trong giảng dạy Toán học và khoa học. Hiện nay Việt Nam đang tiến hành đổi mới giảng dạy nói chung, trong đó có môn Toán và khoa học.

“Chúng tôi mong muốn Trung tâm SEAMEO RECSAM có sự phối hợp sâu hơn, rộng rãi hơn, trực tiếp hơn với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu của Việt Nam. Coi đây là một hướng tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước theo thỏa thuận thống nhất giữa tôi với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia trong cuộc làm việc hôm qua (2/3)” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Bộ trưởng gửi lời cảm ơn chân thành đến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục Tan Sri MuhyiddinYassin, lãnh đạo và các quan chức của Bộ Giáo dục Malaysia, Giám đốc các Trung tâm, trong đó có Trung tâm SEAMEO RECSAM đã giúp Bộ trưởng thực hiện được nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng SEAMEO trong các chuyến công tác của mình. 

Tại Malaysia, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế về nhiệm vụ và các kết quả đạt được trong chuyến công tác lần này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: 

Hai nhiệm vụ tại Malaysia

"Tôi đến thăm, làm việc tại Malaysia với hai nhiệm vụ. 

Nhiệm vụ thứ nhất: Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, theo truyền thống, trong nhiệm kỳ công tác của mình sẽ đi thăm tất cả các trung tâm giáo dục ở các nước để nắm tình hình và có ý kiến về các hoạt động của trung tâm.

Nhiệm vụ thứ hai: Tôi có cuộc thảo luận làm việc với ngài Tan Sri MuhyiddinYassin - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia - để bàn các vấn đề, thống nhất các giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo giữa hai nước Việt Nam - Malaysia trong thời gian tới"

Hướng tới sự liên thông về chất lượng giáo dục trong khu vực ĐNÁ

"Được biết, các Bộ trưởng Giáo dục trong khu vực đã bàn bạc, thống nhất về những giải pháp phối hợp hành động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nước, làm cho chất lượng giáo dục giữa các nước có sự liên thông.

Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động nhằm hướng tới việc xây dựng và thống nhất chuẩn đầu ra đối với các bậc học, đặc biệt là đối với khu vực đào tạo nguồn nhân lực, trình độ đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. 

Hiện nay, với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam, Malaysia và nhiều nước khác đã tiến hành xây dựng chuẩn đầu ra của mình và tiến tới sự phối hợp thống nhất việc này.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bàn để có giải pháp gắn hoạt động giáo dục đào tạo của các cơ sở, nhà trường với thị trường lao động, với người sử dụng lao động, các doanh nghiệp.

Việc tăng cường trao đổi, phối hợp giữa ngành giáo dục – đào tạo của các nước trong khu vực, bao gồm cả trao đổi phối hợp cấp quản lý nhà nước cũng như trao đổi phối hợp giữa các nhà trường giúp cho chúng ta dần đi đến chuẩn mực thống nhất về chuẩn chất lượng đầu ra ở các cơ sở giáo dục đào tạo".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ