Người 'mù chữ' có… bằng lái xe

GD&TĐ -Không biết đọc, viết nên rất nhiều đồng bào vùng cao phải tham gia giao thông 'chui' trong suốt thời gian dài vì không đủ điều kiện thi và cấp GPLX.

Học viên thực hành thi lái xe trên sa hình.
Học viên thực hành thi lái xe trên sa hình.

Giờ đây, cả nghìn người trong số họ đã tự tin “phi xe” ra đường lớn vì đã được cấp giấy phép lái xe.

Thật ngỡ là mơ

Chị Sùng Thị Chí (SN 1985), dân tộc Mông, trú ở xã Pú Pẩu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Gần 40 năm qua, chị Chí chỉ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Chưa một ngày lên lớp học nên chị Chí rơi vào cảnh mù chữ. Lớn lên, đời sống đỡ vất vả hơn khi gia đình “tậu” được chiếc xe máy để vận chuyển nông sản thay vì nai lưng gùi đi xa như trước. Tập lái xe, cứ ngã lại dậy, dần dần cũng có kỹ năng lái xe băng qua những cung đường khó.

Thế nhưng, chị Chí cũng chỉ dám đi từ nương về nhà, chứ nào dám đi xe máy chở ngô ra chợ bán. Bao lần đăng ký xin đi thi sát hạch lái xe thì ngần ấy lần lại ra về tay không vì không biết chữ.

Năm 2022, niềm vui với chị Chí như vỡ òa khi cầm tấm giấy phép lái xe hạng A1 được cấp. “Từ nhỏ tôi không được đi học, chỉ theo bố mẹ lên nương rẫy. Vì cuộc sống mưu sinh nên tôi thường xuyên phải lái xe máy chở nông sản đi bán. Do không có giấy phép lái xe nên không thể ra đường lớn được. Khi nghe trưởng bản thông tin là có lớp thi và cấp bằng lái xe máy cho người không biết chữ, tôi đã đăng ký tham gia. Tôi đã được cấp giấy phép lái xe rồi!”, chị Chí vui mừng chia sẻ.

Từ điều kiện thực tế tại địa phương, năm 2020 UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 26 quy định về hình thức đào tạo nội dung và phương án tổ chức sát hạch lái xe mô tô hạng A1 cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh.

Quy định này áp dụng đối với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe và các tổ chức cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết trên địa bàn tỉnh.

Ông Bùi Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La cho biết, quyết định trên xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân trên cơ sở bám sát thông tư của Bộ GTVT. Trên cơ sở đó, Sở đã tổ chức hướng dẫn, đào tạo, sát hạch cho học viên bằng hình ảnh trực quan, hỏi đáp là chính. Để tạo thuận lợi cho bà con, Sở chỉ đạo các trung tâm, cơ quan chuyên môn dùng các bảng, biểu, hình ảnh mô phỏng biển báo hiệu đường bộ, nút giao cắt, những tình huống khi tham gia giao thông cho học viên dễ hiểu.

Học viên được hướng dẫn bằng hình ảnh mô phỏng về các biển báo hiệu đường bộ.

Học viên được hướng dẫn bằng hình ảnh mô phỏng về các biển báo hiệu đường bộ.

Lấy hình thay chữ...

Với mô hình lớp học đặc thù này, giáo trình khung đào tạo lái xe và bộ câu hỏi dùng cho sát hạch, cấp Giấy phép lái xe hạng A1 vẫn do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo sẽ biên soạn giáo trình phù hợp với trình độ dân trí của người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết. Trong đó, tập trung sâu vào hệ thống biển báo hiệu đường bộ, điều kiện để tham gia giao thông, quy tắc giao thông đường bộ, các tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng, hành vi bị nghiêm cấm, ý thức khi tham gia giao thông (văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe) và điều kiện đường sá, địa hình của tỉnh.

“Vừa rồi, chúng tôi đã gửi văn bản hướng dẫn đến 12 huyện, thành phố tuyên truyền tới người dân ở các xã, bản để nắm được thông tin tham gia nếu có nhu cầu. Tránh trường hợp người dân bị các đối tượng lừa gạt qua mạng xã hội hoặc giả danh đơn vị đào tạo đến địa bàn để lừa đảo. Sở rất mong muốn các địa phương tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến với bà con”, ông Thắng thông tin.

Quá trình đào tạo, học viên không biết đọc, viết (tiếng Việt) được tổ chức học theo lớp riêng, không quá 35 người/1 lớp. Chương trình đào tạo theo giáo trình đã được Sở GTVT Sơn La phê duyệt. Các thí sinh phải tham gia đào tạo đúng, đủ thời gian quy định. Nội dung sát hạch lý thuyết sử dụng bộ đề thi do Sở GTVT ban hành. Mỗi đề thi gồm 12 câu hỏi, thời gian làm bài thi 15 phút, phân bổ cụ thể: 4 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ; 8 câu hỏi về biển báo hiệu giao thông đường bộ, các tình huống giao thông đường bộ, các hành vi bị nghiêm cấm.

Phương pháp tổ chức sát hạch lý thuyết được thực hiện theo hình thức hỏi - đáp trực tiếp. Sát hạch viên gọi thí sinh vào phòng thi theo danh sách, kiểm tra nhận dạng, đối chiếu căn cước công dân. Sau khi bố trí chỗ ngồi, thí sinh chọn đề thi, đề nghị sát hạch viên đọc giúp những câu hỏi trong đề thi để học viên lựa chọn đáp án. Kết quả trả lời được sát hạch viên hướng dẫn thí sinh đánh dấu nhân (x) vào bài thi theo ý trả lời của thí sinh. Điểm đạt, thí sinh phải trả lời đúng 9/12 câu hỏi. Kết thúc bài thi, sát hạch viên ký tên vào bài thi, thí sinh ký tên hoặc điểm chỉ vào bài thi.

Đối với thực hành sa hình, Sở GTVT tỉnh Sơn La chỉ đạo các đơn vị, trung tâm tổ chức thi theo quy trình sát hạch lái xe hạng A1 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành như các thí sinh thi theo diện bình thường.

Khóa đào tạo dành cho đối tượng không biết chữ mới đây nhất kết thúc vào cuối năm 2022. Chị Lầu Thị Cống (SN 1988), xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu là học viên của khóa học này. Sau thời gian chăm chỉ học tập, ôn luyện, chị Cống tự tin bước vào “trường thi”. Cầm tấm giấy chứng nhận trên tay, chị Cống không khỏi vui mừng.

“Do không biết chữ nên tôi không thể lái xe máy xuống huyện, hay lái xe đi thăm anh em họ hàng ở xa được. Lúc nào cũng phải nhờ đến chồng đưa đón, tôi thấy rất bất tiện. Khi đăng ký thi lái xe hạng A1, tôi được các anh chị ở Trung tâm sát hạch hướng dẫn rất tận tình, làm tôi đỡ tự ti hơn. Bây giờ, tôi đã có giấy phép lái xe rồi, đi đâu cũng thấy thuận lợi. Tôi thấy rất vui”, chị Cống phấn khởi.

Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Sơn La, từ khi mở lớp, đến nay đã có khoảng 1.000 người không biết đọc, viết đã được cấp Giấy phép lái xe hạng A1. Họ là người Mông, Thái, Xinh Mun, Kháng... Qua khóa đào tạo, mọi người đều rất vui mừng, phấn khởi trước chính sách ưu việt mà Đảng và Nhà nước đã dành cho đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.