Người Mông Chế Á vượt khó đi lên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Con đường bê tông phẳng lì vắt ngang những quả đồi đã mở hướng thoát nghèo cho đồng bào Mông ở Chế Á …

Bà con Chế Á thu hoạch Cà phê.
Bà con Chế Á thu hoạch Cà phê.

Xóa nghèo từ cà phê

Chế Á là bản vùng cao thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Bản có 100% đồng bào Mông sinh sống. Mặc dù chưa được phủ điện lưới quốc gia, song với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, người dân Chế Á đã tự lực vươn lên, trở thành “điểm sáng” về phát triển kinh tế của cả huyện.

Từ trung tâm xã, chúng tôi vượt qua những cung đường uốn lượn bám ven sườn đồi để đến bản. Nhìn sang 2 bên, từng nương cà phê gối nhau trùng điệp. Vì đã được trải bê tông nên việc đi lại của người dân Chế Á đã thuận tiện nhiều hơn.

Ngay đầu bản, một nhóm bà con ngồi trò chuyện rôm rả, bên những gốc cà phê xanh mướt. Hỏi ra mới biết, đây là các thành viên trong gia đình Anh Vừ A Minh. Mọi người đang tranh thủ nghỉ giải lao sau khi hoàn thành việc nhổ cỏ cho vườn cà phê.

Nhờ con đường bê tông nối gần hơn nên bà con ở đây không còn bất ngờ khi có người lạ ghé thăm. Sau nụ cười tươi chào khách, anh Minh hỏi về lý do chúng tôi có mặt tại bản. Khi biết là phóng viên, anh nói lớn: “Cán bộ chụp ảnh cà phê này. Cây xóa nghèo của bà con Chế Á đấy!”.

Thương lái vào tận nơi thu mua nông sản cho người dân Chế Á.

Thương lái vào tận nơi thu mua nông sản cho người dân Chế Á.

Theo anh Minh tâm sự, gia đình anh trồng gần 3ha. Năm vừa rồi thu khoảng 20 tấn quả tươi. Tùy từng thời điểm, giá dao động từ 12.000 - 16.000 đồng/kg, gia đình thu về gần 300 triệu đồng.

“Để có đồng dư dả, vợ chồng tôi tự lên nương vun xới, chăm bón cây nên không mất tiền thuê người. Chỉ tốn 32 triệu tiền phân bón. Vào vụ thu hoạch, thì thuê 10 - 20 người hái mỗi lứa. Trừ hết các chi phí đi thì cũng đủ tiền cho con ăn học và sửa sang nhà cửa, sắm một số thứ cần thiết cho gia đình”, anh Minh chia sẻ.

Theo Trưởng bản Lầu A Tú, cây cà phê bén rễ ở đây từ những năm 2010. Cho đến nay, cả bản có khoảng 70ha đã cho thu hoạch và hơn 30ha trồng mới. Cà phê hợp đất nên cây phát triển tốt mà thường cho sai quả.

Từ đầu tháng 9 đến tháng 12 hàng năm cà phê vào chính vụ, các nhà trong bản đều rộn ràng thu hái, cân đếm. Trung bình 1 ngày, có gần trăm lao động từ các xã đến thu hái thuê.

“Nhờ con đường thuận tiện mà bà con không còn phải lo đầu ra nữa. Giờ thương lái mang cả ô tô vào tận bản thu mua. Cũng bởi thế mà cây cà phê mới phát huy hết giá trị. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân Chế Á mà còn tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động ngoài địa bàn”, ông Tú cho hay.

Ham học hỏi

Cũng theo ông Tú chia sẻ, ngoài trồng riêng cà phê, người dân Chế Á còn chủ động trồng xen canh với các loại cây khác, nhằm tăng giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập cho gia đình. Mỗi nhà có thể tự đầu tư hoặc nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức, cấp, ngành.

“Nào là mắc ca, mận, chuối, dổi, lê... Chúng tôi không thống kê số cây, diện tích cụ thể. Nhưng cứ loài cây nào thấy phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cà phê là bà con trồng. Các lớp tập huấn trồng trọt tại địa bàn đều được người dân tham gia nhiệt tình”, ông Tú bộc bạch.

Hiện nay, bản có 30ha cà phê xen canh mắc ca của 26 hộ tham gia dự án liên kết. Một số hộ trồng thử mận, mỗi nương vài chục gốc, hiện đã cho thu hoạch 1 vụ. Từ năm 2018, nhiều gia đình trồng thêm lê. Ngoài ra, bản vẫn duy trì phát triển cây ngô và khai hoang ruộng bậc thang.

Một góc bản Chế Á.

Một góc bản Chế Á.

Với nguồn thu từ cà phê và các loại cây trồng, hiện nay ở Chế Á có 4 hộ đầu tư ô tô tải chuyên chở và thu mua nông sản cho bà con trong bản và các vùng lân cận.

Gia đình Anh Lầu A Dương mới mua xe tải 3,5 tấn năm vừa qua. Anh Dương cho biết, từ khi có xe, anh sang nhiều xã có nông nghiệp phát triển mạnh trong vùng để thu mua nông sản, như: Pú Nhung, Mường Mùn… Sau đó chở xuống Sơn La để bán.

“Năm vừa rồi chạy xe thấy ổn. Vừa thêm cái nghề, có thu nhập ổn định cho gia đình. Hơn nữa, tôi trực tiếp thu mua, tự vận chuyển đi bán, không phải qua cầu nào nên đảm bảo về giá cho bà con. Tránh được tình trạng thương lái độc quyền, ép giá như nhiều năm trước”, anh Dương nói.

Ngoài ra, theo trưởng bản Chế Á cho biết, thì mặc dù chưa có điện lưới quốc gia nhưng từ lâu bà con ở đây đã được sử dụng điện. Bà con trong bản đoàn kết, thống nhất cùng nhau góp tiền kéo điện từ các bản lân cận. Tuy nhiên do khoảng cách xa và kinh phí hạn chế nên vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu.

“Năm trước bản giảm 5 hộ nghèo, hiện còn 46/71 hộ. Nếu được đầu tư điện lưới ổn định, người dân sẽ làm được nhiều việc hơn. Bớt rào cản trong giảm nghèo bền vững, chắc chắn Chế Á sẽ phát triển”, trưởng bản Lầu A Tú khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.