Tìm “điểm yếu” để đầu tư
Theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên có 7 huyện nghèo. Các huyện bao gồm: Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông.
Thời gian qua các địa phương này đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân giảm nghèo theo hướng bền vững. Trong đó, mỗi huyện một cách làm sáng tạo, phù hợp nguyện vọng của người dân.
Tủa Chùa là huyện vùng cao, với phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Công tác giảm nghèo tại đây phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, một bộ phận có tâm lý trông chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước. Hoạt động sản xuất chủ đạo của người dân là nông, lâm nghiệp song giá trị rất thấp...
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên, huyện Tủa Chùa đã rà soát nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục.
Qua rà soát, địa phương xác định “điểm yếu” xuất phát từ việc thiếu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Do vậy, thời gian qua Tủa Chùa đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm hiện còn 40,72%.
Huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn tại huyện Tủa Chùa. |
Điển hình như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ tại xã Trung Thu, quy mô ban đầu 4ha. Hiện nay, năng suất khoai đạt trung bình 12,5 tấn/ha. Với giá thu mua tối thiểu 8.000 đồng/kg, thu nhập sau khi trừ chi phí trung bình đạt 50 triệu đồng/ha.
“Hiện nay mô hình đang được duy trì và nhân rộng hiệu quả. Kết quả đó đã góp phần quan trọng giúp địa phương chuyển đổi giống cây trồng. Mang lại giá trị kinh tế cao, tạo động lực bà con xóa nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Vừ A Phía, Chủ tịch UBND xã cho hay.
Tại huyện Mường Ảng, việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình giảm nghèo cũng đang phát huy hiệu quả tích cực. Thống kê từ năm 2022 đến nay, địa phương này đã huy động hơn 178 tỷ đồng để triển khai nội dung này. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao sinh kế cho người dân.
Hiện địa phương đã, đang duy trì thực hiện 35 mô hình hỗ trợ sản xuất cộng đồng về trồng trọt, chăn nuôi, gắn với quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp với từng địa bàn theo nguồn vốn trên. Gần 1.000 người dân tham gia và thụ hưởng từ các chương trình, dự án này.
Cùng với đó, địa phương triển khai gần 20 công trình, dự án dân sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Các vấn đề y tế, giáo dục, lao động, việc làm... được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 38,06%.
Những tín hiệu tích cực
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các huyện nghèo tại Điện Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nội dung thông tin, tuyên truyền phù hợp, thiết thực; hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua đó, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa chính sách giảm nghèo và khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo.
Việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân được chú trọng. Nhất là trong hỗ trợ phát triển dạy nghề, nâng cao dân trí; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Lớp học khang trang của cô và trò Trường Mầm non Tênh Phông, huyện Tuần Giáo. |
Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, hiện 100% huyện nghèo đều được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh. Từ năm 2022 đến nay, Điện Biên đã phân bổ thực hiện 119 dự án bằng nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững. Trọng tâm đầu tư các công trình hỗ trợ huyện Mường Ảng và Tuần Giáo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2022 - 2025.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở, việc làm cho người lao động được các địa phương chú trọng thực hiện.
Riêng thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, từ năm 2022 đến nay đã phân bổ hơn 119 tỷ đồng; hơn 47 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất…
Khoảng 13,8% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật. Cùng với đó, hơn 9.000 lao động được đào tạo việc làm, giải quyết việc làm cho gần 11.000 lao động.
Ngoài ra, công tác giảm nghèo được triển khai gắn với xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác. Các nguồn lực hỗ trợ, đồng hành đã tạo động lực cần thiết để người dân vươn lên thoát nghèo.
Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo tại Điện Biên giảm còn 30,35%. Riêng tại 7 huyện nghèo giảm bình quân 6,24% (so với năm 2021) xuống còn 44,41% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, một số huyện tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh như: Mường Ảng còn 38,06%; Tủa Chùa giảm còn 40,72%…