Người mẹ thứ hai

GD&TĐ - Bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng cho tới 6 giờ chiều, các cô bảo mẫu -người chăm sóc bữa cơm, giấc ngủ cho học sinh bán trú tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TPHCM) luôn nhận được những tình cảm trìu mến của học sinh, sự tin yêu của phụ huynh. 

Học sinh lớp 1 được cô bảo mẫu hướng dẫn rửa tay sạch sẽ trước khi ăn
Học sinh lớp 1 được cô bảo mẫu hướng dẫn rửa tay sạch sẽ trước khi ăn

Một ngày của cô bảo mẫu

Có 11 năm làm việc tại Trường TH Nguyễn Thái Học, cô Trần Thị Thục Oanh chia sẻ: Các chị em trong tổ bảo mẫu có mặt tại trường khoảng 6 giờ 10 phút sáng để bắt đầu một ngày làm việc của mình.

Sau khi xem vệ sinh lớp học, sắp xếp lại bàn ghế, các cô đón trẻ vào lớp, điểm danh và bàn giao cho giáo viên. Khi tiết học bắt đầu, các cô lại xuống nhà bếp cùng hỗ trợ chuẩn bị ăn trưa cho học sinh bán trú như rửa rau, thái hành… Có thời gian khoảng 30 phút đi ăn sáng, sau đó các cô tiếp tục công việc của mình khi học sinh đến giờ ra chơi. “Lúc ra chơi, bảo mẫu là người phải bao quát sân trường, quan sát, để ý các con chơi gì, có an toàn không để kịp thời nhắc nhở”, cô Oanh cho hay.

Kết thúc giờ chơi, cũng là lúc các cô bắt đầu bận rộn từ việc trải bàn ăn, chuẩn bị ghế, đến việc di chuyển các con theo hàng theo lối đi rửa tay trước giờ ăn. Với những em lớp nhỏ, các cô còn chỉ bảo, tập làm quen với việc tự phục vụ bản thân như xúc cơm, lấy canh, chuẩn bị bàn chải…

Theo cô Lê Kim Mỹ Dung, người đã có 19 năm theo nghề, trò ngủ nhưng các cô bảo mẫu vẫn phải thức và có mặt tại lớp để quan sát học sinh. “Ở khối 5, các bé đã lớn, về cơ bản có thể phục vụ bữa ăn trưa nhưng khi ngủ tôi phải quan sát để các con nằm tách riêng ra, các bé gái nếu vô tình bị váy vén lên thì các cô chỉnh lại và dặn dò các con. Đặc biệt ở lứa tuổi này, các em cũng có những thay đổi tâm sinh lý, nên cô phải hỏi han, quan sát và hỗ trợ, hướng dẫn các em khi cần”. Khi các con thiu thiu ngủ, các cô mới bắt đầu ăn cơm (ngồi ăn tại lớp do mình phụ trách) và sau đó chuẩn bị bữa ăn xế để sau khi ngủ dậy các con dùng.

Công việc cứ vậy cho đến khi khoảng 14 giờ, các cô giao lớp cho giáo viên chủ nhiệm, rồi lại tất bật đi rửa khay muỗng, giặt khăn sau bữa xế.

Kết thúc buổi học, cô bảo mẫu chính là người dắt các con theo từng lớp bàn giao cho phụ huynh. Thi thoảng có phụ huynh gọi điện nhờ giữ thêm vì bận việc đột xuất hay kẹt xe, các cô đều sẵn sàng hỗ trợ. Một ngày làm việc kết thúc bằng việc dọn dẹp phòng ốc, vệ sinh sạch sẽ để ngày mai sẵn sàng đón các con trở lại trường.

Dù có phần bận rộn, việc liền tay nhưng các cô bảo mẫu không hề tỏ ra mệt nhọc, khi có thời gian rảnh họ lại cùng nhau trao đổi, chia sẻ để công việc tốt hơn. Bởi, “làm nhiều năm chúng tôi cũng quen và cảm thấy vui vì đã góp phần cùng chăm lo cho các con trong thời gian ở trường học tập, sinh hoạt. Càng làm càng yêu trẻ, yêu nghề và thấy mình luôn có trách nhiệm và cả tình thương ở trong đó”, cô Phạm Thị Hoa Nhài cho biết.

Hạnh phúc vì được trò yêu mến…

Cô Phạm Thị Hoa Nhài chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh lớp 1
Cô Phạm Thị Hoa Nhài chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh lớp 1 

Ở trường tổ chức bán trú, vai trò của cô bảo mẫu vô cùng quan trọng, nhưng cho đến nay chức danh này vẫn chưa nằm trong biên chế nên các trường chỉ thực hiện theo việc kí hợp đồng theo năm học (tiền chi trả từ phí bán trú của học sinh), còn khoảng 2,5 tháng hè, các cô sẽ không được nhận lương và tự tìm việc làm ngoài để có thu nhập.

Không chỉ là người chăm lo bữa cơm, giấc ngủ mà các cô còn hỗ trợ giáo viên dạy các con một số kỹ năng cơ bản để chăm sóc, bảo vệ bản thân… phối hợp chặt chẽ với giáo viên để kịp thời xử lý một số tình huống bất ngờ xảy ra, cũng như nắm bắt tâm lý, tâm tư của học sinh để giáo dục các em tốt hơn.

Khi được hỏi về cô bảo mẫu của lớp mình, các em học sinh đều dành những lời khen có cánh. Em Hoàng Ka Thy , lớp 5/1 cho hay: Trong lớp con các bạn đều rất yêu mến cô Mỹ Dung. Cô chu đáo, chăm sóc tụi con tận tình, hay trò chuyện với chúng con, chỉ cho chúng con nhiều điều.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường: Hiện trường có 22 nhân viên bảo mẫu. Các cô nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy, làm việc rất cẩn thận và đã được học tập nghiệp vụ bảo mẫu. Nhà trường cũng tạo điều kiện để các cô yên tâm công việc, có thu nhập thêm cũng như hỗ trợ kinh phí, đăng kí các lớp bồi dưỡng cho các cô như nghiệp vụ bảo mẫu, lớp về an toàn vệ sinh thực phẩm, sơ cấp cứu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Phô diễn sức mạnh tên lửa

GD&TĐ - Chảo lửa Trung Đông những ngày qua chứng kiến một sự kiện mang tính lịch sử khi Iran phóng gần 200 quả tên lửa đạn đạo vào Israel.