Những bông hồng trắng

GD&TĐ - 1. Mỗi năm cứ vào ngày này là tôi lại đến thăm cô giáo của mình như bao bạn bè khác. Chỉ có điều bọn họ tặng thầy cô của mình những bông hồng đỏ tươi, còn tôi lại chỉ có thể tặng cô những bông hồng trắng. 

Những bông hồng trắng

Nơi này vẫn bình yên như thế. Bầu trời vẫn trong xanh, những tia nắng vẫn chiếu qua từng tán cây, len vào sưởi ấm lòng người những ngày đông giá rét. Và cô vẫn ở đó, nở nụ cười trìu mến nhìn tôi như ngày nào.

Lớp tôi vốn có tiếng là quậy nhất trường. Lúc nào sổ đầu bài cũng ghi chít những cái tên và những “tội danh” từ đi học muộn cho đến nói chuyện riêng trong lớp. Không một giáo viên nào có thể chịu nổi chúng tôi. Nhưng điều đó đã thay đổi kể từ khi cô xuất hiện.

Cô là giáo viên Văn nổi tiếng ở khắp các trường khu vực Hà Nội, cùng với ca ngợi về tài năng là những câu chuyện về sự nghiêm khắc của cô. Chỉ cần bị ghi tên trong sổ đầu bài thì hãy chuẩn bị sẵn bản kiểm điểm và ngay ngày hôm sau phụ huynh sẽ được mời lên văn phòng.

Chuyện hôm nay đã làm tôi tin đó không đơn giản chỉ là lời kể. Cái Hoa vì không trả lời được câu hỏi kiểm tra bài cũ đã được lãnh một điểm 0 và tất nhiên không thể thiếu bản kiểm điểm và mời phụ huynh. Kể từ sau chuyện đó, lớp chúng tôi thay đổi hẳn, không còn những câu nói quen thuộc “em chưa học bài” hay “em chưa làm bài tập nữa”, nhưng cũng từ đó, hầu như ai cũng có ác cảm với cô.

Có điều không thể phủ nhận rằng cô giảng Văn rất hay. Mỗi bài giảng của cô như mở ra một thế giới mới trước mắt tôi, nơi có những đói khổ lầm than nhưng cũng có những ấm áp của tình người. Những thử tưởng chừng trừu tượng khó hiểu lại có thể gần gũi như những khúc hát mẹ ru vậy.

Cũng có lẽ vì niềm đam mê với văn học nên bài kiểm tra nào, điểm số của tôi cũng khá cao. Hôm nay, có bài kiểm tra một tiết, tôi tự tin vì mình đã chuẩn bị khá kĩ nên chắc cũng sẽ vượt qua dễ dàng như những lần trước. Nhưng khi đọc đề bài, cả thế giới như sụp đổ trước mắt tôi.

Từng dòng chữ trên tấm bảng đen như từng mũi dao khắc sâu nỗi đau trong tim tôi: “Kể về bố em”, cùng lời dặn của cô “Hãy viết bằng tất cả tình cảm dành cho bố của mình các em nhé”. Nhìn bạn bè xung quanh cắm cúi làm, bao uất ức tủi thân dồn nén bao nhiêu lâu nay chợt theo nước mắt trào ra làm ướt đẫm cả trang giấy trắng.

Từ nhỏ tôi đã thắc mắc tại sao mình không có bố. Tôi ước mỗi buổi chiều có người chờ tôi ngoài cổng trường, đón tôi rồi chở tôi đi ăn kem. Không, tôi nhất định không thể bỏ cuộc được. Ngoài đời, bố không ở bên cạnh tôi thì tôi sẽ viết về người bố mà tôi mơ ước bao lâu nay. Cuối cùng bài văn cũng được hoàn thành kịp giờ.

2. Một tuần sau, khi cô giáo trả bài, không ngờ tôi được điểm cao nhất lớp. Cô gọi tôi đứng lên đọc bài làm của mình cho cả lớp nghe. Khi gần kết bài tôi nghe thấy những tràng cười khúc khích vang lên, cùng với câu nói mà tôi không thể nào quên: “Nó không có bố mà viết như thật vậy, ôi tao cảm động quá”.

Từ nhỏ tôi đã chịu đựng bao nhiêu lời chê bai, miệt thị. Dần dần tôi đã tưởng như mình không còn cảm xúc với chúng nữa. Vậy mà hôm nay tại sao tôi lại thấy đau lòng đến vậy.

Hết giờ, tôi đứng chờ cho mọi người về vãn mới lững thững bước xuống cầu thang. Ai ngờ thằng Huy Béo từ đâu lao tới. Cả thân hình to béo núc ních của nó huých mạnh vào tôi khiến tôi chới với. Điều sau cùng tôi cảm nhận được chỉ là cảm giác mơ hồ cùng tiếng nói của ai đó văng vẳng bên tai, rồi tôi chẳng còn biết gì nữa.

Khi tôi tỉnh dậy, đã thấy mình ở phòng y tế. Ai đưa tôi đến đây? Ngay sau đó, câu hỏi của tôi đã được giải đáp. Cô xuất hiện, trên tay cầm li sữa bảo tôi uống đi cho mau khỏe. Tôi nhấp một ngụm rồi lại đặt xuống. Tôi đưa mắt nhìn lên tường, đồng hồ đã điểm bốn giờ chiều. Muộn quá rồi. Tôi nhanh chóng xin phép ra về nhưng nào ngờ vừa bước đi được vài bước thì lảo đảo suýt ngã. Nhưng may mắn cô đã kịp thời đỡ lấy tôi. Cô nhìn tôi, khẽ mỉm cười:

- Thôi nào, đừng bướng bỉnh nữa, để cô đưa em về nhà nhé.

Câu nói quan tâm pha chút trách móc của cô khiến tôi cảm động. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy nụ cười của cô, nó cho người ta một cảm giác ấm áp, thân thương lạ thường, thật khác với vẻ mặt nghiêm khắc thường ngày trên lớp.

Cô chở tôi trên chiếc xe đạp cũ kĩ đã tróc sơn, băng qua những đoạn đường đất quanh co. Vừa đi, cô vừa hỏi tôi đủ thứ chuyện. Cô hỏi tôi lớn lên muốn làm gì, tôi đã trả lời tôi muốn trở thành một giáo viên dạy Văn giống như cô.

Đến nhà cô dìu tôi vào tận nhà, đỡ tôi nằm xuống giường rồi mới ra về. Từ bé đến giờ, ngoài mẹ ra, chỉ có cô là chăm sóc tôi ân cần như vậy.

3. Một ngày kia, tôi đi học về thì không thấy mẹ đâu. Hỏi mọi người xung quanh thì được báo rằng mẹ đang làm việc thì bị ngất nên đã được đưa ra trạm y tế xã nằm nghỉ ngơi. Bạn cùng làm của mẹ kể rằng mẹ tôi đã làm tăng ca một tuần liền không nghỉ ngơi dẫn đến kiệt sức. Tất cả là tại tôi, vì lo tiền đóng học phí cho tôi nên mẹ mới ra nông nỗi này. Đêm đó tôi thức chăm sóc cho mẹ.

Đến sáng, tôi về nhà chuẩn bị sách vở đến trường học buổi học cuối cùng của mình. Tôi đã nghĩ kĩ rồi, tôi sẽ nghỉ học đi làm kiếm tiền. Không thể để mẹ khổ vì tôi nữa. Lớp học vẫn như mọi khi, lũ bạn chào đón tôi bằng những lời trêu ghẹo.

Giờ Văn, như thường lệ sẽ có một người lên bảng kiểm tra miệng. Người bị gọi là tôi. Tôi chỉ trả lời ngắn gọn: “Thưa cô em chưa học bài”. Cô hỏi tôi lý do, nhưng tôi chỉ im lặng không đáp.

Trước câu trả lời của tôi, cô chỉ thở dài và bảo tôi mời phụ huynh. Hai ngày sau đó, tôi không đi học mà xin phụ bán cho một tiệm tạp hóa gần nhà kiếm tiền trả viện phí.

Một buổi chiều khi đi làm về, tôi thấy cô đợi ngoài cổng. Tôi đoán cô đến hỏi về chuyện tôi nghỉ học mấy ngày qua. Nhiều điều khiến tôi bất ngờ là câu đầu tiên cô nói với tôi không phải một câu hỏi mà là câu xin lỗi: “Cô xin lỗi vì đã không biết những gì em đang phải trải qua. Quay lại lớp học đi, đừng từ bỏ ước mơ của mình”.

Sau đó cô đưa cho tôi đọc những lá thư mà bạn bè trong lớp gửi cho tôi. Tôi chỉ biết ôm lấy cô, khóc nức nở. Cô vừa xoa đầu tôi vừa nói đã xin với nhà trường miễn học phí hoàn toàn cho tôi. Nhờ có sự giúp đỡ của thầy cô và các bạn mà tôi có thể tiếp tục đi học. Năm đó tất cả chúng tôi đều thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng!

***

Giờ đây, tôi có thể tự hào nói rằng mình đã làm được, tôi đã không từ bỏ, cuối cùng tôi cũng trở thành một giáo viên dạy Văn như ước mơ. Nhìn những bông hồng trắng đặt cạnh mộ, những đám mây tia nắng tôi đều thấy hình bóng cô. Tôi tin rằng ở một nơi xa kia cô vẫn luôn dõi theo những học trò của mình, và những bông hồng kia cũng như lòng biết ơn của chúng tôi, sẽ chẳng bao giờ héo tàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ