Người mẹ thứ hai của học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Đến Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng, nhiều người khâm phục, ngưỡng mộ những cô giáo đang trực tiếp giảng dạy cho các em học sinh có số phận không may mắn.

Cô Thu Vân và các em
Cô Thu Vân và các em

Là một giáo viên đã gắn bó 24 năm với các em học sinh khiếm thính, cô Châu Thị Lụa chia sẻ: “Năm 1994, tôi về công tác tại trường, cảm giác ban đầu khi mới về đây công tác vẫn có bỡ ngỡ nhưng thấy hình ảnh các em học sinh khiếm thị quờ quạng đi thì tôi rất thương và xúc động. Trong những năm ở trường, tôi đã dạy qua các lớp chậm phát triển, khiếm thính và hiện nay phụ trách lớp học sinh khiếm thị. Lớp nào tôi cũng cố gắng hết mình vì các em”.

Nói về phương pháp giảng dạy, cô Lụa cho biết: Học sinh đều ở nội trú tại trường, xa gia đình nên các em chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường tập thể. Các em thường có tâm lý mặc cảm, muốn bỏ mặc mọi thứ và không tha thiết vươn lên. Vì thế, giáo viên phải gần gũi để nắm bắt tâm lý, động viên các em, giúp các em hiểu rằng, mình “tàn nhưng không phế”, giúp các em nhận thức tích cực hơn trong học tập. Các em có động cơ, thái độ học tập đúng đắn, đạt kết quả cao”.

Nghe những tâm tình của cô Lụa mới thấy, để dạy một em học sinh khiếm thị hoặc khuyết tật là vô cùng vất vả. Tâm sức của giáo viên bỏ ra khi giảng dạy hoặc chấm bài có lẽ gấp 10 lần tâm sức dạy cho học sinh bình thường. Giáo viên phải thông thạo chữ nổi, phải thường xuyên chấm sửa bài, giảng bài, phải hiểu được tâm tư để có phương pháp dạy phù hợp, có vậy mới có thể giúp đỡ, động viên các em học.

Cô Châu Thị Lụa
Cô Châu Thị Lụa

“Chúng tôi không ngại vất vả khi dạy học sinh khiếm thị. Mong muốn của tôi và các đồng nghiệp là làm sao cho tất cả các trẻ khiếm thị đều được đến trường đúng độ tuổi. Hiện tại, vì nhiều lý do nên ở nhiều địa phương vẫn có không ít trẻ khuyết tật chưa được đến trường. Chúng tôi rất mong phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện cho các em được đến trường, hòa nhập với cộng đồng”, cô Lụa chân thành nêu ý kiến.

Cô Thu Vân, giáo viên công tác tại trường từ năm 2002, cho biết: “Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, những nụ cười rạng rỡ khi được đi học của các em tôi thấy thương vô kể, và gắn bó với trường cho đến nay đã 16 năm tròn”.

Trong những năm giảng dạy, với mong muốn giúp các em có kiến thức, kỹ năng, sớm hòa nhập vào cuộc sống, cô Thu Vân đã có nhiều cố gắng trong việc tìm tòi các phương pháp giảng dạy thích hợp với học sinh của mình. Cô Vân thường chú ý quan sát cử chỉ, điệu bộ, động tác và cả dấu hiệu trên khuôn mặt cũng như miệng của các em để hiểu thông điệp các em muốn thể hiện.

Bên cạnh đó, cô Vân cũng nghiên cứu chương trình, tham mưu cho BGH để có giải pháp phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Ngoài ra, cô cũng thường xuyên liên hệ phối hợp với phụ huynh học sinh để giáo dục các em, cũng như phối hợp với bộ phận bảo mẫu để nắm bắt tâm tư, tình cảm và hướng dẫn kỹ năng hòa nhập cuộc sống cho các em. Do các em ở lớp thuộc nhiều độ tuổi nên cô chia thành nhiều nhóm để thuận tiện cho các em sinh hoạt, học tập và bản thân cô cũng có cách dạy phù hợp hơn.

Thầy Huỳnh Minh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Là trường nuôi dạy học sinh khuyết tật, đội ngũ cán bộ, giáo viên của chúng tôi luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong giảng dạy và trong mọi công tác khác, với mong muốn giúp các em có kiến thức, có kỹ năng, hòa nhập tốt vào cuộc sống cộng đồng, tự tin bước vào đời. Vì thế, trường có nhiều tấm gương tiêu biểu tận tâm với các em học sinh khuyết tật, như các cô Châu Thị Lụa, Nguyễn Thị Thu Vân...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.