Giúp học sinh chạm ngõ nghề báo

GD&TĐ - Ngày nay, báo chí được coi là lĩnh vực chủ chốt của truyền thông đại chúng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của xã hội. Báo chí có chức năng cơ bản là cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, định hướng dư luận. Ngành học báo chí và nghề báo đang có sức hấp dẫn lớn đối với các em học sinh. Mỗi trường cũng đã xây dựng một trang thông tin điện tử phản ánh một cách kịp thời và toàn diện những hoạt động giáo dục.

Giúp học sinh chạm ngõ nghề báo

Trong nhà trường các em hoàn toàn có thể tiếp cận và thực hành nghề báo chí thông qua nhóm các giờ học về Phong cách ngôn ngữ Báo chí, Bản tin, Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. Với thời lượng phân phối chương trình gói trong 6 tiết học, nếu các thầy cô giáo đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực của người học thì những tiết học nặng về lý thuyết khô khan lại trở thành một quá trình học tập sinh động, gắn liền với thực tiễn.

Sau khi thực hiện các nhiệm vụ học tập, các em không chỉ hiểu kiến thức cơ bản về phong cách ngôn ngữ báo chí, đặc điểm thể loại văn bản báo chí: bản tin, phóng sự, tiểu phẩm, phỏng vấn,… mà còn có những trải nghiệm thực tế với vai trò của một người làm báo. Khi đó, các em thấy được yêu cầu, trách nhiệm của người làm báo mà hiểu hơn, trân trọng hơn nghề báo. Nhóm tiết học này cũng định hướng hình thành phẩm chất năng lực công dân và góp phần giáo dục hướng nghiệp cho HS THPT.

Vậy đổi mới phương pháp dạy học các tiết học này như thế nào? Sau đây là một vài ý kiến cùng trao đổi với các thầy cô.

Trước hết, thời lượng phân bố cho các đơn vị kiến thức về Phong cách ngôn ngữ báo chí trải từ tiết 47 đến tiết 71 trong chương trình Ngữ văn 11, ban Cơ bản, học kì I, cụ thể: Tiết 47,53: Phong cách ngôn ngữ báo chí, Tiết 56, 59: Bản tin và Luyện tập viết bản tin, Tiết 60, 71: Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, Luyện tập Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.

Thứ hai để tạo tính thống nhất và liên kết, GV có thể áp dụng xây dựng nội dung dạy học theo chủ đề hoặc dự án gồm 6 tiết với thời gian, nội dung, cách thức tiến hành, mục tiêu đạt được cụ thể cho từng tiết. Ví dụ, với tiết Tìm hiểu lý thuyết về Phong cách ngôn ngữ báo chí, Giáo viên cho các tổ nhóm sưu tầm một số thể loại báo chí, hướng dẫn cách phân loại báo chí theo các tiêu chí dễ nhận diện như: thời gian xuất bản, lĩnh vực phản ánh, đối tượng bạn đọc,...

HS có thể hoàn thành nhanh phiếu học tập được GV thiết kế sẵn hoặc chia 4 nhóm tham gia trò chơi Ai nhanh hơn. GV cũng có thể cho HS xem video để có góc nhìn toàn cảnh về lịch sử phát triển, sự đa dạng và tầm quan trọng của báo chí. Phương pháp thảo luận nhóm và thuyết trình giúp học sinh phân biệt sự khác nhau của một số thể loại cơ bản: Bản tin, Phóng sự, Tiểu phẩm, Phỏng vấn. Các em được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình. GV cũng nên chiếu minh họa 4 ngữ liệu để HS dễ nhận diện và phân biệt 4 thể loại này.

Sau đó, với kiến thức về Đặc trưng ngôn ngữ báo chí, giáo viên giúp các em so sánh ngữ liệu thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính, sinh hoạt và nghệ thuật để nhấn mạnh ba đặc trưng cơ bản là Tính thông tin thời sự, tính ngắn gọn và tính sinh động hấp dẫn của báo chí. So sánh vừa giúp các em nhận diện sự khác biệt và liên kết kiến thức về phong cách chức năng ngôn ngữ.

Trong tiết học về bản tin và luyện tập viết bản tin, GV có thể cho các em tóm tắt một vài tin tức mà các em mới được tiếp cận trên các phương tiện truyền thông. Đây là nguồn tư liệu cực kì dồi dào, sinh động và bổ ích để GV giúp HS nhận diện, phân loại tin tức, sàng lọc cẩn thận để có được thông tin giá trị.

Khi luyện tập viết bản tin, khó khăn đầu tiên mà các em hay gặp là khai thác tin hay để viết. GV nên tạo cơ hội cho các em trước hết tập viết tin phản ánh các hoạt động của trường lớp, địa phương sau đó là quan tâm đến tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Muốn vậy các em không thể sống thờ ơ, dửng dưng với thời cuộc. Sau khi tổ/nhóm trình bày, GV dùng phiếu chấm để đánh giá. GV chú ý sửa cho HS cách viết tin, đặt tiêu đề xác thực, cụ thể, dồn nén, đi thẳng vào vấn đề, tránh lối viết vòng vo, sáo rỗng. Chuyên mục Phóng viên nhỏ là sẽ là cơ hội để các em chạm ngõ với nghề báo với cách “săn” tin viết bài đảm bảo các yêu cầu về nội dung và nghệ thuật trình bày.

Để tiết học về Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn thêm sống động, GV chuẩn bị ngữ liệu là đoạn video ghi lại cuộc phỏng vấn và trả lời xoay quanh vấn đề gần gũi như: Áp lực thi cử, Tình bạn, tình yêu, gia đình; Chọn trường, chọn nghề, chọn thần tượng...vv. Nguồn tư liệu này rất tiếp cận trên các kênh của VTV. Từ ngữ liệu GV hướng dẫn các em chiếm lĩnh các đơn vị kiến thức về phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. GV cũng gợi ý để các em chia nhóm biên soạn, thực hành một hoạt động phỏng vấn và trả lời chuẩn bị cho tiết luyện tập.

Phần hướng dẫn càng cụ thể thì hiệu quả càng cao. Ví dụ, nhóm 1: Trang phục học đường; nhóm 2: Áp lực thi cử; nhóm 3: Tình yêu tuổi học trò; nhóm 4: Thần tượng tuổi Teen. Khi tiến hành hoạt động phỏng vấn và trả lời GV đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ học tập, kỹ năng làm việc của các em qua cách chọn vấn đề, đặt câu hỏi và trả lời, hoạt động nhóm, ứng dụng CNTT, đóng vai,...

Tổng kết các nội dung học tập, tùy theo đặc điểm từng lớp, GV hướng dẫn các em làm Báo tường Mừng xuân hoặc viết bài cho trang Web của nhà trường. Từ những bài học cụ thể về Phong cách ngôn ngữ báo chí trong nhà trường, các em có thể làm quen với công việc viết báo. Đây là cũng những kiến thức và kỹ năng thực hành thiết thực, ý nghĩa với các em trong một tương lai không xa.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ