Người mẹ tảo tần gặt thuê nuôi con khôn lớn

GD&TĐ - Đến thôn Tiên Mỹ (xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh, Quảng Trị), hỏi thăm gia đình chị Hoàng Thị Đào (42 tuổi), ai ai cũng biết đến và tận tình chỉ dẫn. 

Người mẹ tảo tần gặt thuê nuôi con khôn lớn

Không phải vì chị giàu sang phú quý hay vì điều gì “nổi tiếng” cho cam, mà người ta nể phục chị bởi sự chịu thương chịu khó với sự hy sinh vô bờ bến vì con cái.

Thảm họa bom mìn

Sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Vĩnh Lâm, từ nhỏ chị đã phải bươn chải nhiều nghề cùng cha mẹ nuôi sống gia đình. Rồi lớn lên chị cũng yên bề gia thất. 

Hạnh phúc càng nhân lên khi hai đứa con gái của chị là Lê Thị Mai (Sinh năm 1996) và Lê Thị Lý (SN 1998) lần lượt chào đời. Đôi vợ chồng ngày ngày lam lũ cực nhọc nhưng gia đình luôn rộn rã tiếng cười.

Nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, năm 6 tuổi, cháu Mai mắc bệnh đau thận, nếu không chạy chữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vợ chồng chị Đào lam lũ cày thuê cuốc mướn nhưng vẫn túng thiếu, không đủ tiền đưa con đi viện. 

Không đành lòng nhìn đứa con gái ngày ngày phải vật lộn trong đau đớn, xanh xao từng ngày, anh Lê Hữu Sức - Bố của Mai - đành phải chấp nhận hiểm nguy, xách cuốc lên rừng theo xóm làng làm nghề đào bom.

Chị Đào cho biết, hồi đó không có máy rà tìm phế liệu, người đi đào bom chỉ nhìn bằng mắt, phán đoán xem bên dưới lòng đất có bom, đạn pháo hay không, độ sâu bao nhiêu để đào.

Ngày lại ngày ròng rã suốt 3 năm anh Sức xách cuốc lên rừng tìm đến những hố bom, hố pháo còn sót lại sau chiến tranh để đào bới, đem về bán kiếm tiền chữa bệnh cho con.

“Vẫn biết là nguy hiểm đó nhưng biết mần răng (làm sao) được chừ. Vì cái nghèo hết chú ơi. Ngày chồng tui xách cuốc lên rừng, tui ở nhà lo lắm, cứ thấp thỏm không yên” - chị Đào chua xót.

Và cái ngày chị Đào lo lắng như một định mệnh tất yếu phải xảy ra. Năm 2004, khi anh Sức đang ở độ sâu 10 mét hì hục đào bới thì bất ngờ hố bom bị sập. Khối đất đá lớn đã vùi chôn anh. 

Theo những người cùng đào bom với anh Sức kể lại, vì đào trúng chỗ mạch nước ngầm nên khi hố sập đã vùi lấp anh Sức dần dần trong sự bất lực của bè bạn.

Đi tìm ánh sáng

Anh Sức qua đời, bỏ lại chị Đào thân cò gồng gánh nuôi con. Hàng ngày, ngoài chăn nuôi trồng trọt trong vườn nhà, chị phải bươn chải khắp nơi từ cấy thuê, gặt mướn cho đến bốc vác… Suốt 10 năm qua, mẹ con chị Đào rau cháo qua ngày, truyền cho nhau từng hơi ấm gia đình để gắng gượng vươn lên.

Thấu hiểu nổi khổ của mẹ, đau xót trước sự ra đi của cha, hai chị em Mai và Lý đã không ngừng nổ lực, vượt lên cảnh nghèo khó học giỏi.

12 năm ngồi ghế nhà trường Mai đều là học sinh giỏi. Em còn đạt rất nhiều giải của huyện, tỉnh ở các kỳ thi học sinh giỏi môn Văn. Hiện nay, Mai đang là sinh viên năm nhất ngành Sư phạm Văn (Đại học Sư phạm Huế). 

“Nhiều khi em nghĩ vì em mà ba phải chết, những lúc như thế em buồn lắm. Em rất nhớ ba. Cứ đêm nào trời có sao là em lại ra ngắm vì em nghĩ rằng ba em mất đi sẽ được lên bầu trời. 

Ngôi sao sáng nhất đó là ba và em thường tâm sự với ngôi sao ấy. Em sẽ cố gắng học tốt để không phụ công ơn ba, về sau sẽ phụng dưỡng mẹ” - Mai bật khóc mỗi lần nhắc đến ba của mình.

Còn Lý, em nay đang học lớp 12 Trường THPT Vĩnh Linh (Quảng Trị). Năm nào em cũng là học sinh giỏi của trường, giành nhiều giải thưởng lớn từ các cuộc thi học sinh giỏi môn Sinh học. 

“Mẹ và chị thường kể cho em nghe về ba và bảo em phải cố gắng học để ba trên trời được yên lòng. Em ước sau này mình sẽ trở thành nhà nghiên cứu khoa học” - Lý tâm sự.

Thời gian thấm thoắt, thoáng chốc đã 10 năm chị Đào ở vậy thờ chồng, tần tảo nuôi hai con khôn lớn. “Dù có cực mấy đi nữa tui cũng sẽ gắng gượng cho các con ăn học đàng hoàng để sau này đỡ khổ. Chỉ sợ tui ngày càng lớn tuổi lại hay đau ốm…” - Chị Đào bỏ lỡ câu nói, thở dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.