Người mẹ vẫn luôn là chủ đề gợi cảm hứng chắp bút cho các thế hệ nhà văn. Đã có rất nhiều trang viết về tình cảm của mẹ, thứ tình cảm mạnh mẽ giúp người phụ nữ vượt qua mọi rào cản của hoàn cảnh, xã hội để che chở cho con. Có người mẹ không thể đối thoại với con trực tiếp nhưng vẫn hàng tuần tâm tình cho con qua những dòng thư tay.
“Mẹ hy vọng con không chỉ đang tồn tại, mà sống sao cho đúng là con ngày hôm nay. Mẹ hy vọng con sẽ thử suy nghĩ về những điều đương nhiên theo một cách không đương nhiên, hy vọng con sẽ không e ngại trước bất cứ điều gì, mà thoải mái dang rộng đôi cánh của mình ra. Mẹ hứa, dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ con.” (Trích trong cuốn sách “Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ”, tác giả Gong Ji Young).
Có người mẹ gửi gắm nỗi lo âu của mình vào những dòng nhật ký, ở tuổi 70 khi đã nuôi nấng sáu đứa con nên người.
“Sáu đứa con thân yêu của mẹ! Nhìn các con sống đầy đủ, không phải ghen tị ai khiến người làm mẹ cũng cảm thấy vui. Nhưng trong nhà càng đầy đủ vật chất thì các thành viên càng phải trò chuyện với nhau nhiều hơn. Đừng lấy cớ bận rộn mà cố giải quyết mọi thứ chỉ bằng tiền. Phải cùng quây quần lại, mở lòng ra và chia sẻ những khoảng thời gian trò chuyện thật thân tình...” (Sách “Mẹ ơi con sẽ lại về”, - Tác giả Hong Young-Nyeo)
Tac gia Gong_Ji-young |
Có người mẹ đơn thân nuôi con đằng đẵng bao nhiêu năm trời từ tấm bé, chịu đựng những nỗi nhục nhã, ê chề, thiếu thốn và bệnh tật để truyền cho con một chân lý sống bất di bất dịch: sống là không được để bản thân mình thấtbại và yếu hèn (Sách “Lời hứa lúc bình minh” - Romain Gary).
Cũng có rất nhiều trang viết về tình cảm của con với người mẹ, mỗi người một sắc thái- yêu mến pha chút hài hước, hối lỗi trộn lẫn buồn thương, tựu trung đều mang lòng biết ơn mẹ.
“Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ.
Tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ.
Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.
Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình.” (Sách “Mẹ, thơm một cái” – Tác giả Cửu Bả Đao).
Người mẹ dưới ngòi bút của các tác giả phương Đông và phương Tây được khắc họa tuy có những khác nhau, và việc làm mẹ từ xưa đến nay đã có những biến chuyển. Tuy nhiên, bóng dáng người mẹ vẫn luôn chở che chăm sóc ta trong cuộc sống và luôn được khắc họa rõ nét trong các tác phẩm văn học thế giới.