Người mẹ thứ hai của trẻ vùng cao

GD&TĐ - Trẻ lần đầu ra lớp đối diện với nhiều khó khăn do thay đổi môi trường, xa người thân… trong khi tuổi còn nhỏ, yếu kỹ năng cơ bản.

Giáo viên Trường Mầm non Thu Lũm đón trẻ vào lớp.
Giáo viên Trường Mầm non Thu Lũm đón trẻ vào lớp.

Cô giáo mầm non trở thành người mẹ thứ hai chăm lo, dạy dỗ trò từ điều nhỏ nhất; phối hợp với cha mẹ trong chăm sóc và giáo dục trẻ. Tình yêu thương của các cô là mạch nguồn nuôi dưỡng, giúp trẻ lớn lên mỗi ngày.

Tất bật cả ngày

Dạy trẻ nhỏ lần đầu ra lớp vốn đã khó thì với vùng cao lại càng khó khăn hơn do bất đồng ngôn ngữ. Để trẻ làm quen với bạn bè và nhà trường, giáo viên mầm non vùng cao phải “sắm vai” người mẹ hiền.

Năm học 2022 – 2023, Trường Mầm non xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 9 nhóm lớp với 190 trẻ. Các lớp được bố trí tại 8 điểm bản. Trong 53 trẻ từ 24 – 36 tháng tuổi, nhà trường có 1 lớp nhà trẻ độc lập với 17 cháu, còn lại các bé học tại lớp ghép 4 độ tuổi (từ 2 - 5 tuổi).

Cô Lê Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. “Trẻ nhỏ lần đầu tiên ra lớp, xa người thân, gia đình nên thường quấy khóc, cả ngày gọi mẹ rồi đòi về. Giáo viên rất vất vả trong chăm sóc, giáo dục, đặc biệt các nhóm lớp có nhiều độ tuổi”.

Cũng theo cô Huyền, 100% trẻ nhà trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số (Hà Nhì, Dao, La Hủ). Khi mới đến lớp, các em biết ít và thậm chí không biết tiếng Việt. Đồng thời, trẻ thường xuyên quấy khóc ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng tiếp thu kiến thức tại lớp.

Phụ trách lớp nhà trẻ độc lập với 17 bé, cô Chu Thanh Nu chia sẻ: “Khi mới ra lớp, trẻ thường không nói được tiếng Việt và chưa biết cách yêu cầu khi cần giúp đỡ nên rất vất vả để chăm sóc. Tuy nhiên, tôi may mắn là người địa phương nên có thể giao tiếp và hướng dẫn trẻ bằng tiếng dân tộc rồi dần dần giảng dạy cho trẻ bằng tiếng Việt”.

Để giảm bớt khó khăn cho giáo viên đứng lớp, Trường Mầm non xã Thu Lũm đã ưu tiên chọn người có kinh nghiệm, tâm huyết, là dân địa phương. “Giáo viên cùng dân tộc trẻ sẽ hiểu trẻ hơn, từ đó động viên khích lệ và giúp trẻ bình tĩnh, an tâm khi đến trường” – cô Huyền cho biết thêm.

Giáo viên cùng phụ huynh cùng chơi để trẻ mạnh dạn, tự tin.

Giáo viên cùng phụ huynh cùng chơi để trẻ mạnh dạn, tự tin.

Đối với lớp giáo viên không đồng ngôn ngữ với trẻ, nhà trường khuyến khích học tiếng dân tộc để hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, trao đổi với phụ huynh về tình hình của trẻ. Từ đó, có biện pháp và cùng phối hợp để chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo các nhóm lớp tạo môi trường trong và ngoài lớp học an toàn, thân thiện gần gũi theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Giáo viên sưu tầm, sử dụng nguyên vật liệu, đồ dùng gần gũi phù hợp với bối cảnh địa phương để thu hút trẻ đến trường lớp. Cùng với đó, tạo môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ gắn với tiếng mẹ đẻ, gắn từ tiếng Việt kèm tiếng mẹ đẻ vào tên một số đồ dùng, đồ chơi, các loại rau, củ, quả…

“Chúng tôi yêu cầu giáo viên phải yêu thương, đối xử công bằng với mọi trẻ. Đồng thời, các cô tạo niềm tin để trẻ yêu quý và thích được đến trường. Nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh trong việc tạo môi trường, làm đồ dùng đồ chơi và cùng tham gia hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ”, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thu Lũm thông tin.

Trường Mầm non Hoa Ban, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) có 4 lớp nhà trẻ với 90 bé. Mặc dù ở địa bàn thuận lợi nhưng theo cô Hiệu trưởng Mai Thị Nhân, lần đầu tiên đến trường, lớp nên trẻ khóc nhiều ở thời điểm đầu năm học. Cùng với đó, nhiều trẻ chưa biết ăn cơm nên việc chăm sóc rất vất vả. Hình ảnh giáo viên mầm non hai tay bế hai trẻ suốt buổi học hoặc vừa bế trẻ ngủ vừa tranh thủ ăn cơm thường thấy ở nơi này.

Để duy trì tỷ lệ chuyên cần, Trường Mầm non Hoa Ban chỉ đạo giáo viên các nhóm lớp làm tốt công tác tuyên truyền với phụ huynh vào thời điểm đón, trả trẻ và trên nhóm Zalo. Cùng với đó, hàng ngày cô trao đổi với phụ huynh về tình hình, chuyển biến và thích nghi với môi trường lớp học của trẻ để phụ huynh chia sẻ và yên tâm khi con tới trường.

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Ban đón trẻ. Ảnh: Hà Thuận

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Ban đón trẻ. Ảnh: Hà Thuận

Tận tình dạy dỗ

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) cho biết: Để làm người mẹ thứ hai của trẻ rất khó. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, các cô giáo ngoài vững chuyên môn còn phải hiểu tâm lý trẻ và phụ huynh. Mỗi trẻ có hoàn cảnh, tính cách khác nhau, giáo viên cần tìm hiểu để có cách tiếp cận và phương pháp GD phù hợp.

Với trường học tổ chức lớp nhà trẻ, ban giám hiệu cần phân công giáo viên đứng lớp phù hợp; xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý theo độ tuổi. Xác định được mục tiêu, nội dung và các hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho trẻ; có hình thức phối hợp với gia đình trong nuôi dạy và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ.

Ở Trường Mầm non Hải Tân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cô Hiệu trưởng Trần Thị Dung cho biết: Những ngày đầu ra lớp, cô giáo phải hết sức nhẹ nhàng, tỉ mỉ dạy trẻ từ cách chào hỏi, cất giày, rửa tay, ăn uống…. Các bé lứa tuổi nhà trẻ 24 - 36 tháng rất thích tham gia các trò chơi nhận biết, gọi tên đồ dùng, đồ chơi gần gũi. Do đó, giáo viên tổ chức đa dạng hoạt động trải nghiệm để trẻ được hóa thân thành những chú sâu xinh xắn thông qua câu chuyện “Chú sâu háu ăn”; hay phát triển vận động nhờ động tác yoga đơn giản, phù hợp lứa tuổi.

Nhiều năm gắn bó với trẻ nhà trẻ, cô Đinh Thị Nga, giáo viên Trường Mầm non Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ kinh nghiệm giúp trò xóa đi nỗi lo sợ ngày đầu đến trường.

“Lúc đón bé từ mẹ, tôi phải dỗ dành sao cho trẻ nín khóc nhanh nhất. Sau đó giúp trẻ hòa nhập với các bạn trong lớp và dần hướng dẫn các kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày như chào hỏi người lớn tuổi khi đi ra ngoài hay về nhà, đến chỗ đông người. Chỉ đơn giản như việc rửa tay và cất giày dép đúng chỗ, chúng tôi cũng phải nhắc nhiều lần để tạo thành thói quen. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ người dân tộc thiểu số, vì các em tiếp xúc ít với cộng đồng nên tự ti, ngại giao tiếp”, cô Nga cho hay.

“Để trẻ làm quen với trường, lớp, giáo viên phải gần gũi, yêu thương. Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động; tương tác trực tiếp với đồ vật để mạnh dạn, tự tin. Bên cạnh đó, chăm sóc từng bữa ăn cho trẻ. Đối với trẻ chưa biết ăn cơm, giáo viên tập cho trẻ ăn cơm nát theo đúng chế độ dinh dưỡng. Chúng tôi cũng xây dựng thực đơn 3 bữa/ngày phù hợp với trẻ 24 - 36 tháng tuổi” – cô Mai Thị Nhân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tiếng Việt mùa nước lũ

GD&TĐ - 'Sao kê', 'phông bạt' là những tiếng lóng đang được thịnh hành trên mạng xã hội ở thời điểm này.