Người thầy dành cả đời sưu tầm hiện vật lịch sử

GD&TĐ - Thầy giáo Phạm Huy Dụng, trú tại Thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, sinh năm 1955, tham gia công tác giảng dạy Khoa học xã hội, bộ môn Lịch sử từ năm 1973 -2011.

Người thầy dành cả đời sưu tầm hiện vật lịch sử

 Xuất phát từ truyền thống gia đình, tình yêu quê hương đất nước, cùng nhiệt huyết với nghề nên thầy Dụng đã sớm có mong muốn sưu tầm đồ cổ để gìn giữ các hiện vật có ý nghĩa văn hóa, lịch sử quý giá của dân tộc, nhằm giảng dạy cho học sinh với những câu chuyện thật, hiện vật thật.

Người thầy đam mê sưu tầm đồ cổ

Nhiều phụ huynh, học sinh qua các thế hệ, cán bộ Bảo tàng, bạn bè cùng Câu lạc bộ… đã từng biết nhiều năm nay thầy Dụng vẫn miệt mài tìm kiếm, sưu tầm đồ cổ nhằm gìn giữ, quảng bá truyền thống cha ông, dân tộc.

Những hiện vật trong nhà của thầy được trưng bày phân chia theo các chủ đề: Chất liệu: Gốm, sứ, đồng… niên đại, kiểu dáng, bộ sư tập ấm trà với trên 1.000 hiện vật, hiện tại có 200 hiện vật được trưng bày tại không gian trà Tân Cương, Thái Nguyên. Chủ đề ẩm thực với hơn 1.000 bình, vò, trum, nầm, hũ rượu, chủ đề trà thuốc đa dạng với các bình vôi, trầu cau, điếu…

Hiện vật quý giá nhất mà thầy Dụng từng sưu tầm được đó là chiếc ấm đồng, niên đại 2.000 năm từ thời Đông Sơn muộn, vì độ quý hiếm của hiện vật nên đã được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đây cũng chính là hiện vật chứng minh hoa sen là quốc hoa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, thầy Dụng còn giới thiệu thêm bộ sưu tập: “Ký ức với thời gian” gồm hàng trăm loại đồng hồ, trong đó có cả những loại đồng hồ do Việt Nam sản xuất.

Trong 3 năm trở lại đây, thầy Dụng cũng sưu tầm thêm cả xe đạp, có những chiếc xe do Pháp sản xuất từ năm 1920, đến nay đã có tuổi thọ 96 năm nhưng sau khi được phục chế, chiếc xe lại có thể lăn bánh, chỉ riêng bộ khung xe đã phải lặn lội tìm kiếm ở tận Campuchia, riêng chiếc yên xe thì phải rong ruổi theo “dấu vết” của nó qua 5 tỉnh phía Bắc, sau khi hoàn thiện có thể chấp nhận việc chiếc xe có đôi chút thay đổi. Như: Xích, líp, lốp… nhưng cũng phải đạt được độ nguyên bản 80% và hoàn toàn có thể sử dụng tốt, thầy Dụng cho biết đã có người đến từ Hải Phòng với nguyện vọng đổi chiếc xe đạp cổ của thầy với một chiếc xe SH nhưng thầy không chấp nhận.

Trong quá trình sưu tầm, thầy gặp không ít khó khăn. Điều đầu tiên phải nói tới chính là chi phí. Thầy Dụng cho biết, thầy phải tích góp từ tiền lương dạy học, qua trao đổi giao lưu những hiện vật đã trùng lặp, hoặc nhờ Bảo tàng hỗ trợ, thậm chí là vay ngân hàng.

Dù đã hoạt động lâu năm, đã có giấy tờ chứng nhận, thẻ Hội viên của Câu lạc bộ, là thành viên tổ chức UNESCO Việt Nam, nhưng thầy cũng gặp phải không ít khó khăn khi vận chuyển hiện vật qua các địa phương. Vì một số cán bộ địa phương chưa thực sự hiểu, nắm rõ Luật di sản hoặc hiện vật là binh khí cổ thì cũng sẽ không dễ dàng vận chuyển.

Một số hiện vật mang tính kỉ niệm qua các thế hệ của mỗi gia đình, có những chiếc xe đạp từng phải đổi bằng 3 con trâu, mua bằng vài cây vàng, nếu người sở hữu quy đổi giá cả nhưng vậy thì rất khó mua, hoặc có những chiếc xe để hoàn thiện được phải tìm mua được 5 chiếc xe cùng loại, cùng đời sản xuất mới đủ linh kiện phục chế, hầu như trong quá trình sử dụng qua hàng chục năm đã hư hỏng hết nên nó hiếm và đắt là vì như thế.

Mỗi hiện vật đều có thông điệp về tương lai

Với tư cách là Trưởng ban đại diện UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam, vì yêu cầu công việc nên thầy Dụng đã lập thêm Câu lạc bộ Nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Bắc, hoạt động trên tất cả các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Những hiện vật mà thầy Dụng thích nhất là những món đồ sản xuất tại Việt Nam, do chính tay người Việt làm ra: Đồng hồ, ấm trà, điếu… vì vậy trong nhà chủ yếu chỉ trưng bày hiện vật của Việt Nam, chứ hiếm khi trưng bày đồ Trung Quốc hay nước nào khác, điều đó thể hiện tinh thần thượng tôn dân tộc.

Trong nhà thầy có nhiều hiện vật quý hiếm nên thầy Dụng cũng có những lo lắng về an toàn, bảo vệ cho chúng. Khi được hỏi về vấn đề này, thầy chia sẻ, những vật dụng quý sưu tầm được, thầy gửi vào Bảo tàng - đó là nơi cất giữ an toàn nhất.

Việc đó, không những chỉ bảo vệ, mà còn giới thiệu cho được nhiều người xem, nhận thức và hiểu, trân trọng những đồ cổ không chỉ của một thời. Đó là những đồ vật biết nói. Nhìn nó, ta nhận ra cuộc sống và con người của một thời, biết được tâm tư và cuộc sống người xưa. Bởi mỗi đồ vật quý, chứa đựng sự huyền bí, tâm tư và ký thác vào đó cả ước mơ của họ.

Vì kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng nên mặc dù đã về hưu nhưng thầy Dụng vẫn được mời giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa với mức 500.000 đồng/ngày, tuy nhiên thầy chỉ nhận 150.000 đồng/ngày, số tiền còn lại dành cho sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Trước hiện trạng học sinh, sinh viên đang “sợ”, bỏ bê môn Lịch sử, với tư cách là một giáo viên dạy Khoa học xã hội, Lịch sử, thầy Dụng hy vọng, dạy lịch sử thông qua các kỷ vật, chính là muốn gửi thông điệp đến các em thông điệp của tương lai. “Mỗi hiện vật đều có thông điệp riêng, thông qua đó nên trân quý di sản do cha ông để lại, điều đó vừa thể hiện lòng yêu nước, vừa thể hiện khát vọng khẳng định chủ quyền dân tộc, từ các hiện vật có thể thấy được trí tuệ, bàn tay khéo léo của cha ông” - thầy tâm sự, trải lòng như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vết bỏng vùng cánh tay của người bệnh P. Ảnh: BVCC.

Bỏng nặng do đốt rác bằng xăng

GD&TĐ - Khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa tiếp nhận 2 trường hợp bị bỏng nặng do đốt rác bằng xăng.