Tại tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19 trong bối cảnh hiện nay?” được tổ chức bởi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, thông tin về việc nếu đã tiêm mũi 1, mũi 2 và sau đó lại mắc Covid-19 thì với những người như vậy, khả năng miễn dịch, phòng dịch sẽ như thế nào? Và ngành y tế đã có sự chuẩn bị gì để triển khai, chỉ đạo các cơ sở y tế tiêm mũi 3, mũi 4?
GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, đối với câu hỏi này sẽ được nghiên cứu một cách đầy đủ hơn.
GS.TS. Phan Trọng Lân nhấn mạnh: "Người ta cho rằng bị mắc sau khi tiêm mũi 1, mũi 2 là coi như tiêm mũi 3. Ở đây, chắc chắn rằng khi mắc thì miễn dịch có tăng lên so với tiêm vắc xin mũi 1, 2. Tuy nhiên, đáp ứng của mỗi người khi mắc rất khác nhau."
"Chuẩn hóa hơn nữa là tiêm vắc xin mũi nhắc lại, tức là mũi 3, mũi 4. Người ta thấy rằng đối với người bị mắc mà tiêm mũi nhắc lại, tức là mũi 3, mũi 4, so với những người mắc mà không tiêm thì miễn dịch của người đã mắc có tiêm vắc xin lâu dài hơn, cao hơn. Có nghĩa là, hiệu lực bảo vệ của họ cao hơn trước các biến thể mới." - GS.TS. Phan Trọng Lân nói.
Kịch bản để phòng chống dịch khi biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện liên tục
Cũng tại tọa đàm, trả lời về việc chúng ta cần có kịch bản như thế nào để phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay, khi biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện liên tục, GS.TS. Phan Trọng Lân cho biết, từ dự báo đối với SARS-CoV-2 là bản chất của nó có sự tiến hóa khôn lường và nếu trong phạm vi đột biến vừa phải, nó trở thành biến thể mới, thậm trí có thể biến thể nhiều hơn nữa, có thể trở thành biến chủng.
Có nghĩa là SARS-CoV-3, 4 có thể xuất hiện.
Theo GS.TS Lân, tuy nhiên, đối với kịch bản hiện nay trên sự tiến hóa như vậy, chúng ta thấy rằng, nếu vẫn như các biến thể phụ thì còn có khả năng đáp ứng của vắc xin.
Thứ hai là nếu không phải nặng thì dù có lây lan nhanh hơn nhưng chúng ta liên tục tiêm những vắc xin theo chỉ định thì chúng ta vẫn đáp ứng được như kịch bản hiện nay.
Có nghĩa là vẫn mở cửa, vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ có khi cần thiết, chúng ta tăng thêm điều trị nếu có sự hơi quá tải.
GS.TS. Phan Trọng Lân nhấn mạnh, nhưng ngược lại, đương nhiên chúng ta phải chuẩn bị cả những tình huống xấu nhất trong dự báo. Đấy là những chủng biến thể mới không còn hiệu quả đối với vắc xin.
Thứ hai là lây lan nhanh và thứ ba là nặng, thậm trí nó kết hợp tất cả. Như vậy bên cạnh các biện pháp và kinh nghiệm trong thời gian qua, thì biện pháp hành chính xã hội có thể cũng phải thiết lập để vì sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết.