Với truyền thống người lính Cụ Hồ, anh cùng các thành viên khác trong Tổ công tác đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao và chiếm được sự tôn trọng của đồng nghiệp quốc tế và sự tin yêu của người dân địa phương.
Thầy giáo mũ nồi xanh
Trung tá Lê Ngọc Sơn từng tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi trong hai năm 2017 - 2018. Là sĩ quan tham mưu tác chiến, làm việc tại trụ sở Phái bộ, anh chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao như tổng hợp thông tin trên toàn bộ lãnh thổ Cộng hòa Trung Phi, thông tin về lực lượng, về di chuyển quân..., các vụ tai nạn, thương vong... tổng hợp, làm báo cáo gửi LHQ, phục vụ cấp trên ra quyết định tác chiến.
Với tâm thế người lính vì dân, Lê Ngọc Sơn luôn tâm niệm sẵn sàng giúp đỡ người dân địa phương với khả năng của mình. Anh thường bổ củi giúp dân, hay vác củi hộ người mua, thậm chí dọn vườn, xách nước.
Khi làm nhiệm vụ tại Phái bộ, Lê Ngọc Sơn luôn xót xa khi thấy trẻ em địa phương không được tới trường do nội chiến, bạo lực, xung đột sắc tộc liên miên, cùng với đó là cuộc sống đói khát, dịch bệnh hoành hành. Các em còn đối mặt với các nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, bị sát hại, bị hãm hiếp hoặc có thể bị dụ dỗ, lôi kéo vào các cuộc xung đột vũ trang.
Vốn là giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, Lê Ngọc Sơn đã hỗ trợ dạy học cho trẻ em châu Phi. Thoạt đầu, lớp học của anh chỉ có 4 cháu trong một khu vườn nhỏ gần nơi anh ở, nhưng sau “thầy giáo” mũ nồi xanh Lê Ngọc Sơn đã trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho 6 lớp học, với hơn 150 học trò.
Anh tâm sự: “Trong vòng 1 năm, tôi đã đem lại một số kiến thức nhất định cho các trò tại Cộng hòa Trung Phi, đồng thời cũng học hỏi được từ các em, và cảm nhận niềm vui nhìn thấy các em tiến bộ hàng ngày, đồng thời truyền cảm hứng học tập, khám phá thế giới, nghiên cứu khoa học cho các em”.
Hỗ trợ người dân phòng Covid-19
Sau khi về nước khoảng 1 năm rưỡi, Lê Ngọc Sơn tiếp tục thực hiện nhiệm kỳ thứ hai tại Nam Sudan. Lần này, anh là quan sát viên quân sự. Nhiệm vụ chính của anh và đồng đội là xuống địa bàn, thu thập, xác minh thông tin, tuần tra, làm báo cáo gửi cấp trên.
Bên cạnh đó, nhóm của anh chịu trách nhiệm giám sát các phe phái đã ký kết hiệp định hòa bình và tham gia hòa giải khi các phe phái, bộ tộc có mâu thuẫn, xung đột.
Tại Nam Sudan, Lê Ngọc Sơn ở trong căn cứ nên không thể ra ngoài hỗ trợ người dân, vì theo quy định, mỗi lần ra ngoài, những người lính gìn giữ hòa bình phải đi hai người. Nếu Sơn mở lớp dạy thì không thể để đồng đội ngồi chờ suốt 2 giờ dạy học.
Thêm vào đó, lúc này cũng là thời điểm đại dịch Covid-19, Cộng hòa Trung Phi đang xảy ra đại dịch, trường học đều đóng cửa để đảm bảo phòng chống dịch, thế nên Lê Ngọc Sơn xác định song song với thực hiện các nhiệm vụ của LHQ, anh tập trung hỗ trợ người dân phòng chống dịch.
Trung tá Lê Ngọc Sơn kể: “Chúng tôi tranh thủ tuyên truyền cho người dân về dịch bệnh, phát tờ rơi về dịch bệnh và cách phòng chống trong mỗi chuyến tuần tra. Chúng tôi cũng cung cấp cho người dân và lực lượng vũ trang địa phương khẩu trang, xà phòng, thùng nước có vòi để rửa tay. Vì tôi là dân kỹ thuật nên tôi đã tìm hiểu, suy nghĩ và tạo ra một thiết bị đơn giản từ thùng và que để làm thùng chứa nước rửa tay, được điều khiển bằng chân”.
Lá cờ đỏ trên luống rau xanh
Sống và làm việc cùng những người lính gìn giữ hòa bình quốc tế, anh nhận thấy nhiều đồng nghiệp người châu Á cũng có thói quen ăn nhiều rau, Lê Ngọc Sơn đã quyết định trồng rau để cung cấp cho mình và chia sẻ với đồng nghiệp.
Anh cho rằng, nếu các đồng nghiệp không phải ra chợ mua rau, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, thì sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm. Đồng nghiệp an toàn thì chính mình cũng an toàn.
Để có một vườn rau xanh mát cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự say mê, đầu tư thời gian và sức lực. Trung tá Lê Ngọc Sơn đã chở khoảng 40 xe cút kít đất tốt và khoảng 15 xe cây cỏ, lá mục để làm phân hữu cơ cho mảnh vườn. Anh chăm chút và bố trí mảnh vườn như một công viên nhỏ với những luống rau hình cánh hoa.
Ở giữa khu vườn nhỏ, trung tá Lê Ngọc Sơn trân trọng cắm lá cờ Tổ quốc. Những cây rau lên tươi tốt khiến các đồng nghiệp quốc tế rất thích thú, thường ra trò chuyện mỗi khi anh làm vườn.
Lê Ngọc Sơn tâm sự: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ người lính gìn giữ hòa bình, mỗi chúng tôi cần có kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, kỹ năng xử lý tình huống với đồng nghiệp, với người dân. Một điều nữa tôi thấy rất quan trọng, đó là sự sẵn sàng.
Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn, sống trong một môi trường an ninh bất ổn, điều kiện thiếu thốn, xa gia đình... Nhưng mỗi chúng tôi đều sẵn sàng lao vào cuộc chiến. Chúng tôi xác định đó là môi trường tốt để rèn luyện và nâng cao trình độ”.