Yêu cầu cao về ngoại ngữ
Thầy Gary Rogers và cô Caroline Rogers là giáo viên giảng dạy tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam theo Chương trình Hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Australia và Bộ Quốc phòng Việt Nam. Nhận nhiệm vụ quan trọng này, các giáo viên Úc và học viên quân nhân cảm thấy rất vinh dự và tự hào.
Có hai yêu cầu cụ thể đối với công việc giảng dạy của thầy Gary và cô Caroline: Đào tạo học viên đạt chuẩn ngoại ngữ theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc. Ví dụ với bác sĩ là 5.5 IELTS. Song song với đó, chuẩn bị cho học viên các kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu. Theo đó, các chuyên gia đưa môn học có nội dung về các vấn đề toàn cầu, gìn giữ hòa bình và giải quyết các tranh chấp trên thế giới vào chương trình đào tạo.
Ngoài ra, thầy Gary Rogers còn đào tạo ngoại ngữ cho các công binh. Có những học viên gắn bó với thầy Gary 6 năm nay, ngay khi khởi động Chương trình Hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Australia và Bộ Quốc phòng Việt Nam. Nhiều học viên trong số đó là công nhân cầu đường, rà phá bom mìn – công việc rất nguy hiểm đòi hỏi sự dũng cảm. Để có thể đạt trình độ cần thiết cần sự kiên trì, nỗ lực rất lớn của các học viên. Dự kiến năm 2019, lứa học viên này có thể xuất quân.
Thầy Gary Rogers và cô Caroline Rogers |
Kỳ thi IELTS - cơ hội duy nhất
Ôn luyện dùi mài, mục tiêu cuối cùng của thầy và trò là kỳ thi IELTS. Khi học viên đi thi IELTS, thầy Gary rất lo lắng. Thầy chia sẻ: Chỉ có một cơ hội thôi. Thực sự rất khó khăn với các học viên vì đây là kỳ thi học thuật. Đôi lúc tôi đoán học viên này không đạt đủ điểm nhưng cuối cùng lại đạt. Nhưng cũng có những bạn tôi trông đợi điểm cao thì đi thi lại điểm thấp.”
Thực sự không chỉ lúc các học viên đi thi mới cảm thấy lo lắng, mà trong quá trình dạy các giáo viên đều đã rất hồi hộp. Họ chỉ có thời gian luyện IELTS trong khoảng 20 tuần. Các giáo viên thường tổ chức thi thử IELTS mỗi tuần, mỗi tháng cho các học viên. Vì nội dung giảng dạy phụ thuộc vào đối tượng học nên có khi đã chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, nhưng khi lên lớp lại có những thay đổi trong từng ngày và đối với từng học viên.
Nhưng điều mà mà các giáo viên cũng như học viên áo xanh luôn quyết tâm, kiên định, đó là làm sao để học viên thi IELTS đạt kết quả cao nhất!
Có những học viên gây ấn tượng mạnh với các giáo viên. Thầy Gary có tham gia dạy ngoại ngữ cho chị Đỗ Thị Hằng Nga - nữ quân nhân đầu tiên mang quốc tịch Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Vì thời gian gấp gáp, chị Hằng Nga có rất ít thời gian để trau dồi ngoại ngữ nhưng với quyết tâm cao, chị đã đạt được mục tiêu đặt ra, hoàn thành các bài test, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần có của một “sứ giả mũ nồi xanh made in Việt Nam” theo những quy chuẩn ngặt nghèo nhất của Liên Hiệp Quốc.
Hay có một học viên tên Hiếu, đã học tiếng Anh cùng thầy Gary cách đây 6 năm. Thầy trò gặp nhau khi trình độ tiếng Anh của Hiếu là con số 0 tròn trĩnh. Vậy nhưng Hiếu đã rất cố gắng học tập, đạt 6.5 IELTS, hiện đang làm trợ giảng cho các lớp học của giáo viên nước ngoài giảng dạy cho quân nhân Việt Nam.
Cô Caroline rất trìu mến khi kể về người trợ giảng của mình, rằng anh luôn là người nhìn vào mắt cô, cười tươi truyền cảm hứng khi cô kể một câu chuyện hay, là cầu nối giúp cô giáo và các học viên hiểu nhau hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne trao đổi với các nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình trong tương lai của Việt Nam và các nữ học viên tiếng Anh của chương trình Hợp tác Quốc phòng Australia – Việt Nam |
Trải nghiệm đặc biệt
Thầy Gary rất thú vị tổng kết câu hỏi các học viên hay hỏi thầy nhất : Thầy ơi, thầy có viên thuốc thần kỳ nào để có thể giúp em nói tiếng Anh nhanh nhất được không. Và câu trả lời của thầy luôn là: Không có viên thuốc thần kỳ nào đâu. Bạn phải chăm chỉ thôi!
Còn cô Caroline - giáo viên trẻ, sang dạy ở Việt Nam được hơn 1 năm, lớp học ở Học viện Quân y cũng chính là lớp đầu tiên cô dạy. Lớp khá đông, mới đầu là 25 người, cuối khóa là 29 người. Thời gian đầu, cô và các học viên đã phải dành khá nhiều thời gian để làm quen với nhau trong một lớp học ngoại ngữ đông học viên như vậy.
Sau một thời gian dạy, cô Caroline cảm thấy gần gũi hơn với học viên, hiểu từng học viên một. “Đừng nghĩ học viên quân nhân luộn cứng nhắc, nghiêm túc. Có những lúc họ cũng rất hồn nhiên, tinh nghịch. Có những lúc cô giáo phải “phanh” lại đấy!” Cô Caroline hóm hỉnh nhận xét.
Trong quá trình giảng dạy, các giáo viên luôn cố gắng để chương trình học luôn vui vẻ. Ngoài giờ học trên lớp, cô Caroline và thầy Gary sử dụng nhiều hoạt động bổ trợ như học trong phòng máy, xem phim,… để chương trình học phong phú, đỡ căng thẳng.
Ví như học về luật lệ của các môn thể thao, cô Caroline cho học viên trải nghiệm môn bóng chày ngoài sân. Các học viên rất hào hứng tham gia. Mọi người mặc phục quân phục, còn cô Caroline thay váy công sở bằng quần soóc để thoải mái chơi thể thao. Và cả lớp cứ cười vui mãi vì hình ảnh kỳ lạ trên sân chơi hôm đó.
Cô Caroline cảm thấy cả lớp gần gũi như một gia đình và hy vọng mọi người sẽ mang theo tinh thần đoàn kết như vậy khi thực hiện các nhiệm vụ quốc tế.