Người kiến tạo những mô hình giáo dục mới cho đất nước

GD&TĐ - Bà con huyện Thới Bình,U Minh nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung thường nhắc đến với niềm tự hào quê hương đã sinh ra cậu học trò nghèo Cao Văn Phường, thuở nhỏ học trường làng nhưng đã trở thành Giáo sư, Viện sĩ, nhà khoa học. Cả đời thầy tâm huyết và gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

 Người kiến tạo những mô hình giáo dục mới cho đất nước

Niềm tự hào của quê hương Thới Bình, U Minh

Năm 1975, tốt nghiệp Tiến sĩ ở nước ngoài, ông trở về công tác tại Viện Đại học Cần Thơ. Hiệu trưởng giao nhiệm vụ xây dựng Khoa Cơ khí Nông nghiệp, lúc bấy giờ ông đã nói: “Tôi là Tiến sĩ Cơ học không phải là Tiến sĩ Cơ khí”. Nhưng Hiệu trưởng động viên ông: “Cơ nào cũng là cơ” cậu sẽ làm được. Lúc bấy giờ Miền Nam mới giải phóng nên các cơ sở giáo dục mới được tiếp quản, hầu như không có được nguồn kinh phí xây dựng cơ sở mới. Từ hai bàn tay trắng Tiến sĩ Cao Văn Phường đã xây dựng nên Khoa Cơ khí Nông nghiệp đầu tiên ở Đồng bằng Sông Cửu Long, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế xã hội cho khu vực.

Năm 1979, ông lại được lãnh đạo trường giao xây dựng Khoa Tại chức nhằm đào tạo cán bộ cho cấp cơ sở ở các địa phương, phần lớn cán bộ ở cơ sở từ chiến khu trở về nên không đủ điều kiện theo học tại chức. Vì vậy ông đề nghị nhà trường xây dựng chương trình đào tạo tại chức mở rộng. Theo chương trình này những học sinh tốt nghiệp THPT(hệ BTVH) không thi đậu vào đại học tập trung được các cơ quan các địa phương tuyển dụng vào biên chế để có chức danh, sau đó gửi họ đến các trung tâm tại chức ở các tỉnh. Trường Đại học Cần Thơ cử giáo viên đến ôn tập và tổ chức thi tuyển vào các lớp tại chức, học theo chương trình kỹ sư thực hành do Đại học Cần Thơ kết hợp với cơ sở các địa phương xây dựng. Sinh viên học tại chức mở rộng học 06 tháng tập trung tại các trung tâm do giảng viên Đại học Cần Thơ phụ trách, 06 tháng trở về cơ sở học thực hành. Cách làm này góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho các địa phương, được các địa phương đồng tình ủng hộ.

Hệ tại chức mở rộng của Đại học Cần Thơ đã tạo điều kiện cho các địa phương hình thành các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các tỉnh. Thầy Cao Văn Phường đã cùng với các thầy, cô hỗ trợ tích cực để hình thành mạng lưới giáo dục đại học cho các tỉnh trong đó có tỉnh Minh Hải (Đại học Bạc Liêu ngày nay) được bắt đầu từ Đại học Tại chức vàTrung tâm Giáo dục Thường xuyên của tỉnh Minh Hải.

Năm 1990, ông được lãnh đạo Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức xây dựng cơ sở giáo dục đại học với hai thử nghiệm về giáo dục mở và cơ sở đại học tự hạch toán. Qua 03 năm thử nghiệm, ngày 26 tháng 7 năm 1993, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Đại học Mở Bán công Tp.HCM. Đây là tin vui không chỉ với thầy, cô của nhà trường mà là tin vui với bà con Cà Mau nói riêng, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, là những nơi có nhiều mối quan hệ với Trường Đại học Mở Bán công Tp.HCM qua chương trình đào tạo từ xa qua Đài tiếng nói Nhân dân Tp.HCM.

Tối nhớ rất rõ, từ năm 1993, ở hầu hết các huyện tỉnh Cà Mau từ Thới Bình, U Minh, Đầm Dơi, Ngọc Hiển đến vùng đất mũi, sáng sớm hệ thống loa truyền, đài phát thanh đều tiếp, phát sóng chương trình đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Mở Bán công Tp.HCM do Đài tiếng nói Nhân dân Tp.HCM phát sóng. Hầu hết các anh, em các cơ quan chúng tôi sáng sớm đều chăm chú theo dõi học chương trình đào tạo từ xa trên đài. Qua chương trình học giúp chúng tôi hiểu dần về nền kinh tế thị trường, không thể nói khác chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh của Đại học Mở là sự chuẩn bị rất thiết thực nguồn nhân lực để đất nước hòa nhập vào nền kinh tế thị trường vào những năm sau đó.

Nặng tình với quê hương

Năm 2005, tôi về công tác tại huyện Thới Bình với cương vị Phó Bí thư thường trực và sau đó là Bí thư Huyện ủy nên có điều kiện gặp thầy thường xuyên. Thầy thường về quê hương hỗ trợ nhiều chương trình như: Nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây hàng chục nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho những gia đình có công với cách mạng, chuyển giao công nghệ xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng sâu vùng xa, tổ chức các lớp chuyển giao công nghệ.

Năm 2006, nhân chuyến về làm việc với lãnh đạo tỉnh, thầy ghé thăm huyện Thới Bình và huyện U Minh, thầy thăm hỏi tình hình của huyện đặc biệt về giáo dục. Thầy hỏi “Huyện đang tập trung giải quyết vấn đề gì?”, chúng tôi thưa với thầy hiện nay đội ngũ cán bộ của huyện và các xã cần học tập nâng cao trình độ văn hóa chuyên môn nghiệp vụ, mà kinh phí của tỉnh hạn chế nên mỗi năm chỉ có vài đồng chí được đi học; các trường học thiếu thốn trang thiết bị đặc biệt thiếu máy tính cho các em học; huyện đang thực hiện xã hội hóa đường xá và cầu giao thông nông thôn, các em học sinh đi học phải qua đò ngang Kênh Xáng Chắc Băng rất vất vã. Thầy rất thông cảm với tình hình của huyện. Ngay hôm đó thầy hứa giải quyết hỗ trợ kinh phí và tổ chức lớp bồi dưỡng cho cán bộ huyện xã theo dạng tại chức, hỗ trợ cho các trường 40 máy tính và hứa sẽ vận động tài trợ xây cầu Kênh Xáng Chắc Băng. Ở huyện U Minh, thầy hứa sẽ hỗ trợ xây trường mầm non.

Ngày 10 /12 /2010, bà con xã Trí Phải, huyện Thới Bình vui mừng làm lễ khánh thành cầu Thầy dài 136m, ngang 3.5m, tải trọng 05 tấn bắc ngang qua Kênh Xáng Chắc Băng. Bác tám (80 tuổi) sống tại xã Trí Phải thay mặt bà con đã phát biểu trong lễ khánh thành: “Đây là mơ ước cả đời tôi, nay đã thành hiện thực, cám ơn Đảng Nhà nước, Trường Đại học Bình Dương đã cho bà con cây “Cầu Thầy” tạo điều kiện cho con em chúng tôi đi học không phải đi đò, bà con chúng tôi hai bờ kênh qua lại giao lưu thuận tiện”. Cũng trong cùng ngày Trường mẫu giáo Bạch Dương khánh thành tại thị trấn U Minh. Ông Serioda -Tổng Thư ký Hội Nga – Việt hữu nghị chứng kiến lễ khánh thành Trường Bạch Dương (Beriogia) xúc động phát biểu: “Tôi rất xúc động, không ngờ giữa rừng U Minh có một ngôi trường lấy tên “Bạch Dương”, Bạch Dương là loài cây đặc trưng cho quê hương nước Nga chúng tôi, cám ơn các bạn đã đặt tên Bạch Dương cho trường mầm non giữa rừng U Minh để ghi nhớ đến tình hữu nghị hai dân tộc chúng ta”.

Năm 2008, theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh, thầy và Hội đồng Quản trị nhà trường đã thống nhất đầu tư xây dựng tại thành phố Cà Mau Phân hiệu Đại học Bình Dương – Cà Mau. Với tâm huyết hết lòng vì quê hương thầy đã trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công việc xây dựng Phân hiệu. Đến tháng 12 năm 2010, nhà trường hoàn tất việc xây cất và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động. Đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên được phép thành lập tại Cà Mau.

Quả thực, thầy Cao Văn Phường hơn 40 năm hành trình đến nền giáo dục mở được lãnh đạo giao nhiều trọng trách, từ hai bàn tay trắng không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng đã dấn thân vì sự phát triển giáo dục nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.