Lý giải về trường hợp tái nhiễm Covid-19

GD&TĐ - Ngày 24/8, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, bệnh nhân 348 được ghi nhận tái dương tính với Covid-19 sau nửa tháng xuất viện. Tái nhiễm Covid-19 là khi một người đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, có một thời gian dài sạch virus. Sau đó, người này nhiễm lại và nuôi cấy virus có phát triển.

Các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Hoà Vang được công bố khỏi bệnh ngày 25/8. Ảnh: CDC Đà Nẵng
Các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Hoà Vang được công bố khỏi bệnh ngày 25/8. Ảnh: CDC Đà Nẵng

Ghi nhận ca tái dương tính

BN348 (39 tuổi), trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, sống tại Rumani và từ Thụy Điển nhập cảnh về sân bay Nội Bài ngày 6/6. Sau đó, người này được cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Bệnh nhân cùng vợ và 3 con được xét nghiệm Covid-19 lần 2 vào ngày 18/6. Kết quả cho thấy, 5 người đều dương tính với SARS-CoV-2. Gia đình bệnh nhân 348 được chuyển cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 từ ngày 19/6. Ngày 8/8, 5 người được ra viện và cách ly tại nhà.

Ngày 13/8, bệnh nhân cùng vợ và 3 con được Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm sau ra viện, kết quả âm tính. Đến ngày 22/8, gia đình BN348 được lấy mẫu lần 2. Kết quả của bệnh nhân là dương tính với virus SASR-CoV-2 .

BN348 đã được chuyển trở lại Bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Vợ và 3 con của bệnh nhân cách ly tại nhà.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận tái dương tính với Covid-19. Trước đó, Bộ Y tế công bố nhiều trường hợp tái dương tính sau một thời gian điều trị và nhiều lần cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Một số trường hợp là: Bệnh nhân 36, 50, 52, 74, 130, 137, 149, 188... Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tái dương tính nào lây cho người khác.

Thế giới liên tiếp ghi nhận ca tái nhiễm

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông cho rằng, việc ghi nhận những ca tái nhiễm là “tin xấu”. Bởi, nếu khả năng miễn dịch mất đi chỉ sau vài tháng, hiệu quả của vắc-xin cần phải được xem xét lại. Trong khi đó, nhà nghiên cứu người Bỉ Marc Van Ranst nhận định, để tránh tình trạng tái nhiễm Covid-19, người dân cần tiêm nhắc lại vắc-xin hằng năm, hoặc 2 - 3 lần/năm. 

Mới đây, Hồng Kông ghi nhận trường hợp đầu tiên trên thế giới tái nhiễm Covid-19. Người này nhiễm bệnh lần đầu vào cuối tháng 3 với các triệu chứng ho có đờm, sốt, đau họng và đau đầu. Sau đó, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 26/3. Ngày 14/4, người này khỏi bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 liên tục trong hai lần cách nhau 24 giờ.

Khoảng hơn 4 tháng sau, bệnh nhân được ghi nhận dương tính với Covid-19 khi xét nghiệm sàng lọc tại một sân bay ở Hồng Kông vào ngày 15/8. Trước đó, bệnh nhân có chuyến đi Tây Ban Nha và quá cảnh tại Anh. Dữ liệu lâm sàng cho thấy, người này bị lây nhiễm cấp tính. Tuy nhiên trong suốt thời gian ở viện, bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.

Ngày 25/8, Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia Hà Lan NOS đưa tin, một bệnh nhân ở nước này và tại Bỉ vừa được xác nhận tái nhiễm virus SARS-CoV-2. NOS dẫn lời chuyên gia về virus của Chính phủ Hà Lan - bà Marion Koopmans, cho biết, bệnh nhân đã cao tuổi, bị suy giảm hệ thống miễn dịch. Theo chuyên gia, cần phải kiểm tra gen của virus SARS-CoV-2 trong cả 2 lần mắc để xem chúng có gì khác biệt, cũng như nghiên cứu liệu việc tái nhiễm có xảy ra thường xuyên không.

Trong khi đó, chuyên gia về virus người Bỉ Marc Van Ranst thông báo bệnh nhân tại nước này chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Ông cùng đồng nghiệp đã phân tích bộ gen của virus trong hai lần người này mắc tại phòng thí nghiệm. Kết quả sau 3 tháng khỏi bệnh, bệnh nhân tái nhiễm với virus SARS-CoV-2 có thể biến thể, với 11 dấu hiệu đột biến.

Sự khác biệt giữa tái dương tính và tái nhiễm

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, khả năng lây nhiễm của những bệnh nhân đã âm tính 3 lần sau điều trị là rất thấp, khác với khi dương tính lần đầu.

Theo chuyên gia này, số lượng bệnh nhân càng nhiều, xác suất tái dương tính càng cao. Việc người nhiễm Covid-19 dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh có 3 nguyên nhân chính. Bệnh nhân có thể còn mang trong mình tế bào virus đang hoạt động nên nó nhân trở lại. Một khả năng khác là các mảnh virus được tích lũy vào hầu hoành họng, do từ phổi bị đẩy lên hầu họng. Cuối cùng là do sai sót trong xét nghiệm, từ việc lấy mẫu, vận chuyển...

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương giải thích, tái nhiễm là trường hợp đã khỏi hẳn bệnh, sau một thời gian tiếp tục mắc bệnh lần thứ hai. Trong khi đó, tái dương tính là trạng thái bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, có giai đoạn xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính.

Xét nghiệm Realtime-PCR chỉ xác định được ARN của virus. Do đó, trong một số trường hợp, dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn còn xác tồn lưu trong mô và bệnh phẩm lấy được, nên kết quả dương tính. Đây được coi là trường hợp tái dương tính.

Trong khi đó, một người tái nhiễm Covid-19 là khi đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, có một thời gian dài sạch virus. Tuy nhiên, sau đó, người này nhiễm lại và nuôi cấy virus có phát triển. Điều này có nghĩa là ở lần nhiễm sau, bệnh nhân mang virus sống và không phải mảnh xác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ