Người khỏi Covid-19 có bị nhiễm biến thể phụ BA4, BA.5 không?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những người đã mắc Covid-19 biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Âu liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biển chúng Omicron.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng.

Nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin mũi cơ bản hoặc đã từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vắc xin cho trẻ em.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%.

Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, đến tháng 12/2021, thậm chí đến tháng 2/2022, Việt Nam gần như đã bao phủ được hết các mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cơ bản.

Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm.

Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa.

Bộ Y tế nhấn mạnh, vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Do đó, cần đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ để duy trì miễn dịch cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ