"Người hùng" World Cup bị bỏ rơi!?

GD&TĐ - Hậu vệ Nguyễn Thị Mỹ Anh là một trong những người hùng của đội tuyển nữ Việt Nam trong chiến tích giành vé dự World Cup nữ 2022. Vậy nên, việc Mỹ Anh không được gọi lên tuyển chuẩn bị SEA Games 31 là bất ngờ lớn…

Hậu vệ Mỹ Anh (số 25) trong màu áo Câu lạc bộ nữ Thành phố Hồ Chí Minh.
Hậu vệ Mỹ Anh (số 25) trong màu áo Câu lạc bộ nữ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Chung lảng tránh “sự thật”

Tại Vòng chung kết ASIAN Cup nữ 2022, Mỹ Anh được bố trí vai trò hậu vệ và cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. 6 trận đấu tại Ấn Độ, cô gái sinh năm 1994 thi đấu đội hình chính cả 6 và đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng của hàng thủ tuyển nữ Việt Nam.

Mỹ Anh cũng bị Covid-19 tại Tây Ban Nha nên nằm trong nhóm cầu thủ thứ 2 của đội tuyển nữ Việt Nam sang Ấn Độ muộn hơn nhưng khá may mắn là cô kịp khỏi trước trận đầu tiên gặp Hàn Quốc.

Nền tảng thể lực dẻo dai, Mỹ Anh chốt chặn, cảm hứng cho cả hệ thống phòng ngự đội nữ Việt Nam. Không chỉ phòng thủ an toàn, cô còn tham gia hỗ trợ tấn công cùng với tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung, giúp cánh trái của chúng ta trở nên nguy hiểm hơn.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung đánh giá cao Mỹ Anh về sự cần mẫn, năng nổ, luôn ra sân với ý chí thi đấu tuyệt vời. Tuy nhiên, khi đội tuyển nữ quốc gia tập trung chuẩn bị cho SEA Games 31, Mỹ Anh không được triệu tập.

Theo huấn luyện viên trưởng Mai Đức Chung chia sẻ: “Quyết định không triệu tập Mỹ Anh cũng bình thường. Các cầu thủ có phong độ tốt thì chúng tôi gọi, còn chưa tốt thì chưa thể gọi, đó là nguyên tắc huấn luyện của tôi. Tuy nhiên, không vì thế mà sau này tôi sẽ không gọi Mỹ Anh, nếu tới đây, các bạn có phong độ tốt, tôi lại mời lên tuyển.

Ở đội tuyển quốc gia nam, ông Park Hang Seo cũng hoàn toàn có thể không gọi Quế Ngọc Hải, đấy là chuyện bình thường. Với đội tuyển, chúng tôi luôn mở cửa với các cầu thủ có phong độ tốt”.

Câu chuyện tưởng như đơn giản như lời ông Chung nói. Nhưng thực tế hoàn toàn khác với những gì mà huấn luyện viên mới được tung hô phát biểu. Ở góc độ chuyên môn, Mỹ Anh cũng như các đồng đội khác sau khi trở về từ Ấn Độ không tham dự giải đấu nào cấp câu lạc bộ, không đá giao hữu. Vậy căn cứ vào đâu ông Chung cho rằng không gọi Mỹ Anh vì lý do phong độ? Ông Chung dựa vào thông số chuyên môn, tiêu chí nào để loại học trò Mỹ Anh?

Tất nhiên, quyền gọi cầu thủ nào, không gọi cầu thủ nào còn phụ thuộc vào toan tính về chiến thuật, lối chơi và quyết định của huấn luyện viên Mai Đức Chung. Nhưng ở tầm quốc gia thì mọi thứ cần công bằng, khách quan, tránh sự khuất tất nào đó nếu có.

Là người thầy của Mỹ Anh, trực tiếp cầm quân tại Ấn Độ, ông Chung phải biết rõ nhất Mỹ Anh có xứng đáng lên tuyển tham dự sân chơi ao làng SEA Games hay không? Nữ tuyển thủ này có phù hợp với sơ đồ chiến thuật ông đang xây dựng và áp dụng ở đội tuyển không?

Huấn luyện viên Mai Đức Chung đề cập đến đồng nghiệp Park Hang Seo trong cách dùng người, ở đây là trường hợp cụ thể Quế Ngọc Hải. Nhưng ông Chung quên mất một điều, việc loại Mỹ Anh ở đội tuyển nữ quốc gia và Quế Ngọc Hải ở đội tuyển nam khác nhau về bản chất.

Quyết định tước băng đội trưởng của Hải, hay không sử dụng cầu thủ này vào thời điểm hiện tại của ông Park xuất phát từ nhiều yếu tố. Nhưng về chuyên môn, ông Park đang có nhiều trung vệ tốt tương đương như Hải, và đặc biệt chiến lược gia người Hàn đã có cả quá trình tìm kiếm và xây dựng thành công những trung vệ kế cận, như Thành Chung.

Đội tuyển nữ quốc gia tập trung chuẩn bị cho SEA Games 31.

Đội tuyển nữ quốc gia tập trung chuẩn bị cho SEA Games 31.

Điều đó cho thấy, ông Park nếu có loại bỏ Quế Ngọc Hải là quyết định được toan tính chiến lược cho đội tuyển Việt Nam và ông thầy người Hàn hành xử rất công tâm. Còn quyết định loại Mỹ Anh của huấn luyện viên Mai Đức Chung không hẳn đã được dựa trên yếu tố chuyên môn.

Thực tế ông Chung có vẻ rơi vào thế “bị động”, hoặc chịu sức ép nào đó để đi đến quyết định loại học trò Mỹ Anh, cầu thủ vốn có phong độ tốt và góp phần làm nên tên tuổi ông Chung tại Vòng chung kết ASIAN Cup nữ vừa qua. Phải chăng đây chính là sự khác biệt giữa thầy nội và thầy ngoại?

Nhân nói đến Quế Ngọc Hải, không biết ông Chung có nhớ ngày 8/3/2016, Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ra quyết định giảm án cho trung vệ Sông Lam Nghệ An. Trước đó, Quế Ngọc Hải bị treo giò 6 tháng ở tất cả các giải đấu trong nước từ 18/9/2015 đến 18/3/2016. Mức phạt này xuất phát từ vụ Hải vào bóng nguy hiểm, khiến Anh Khoa chấn thương nặng trong trận đấu với Đà Nẵng ở V-League 2015. Bên cạnh án treo giò, Ngọc Hải còn phải chi trả toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương 830 triệu đồng của Anh Khoa ở Singapore.

Quyết định giảm án cho Quế Ngọc Hải của Ban Kỷ luật đúng vào thời điểm huấn luyện viên trưởng Nguyễn Hữu Thắng chuẩn bị rút lại danh sách đội tuyển được xem là những sắp xếp có chủ đích. Là điểm nhấn để mở đường cho tân huấn luyện viên trưởng đưa Quế Ngọc Hải trở lại đội tuyển thi đấu hai trận còn lại của vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á gặp Đài Loan (24/3) và Iraq (29/3).  

Nhắc lại chuyện cũ để cho thêm dữ liệu về vấn đề, nhân sự đội tuyển trong tay thầy nội còn có nhiều vấn đề bên cạnh chuyên môn.

Tất nhiên, có thể đội tuyển nữ Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều khi vắng Mỹ Anh ở SEA Games sắp tới. Theo danh sách tập trung 31 cầu thủ, đội tuyển có sự góp mặt của nhiều cầu thủ trẻ. Theo lời huấn luyện viên Mai Đức Chung, Thanh Nhã, Thu Thương và một số cầu thủ trẻ khác cũng đang tiến bộ. Nhưng nếu ông Chung bỏ rơi học trò vì lý do ngoài chuyên môn thì đó là câu chuyện khác, rất khác.

Và nếu khả năng này là đúng, thực tế đúng như thế, ông Chung đã thiếu đi sự dũng cảm cần thiết. Ông có thể tạm thời chưa triệu tập Mỹ Anh, để cầu thủ này giải quyết việc riêng, nhưng nếu đã hiểu việc, ông cần bảo vệ học trò, đề nghị các bên liên quan hành xử đúng luật, quy chế.

Ai đó có thể cho rằng, ông Chung không nhất thiết phải nói lên sự thật, song là người có tiếng nói và hình như ông Chung còn có tên trong Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia (thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam), thì phát biểu đúng của ông về Mỹ Anh rất nhiều ý nghĩa. Đằng này, ông đề cập đến lý do “phong độ” và “vắng Mỹ Anh không phải vấn đề lớn”…

Mỹ Anh (số 22) ăn mừng đồng đội ở trận thắng Thái Lan tại ASIAN Cup nữ 2022.

Mỹ Anh (số 22) ăn mừng đồng đội ở trận thắng Thái Lan tại ASIAN Cup nữ 2022.

Vì sao Mỹ Anh bị loại?

Theo tìm hiểu, Mỹ Anh, trưởng thành tại câu lạc bộ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đang vướng tranh chấp chuyển nhượng giữa đơn vị chủ quản và câu lạc bộ Thái Nguyên. Đây chính là lý do khiến nữ cầu thủ sinh năm 1994 đang có phong độ cực tốt không có tên trong danh sách đội tuyển nữ quốc gia tập trung chuẩn bị cho SEA Games 31.

Thời gian qua, câu lạc bộ Thái Nguyên được sự hậu thuẫn của nhà tài trợ đã lên kế hoạch chiêu mộ các cầu thủ chất lượng nhằm cải thiện thành tích. Lãnh đạo đội bóng nữ Thái Nguyên ban đầu lên danh sách sẽ lấy 7 cầu thủ của đội nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, hai tuyển thủ quốc gia được đề nghị chuyển nhượng là tiền đạo Huỳnh Như (1 tỉ đồng cho 2 năm hợp đồng) và trung vệ Chương Thị Kiều (700 triệu đồng cho 2 năm hợp đồng). Nhưng bộ đôi cầu thủ này đều không muốn rời Thành phố Hồ Chí Minh nên đội nữ Thái Nguyên quyết định chỉ lấy hậu vệ tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Mỹ Anh và cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam Lê Hoài Lương. Đây là hai cầu thủ đã kết thúc hợp đồng từ cuối năm 2021.

Được biết, Mỹ Anh sẽ nhận lót tay 500 triệu đồng cho 2 năm hợp đồng, lương 20 triệu đồng/tháng. Còn Hoài Lương sẽ nhận lót tay 400 triệu đồng/2 năm hợp đồng, lương 15 triệu đồng/tháng. Đây là lần đầu tiên có đội bóng sẵn sàng trả tiền chuyển nhượng và trả rất cao cho cầu thủ nữ như thế.

Trong bối cảnh cầu thủ nữ ở Việt Nam có thu nhập không cao (trung bình 5 triệu đồng/tháng), mức trả cao như thế khiến Mỹ Anh và Hoài Lương quyết định không tái ký hợp đồng với câu lạc bộ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí, cả hai đã bỏ tập và rời đội, không chịu thương thảo hợp đồng.

Chuyện tưởng chừng đơn giản. Hết hợp đồng, cầu thủ trở thành tự do, được quyền tìm kiếm, thương thảo với đội bóng mới. Nhưng thực tế, Mỹ Anh đề đạt nguyện vọng ra đi và chưa được giải quyết. Về vấn đề này, Sở Văn hóa-Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Cầu thủ không muốn chơi với mình nữa thì tạo điều kiện cho đi bởi đời vận động viên ngắn mà. Chúng tôi chỉ lấn cấn nếu cho đi dễ dàng sẽ ảnh hưởng toàn đội. Bóng đá nữ ở Việt Nam chưa phải là chuyên nghiệp như các đồng nghiệp nam. Ngay ngân sách hoạt động của câu lạc bộ cũng đều do ngân sách Nhà nước cung cấp”.

Hiện nay, câu lạc bộ nữ Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm được rót 15 tỉ đồng từ ngân sách để nuôi 100 cầu thủ ở ba tuyến. Trong đó, khoản chi đào tạo cho các cầu thủ trẻ từ 12 - 13 tuổi là không nhỏ. Đó cũng là lý do đội nữ Thành phố Hồ Chí Minh không thể để cho cầu thủ nữ do mình đào tạo từ ngân sách Nhà nước ra đi như thế dù là đã hết hợp đồng. Chưa kể, nếu giải quyết không khéo, nó sẽ tạo tiền lệ xấu cho cả câu lạc bộ nữ Thành phố Hồ Chí Minh sau này, cầu thủ sẵn sàng ra đi khi có đề nghị hấp dẫn.

Mỹ Anh, theo tìm hiểu, cũng đang tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua các luật sư. Ở đây, tính đúng sai của 2 bên còn quá sớm để kết luận. Nhưng có vẻ như phía câu lạc bộ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đuối lý hơn so với Mỹ Anh. Về nguyên tắc, Mỹ Anh đã hết hợp đồng với đội Thành phố Hồ Chí Minh và cô có quyền ra đi, được thương thảo hợp đồng với bất cứ đội nào nếu 2 bên có thiện chí, thống nhất được về chế độ. Đội nữ Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ là một trong số những đội Mỹ Anh có thể sẽ ký hợp đồng mới như những đội bóng nữ khác.

Thế cho nên, ràng buộc Mỹ Anh phải thương thảo hợp đồng mà đội nữ Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra chỉ mang tính hình thức. Hậu vệ sinh năm 1994 có thể ngồi lại thương thảo với đội bóng cũ và từ chối ký mới để đến Thái Nguyên, nơi trả lương cao, phí lót tay khủng trong làng bóng đá nữ.

Ngay cả lý do “cầu thủ sẵn sàng ra đi khi có đề nghị hấp dẫn” mà lãnh đạo đội Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra cũng không thuyết phục. Đặt ngược câu hỏi, tại sao đội nữ Thành phố Hồ Chí Minh không phải là sự lựa chọn, ưu tiên hàng đầu của những cầu thủ đang và sẽ hết hợp đồng? Lý do này giống như đưa bóng đá nữ trở về thời kỳ bao cấp, nặng tính xin cho.

Ngay cả đội nữ Thành phố Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, “có thể hợp đồng chúng tôi quy định bị lỏng lẻo và sắp tới phải rút kinh nghiệm”, đồng thời họ có vẻ như gây sức ép với phát biểu “nhưng trước mắt, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải bảo vệ đơn vị đào tạo vận động viên, quyền lợi của đơn vị mới - cũ, của vận động viên chứ nếu không chẳng ai muốn đào tạo trẻ”. Có phải vì “quả bóng trách nhiệm” đang nằm trong chân Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nên Mỹ Anh bị cắt suất lên tuyển?

Ngoài ra, đội nữ Thành phố Hồ Chí Minh còn nhắn nhủ câu lạc bộ nữ Thái Nguyên trao đổi trực tiếp chứ không thể tự tiếp cận và lôi kéo cầu thủ hết hợp đồng. Vấn đề đặt ra đội nữ Thái Nguyên có làm đúng luật không? Nếu sai đội nữ Thành phố Hồ Chí Minh có thể kiện? Ra tòa là cách hành xử văn minh hơn là những quyết định cảm tính và những “chiêu trò” không đẹp.

Ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu Thể thao Thái Nguyên, cho biết: “Chúng tôi cũng sẽ nhờ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vào cuộc để xác minh và làm rõ, yêu cầu câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh trả lời một lần nữa về tình trạng hợp đồng của các cầu thủ này để xác nhận xem họ được đi hay chưa. Đơn vị cũng mong muốn quyền lợi và mong muốn của cầu thủ được đảm bảo. Ngoài hợp đồng đã hết hạn, không biết còn văn bản nào liên quan, ràng buộc nữa không?”.

Vậy nên, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần nhanh chóng vào cuộc để có được quyết định hợp tình, hợp lý. Nếu không giải quyết thành công, Mỹ Anh có thể sẽ không được khoác áo đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup nữ 2023 chứ không chỉ nguy cơ mất SEA Games 31. Đừng để Mỹ Anh bị bỏ rơi một lần nữa!

Theo kế hoạch, nhận lời mời của Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc, đội nữ Việt Nam  sẽ có 2 trận đấu với đội tuyển nữ Hàn Quốc dự kiến vào ngày 9 và 12/4. Sau đó, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung sẽ đá giao hữu với 3 câu lạc bộ nữ hàng đầu Hàn Quốc. Ngày 21/4, đội nữ sẽ về Việt Nam, tập huấn ở Quảng Ninh, chuẩn bị cho SEA Games 31. Mục tiêu của đội là bảo vệ tấm Huy chương Vàng SEA Games. Tháng 7/2022, đội nữ Việt Nam tham dự giải bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á và tháng 9 là ASIAD 19 tại Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.
Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.