Người học và xã hội luôn đặt niềm tin vào người thầy

Người học và xã hội luôn đặt niềm tin vào người thầy

(GD&TĐ) - Ngày 8/11 tại TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Người thầy - Nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo” nhằm khẳng định yếu tố quan trọng của người thầy và nâng cao vị thế của đội ngũ nhà giáo trong nhà trường và xã hội.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đi vào phân tích các nhóm vấn đề: Các chủ trương, chính sách để phát huy đội ngũ nhà giáo, chuẩn mực của người thầy trong xã hội hiện nay, sự quan tâm của người thầy trong xã hội hiện nay và những góp ý đối với lĩnh vực GD-ĐT  từ góc nhìn của người dạy và người học.

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo đã và đang trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước. Có thể nói, nhà giáo là linh hồn của nền giáo dục, hình thành và tạo nên nhân cách cho người học. Động lực thúc đẩy người thầy luôn say mê trên bục giảng chính là các chữ: Tin- Yêu - Tinh thần trách nhiệm như PGS.TS Nguyễn Tấn Phát đã đúc kết.

Các tham luận phân tích những yếu tố cần có của người thầy, về cái tâm, cái đức, cái tài. Người thầy hiện nay không chỉ truyền dạy kiến thức mà phải là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, luôn luôn trau dồi kiến thức.

Nhiều ý kiến bàn về chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên để họ yên tâm làm nhiệm vụ “trồng người”; mong toàn Đảng, xã hội, nhất là các doanh nghiệp cũng phải phối hợp, tham gia với người thầy trong đào tạo, cố gắng nâng cao trình độ để cạnh tranh về môi trường giáo dục với nước ngoài.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng: Không sống được bằng lương Nhà nước, nhà giáo phải tự cứu lấy mình, trước hết bằng nghề chuyên môn của mình. Trong cuộc mưu sinh, nhiều người không giữ được phẩm và thế là dạy thêm, học thêm bị xem là hành vi tiêu cực.

Mỗi người thầy không ai muốn ngoài giờ dạy và làm việc cả ngày trong trường lại phải tiếp tục xách cặp đi dạy thêm, nhưng cũng có nhiều người đã làm và đang làm, vì nhiều nguyên do khác nhau, nhưng chắc chắn không phải vì để làm giàu mà là cách vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cao quý - nhà giáo.

Người học và xã hội luôn đặt niềm tin vào người thầy về năng lực cũng như về phẩm chất đạo đức. Vượt qua những tác động của xã hội vào nhân cách của người thầy là đòi hỏi người thầy phải luôn luôn phấn đấu, rèn luyện. Xã hội phải thấy được cuộc sống của người thầy, phải thấy được những khó khăn của người thầy trong giảng dạy, trong cuộc sống. Rất cần thiết phải có được chính sách bền vững cho người thầy.

Lan Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ