Người gieo mầm hạt giống yêu thương

GD&TĐ - Nhiều năm qua, cô Lê Thị Hòa, Trường Tiểu học Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) miệt mài gieo chữ, mang đến ánh sáng tri thức và niềm hy vọng cho những trẻ em bị khuyết tật không thể đến trường. Cô đồng thời thành lập lớp học tình thương tại chùa Hương Lan (gần Trường Tiểu học Đông Sơn), trở thành người mẹ thứ hai của trẻ thiệt thòi.

Cô Lê Thị Hòa – người mẹ thứ hai của HS khuyết tật.
Cô Lê Thị Hòa – người mẹ thứ hai của HS khuyết tật.

Tấm lòng nhà giáo 

Câu chuyện về mở lớp học tình thương của cô Lê Thị Hòa bắt đầu từ năm 1993 khi  còn là GV Trường Tiểu học Trường Yên, huyện Chương Mỹ. Lúc ấy cô Hòa được phân công tham gia giảng dạy lớp học tình thương do trường mở cho 9 HS bị nhiễm chất độc da cam. Các em không thể theo học hòa nhập vì đi lại yếu và mức độ tiếp thu chậm. Càng dạy, cô Hòa thấm thía những khó khăn khi dạy trẻ khuyết tật. Bởi để dạy một HS bình thường, các cô phải dành nhiều tình thương, sự kiên nhẫn. Thế nhưng để dạy những trẻ mang trong mình thiệt thòi, điều đó nhân lên gấp bội. 

Tưởng chừng sự vất vả khi dạy trẻ khuyết tật khiến cô Hòa nản chí, nhưng chính nỗi thương cảm với những mảnh đời bất hạnh đã thôi thúc cô phải làm điều gì đó cho các em. Năm 1997, cô Lê Thị Hòa chuyển công tác về làm GV kiêm Tổng phụ trách đội tại Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Canh cánh trong lòng mong muốn giúp được nhiều trẻ khuyết tật có được cái chữ, năm 2002, cô Hòa quyết định mở lớp dạy cho 14 em khuyết tật không có khả năng đến trường tại nhà riêng ở thôn Quyết Hạ, xã Đông Sơn. Lớp học rộng chưa đến 10m2 với một số bộ bàn ghế cũ mua lại; sách vở, bút, bảng, phấn cô trang bị cho các em. 

Nhớ lại những ngày đầu mới mở lớp và cơ duyên với lớp học tình thương tại chùa Hương Lan, cô Hòa cho biết: Lớp học tại nhà được HS quý mến tin yêu và tìm đến học ngày một đông. Nhưng do nhà chật, các em lại khao khát được đi học, vì vậy trong một lần đi lễ, tôi ngỏ ý mượn nhà khách của chùa để dạy học cho các em. Được sự đồng thuận và ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của nhà chùa, lớp học khai giảng vào ngày 14/9/2007 với tổng số 16 em khuyết tật và 28 HS của Trường Tiểu học Đông Sơn. 

“Qua một năm, 28 HS đã đọc thông viết thạo. Các em khuyết tật học tập  có nhiều tiến bộ. Một số em bị khuyết tật ở 9 xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ biết tin cũng đến xin học, nâng tổng số HS khuyết tật của lớp lên 32 em” – cô Hòa bộc bạch. 

Xúc động tình thầy trò

Niềm vui bên học trò.
Niềm vui bên học trò.  

Khó có thể nói hết những khó khăn vất vả cả thầy và trò ở lớp học tình thương này, bởi theo chia sẻ của cô Hòa, có những lúc tưởng chừng không thể duy trì vì các em hay ốm, thường xuyên phải đi viện, sách vở thiếu. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của các phật tử và SV tình nguyện các trường ĐH ở Hà Nội, đặc biệt là sự động viên của sư thầy trụ trì chùa Hương Lan Thích Đàm Tiền cùng sự hiếu học, khao khát được học của những HS khuyết tật, lớp học được duy trì  đến nay. 

Không giấu được cảm xúc khi được hỏi về những HS ở lớp học tình thương, cô Lê Thị Hòa kể: Hiện, lớp học tình thương tại chùa Hương Lan có 64 HS ở nhiều độ tuổi với nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Em Nguyễn Thùy Dung, 17 tuổi bị khuyết tật chân tay, miệng không mím được, nói và phát âm khó, mặc dù nhà ở Hoài Đức, cách lớp 23km, nhưng cứ thứ 7 và Chủ nhật, em được bố mẹ đưa đến lớp. Sau thời gian theo lớp, Dung tiến bộ rõ rệt. Em biết đọc, viết và sử dụng thành thạo máy vi tính.

Em Đỗ Văn Tuấn, 16 tuổi, bị bệnh Down, nhà ở huyện Mỹ Đức, cách lớp 20km cũng không nghỉ buổi nào và rất ngoan khi đến lớp. Có những em bị tự kỷ nặng, khó bảo, nhưng khi đến lớp, các em rất ngoan và có ý thức nghe theo cô. Đặc biệt, lớp học có em Cấn Thị Khuê, 19 tuổi bị khuyết tật nặng. Qua 12 năm học ở lớp học tình thương chùa Hương Lan, em đã tự đi đứng được, đọc thông, viết thạo, làm tính toán tốt và ước mơ trở thành cô giáo để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh như mình. Vui nhất là từ lớp học này, có 2 thành viên đã đi làm tự nuôi sống bản thân, đó là em Nguyễn Thị Miền, sinh năm 1986 và em Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1983 ở Trung Hoàng, Thanh Bình, Chương Mỹ.

“Dạy trẻ khuyết tật giống như nghệ nhân vuốt gốm sứ, lúc cần cương quyết, lúc lại mềm mỏng nhẹ nhàng nhưng trên hết là nâng niu, gửi gắm trọn niềm tin vào trẻ. Chỉ có vậy, các em mới mở lòng và dịu đi cơn bạo bệnh. Thế nhưng, nhiều lúc tôi cũng phải khóc theo học trò của mình. Có những ngày trái gió trở trời, nhiều em bị đau đầu dữ dội, các em gào thét, cào cấu liên hồi, cắn xé quần áo. Tôi chỉ biết ôm chặt các em trong lòng, mặc sức để cho các em cắn vào tay mình. Cứ thế, cô khóc, trò gào đến khi dịu cơn bệnh mới thôi…” - cô Lê Thị Hòa chia sẻ.

Gắn bó với trẻ khuyết tật, dành nhiều công sức dạy dỗ các em ở lớp học tình thương tại chùa Hương Lan, là GV, Tổng phụ trách đội của Trường Tiểu học Đông Sơn, cô Lê Thị Hòa luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để giờ học đạt hiệu quả cao và có sáng kiến kinh nghiệm đạt loại A cấp thành phố. 

Bên cạnh đó, cô còn thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện tại trường: Quyên góp xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ HS nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, đội viên có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với tổ chức Đoàn các thôn của xã Đông Sơn tổ chức nhiều chương trình cho HS lớp học tình thương và các em thiếu nhi trên địa bàn...

Với nỗ lực của mình, cô Lê Thị Hòa được công nhận là GV - Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp; BCH Hội cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hà Nội tặng Giấy khen; danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành GD-ĐT Thủ đô dạy các lớp tình thương, HS khuyết tật”. Những giải thưởng và danh hiệu đó là sự ghi nhận của các cấp, ngành cho sự miệt mài cống hiến vì cộng đồng, xã hội của cô giáo luôn tận tâm với nghề, với trò. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.