Lớp học tình thương “bao cấp” giữa Sài Gòn

GD&TĐ - Mặc kệ dòng chảy của thời gian cùng những đổi thay, ngay giữa TPHCM, gần 30 năm qua vẫn luôn tồn tại lớp học tình thương dạy miễn phí cho trẻ em nghèo. Đồng thời, khi học ở đây, các em còn được “bao cấp” mọi thứ từ đồng phục, sách bút đến những bữa ăn trưa.

Lớp học tình thương “bao cấp” giữa Sài Gòn

Lớp học tình thương Phước Thiện (Q.7) do cô Đặng Thu Thảo mở ra, san sẻ gánh nặng áo cơm con chữ đối với trẻ em nghèo, để các em không phải vì nghèo mà thất học.

Bỏ nghề thợ may để… xóa mù chữ

Thời trẻ, cô Thảo là một thợ may có tiếng trong vùng. Khi đó, dù chưa có gia đình nhưng cô đã cưu mang rất nhiều trẻ mà cha mẹ không có điều kiện để nuôi nấng, đến khi chúng lên thì lại trả về với gia đình. Năm 1990, gia đình cô chuyển về huyện Nhà Bè sinh sống. Cũng từ đó, cuộc đời cô rẽ sang một hướng khác, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục.

“Xung quanh nhà mình khi đó có rất nhiều trẻ em vì nghèo mà không được học hành gì. Nhiều vô kể. Các em hàng ngày cứ lang thang bên những hàng dừa hay dọc những bờ kênh. Lúc đó, mình nghĩ phải làm điều gì đó để mang cái chữ đến cho các em”- cô Thảo kể.

Nhớ lại quãng thời gian đó, với cô Thảo, đó là mộ cuộc hành trình gần như là “chiến đấu” để lôi kéo những em học sinh đến với lớp học. “Mình lên Phòng Giáo dục huyện Nhà Bè trình bày nguyện vọng được các thầy cô rất ủng hộ. Lúc đó, lớp học có tên là lớp xóa mù chữ, bao gồm rất nhiều thành phần; những người lớn tuổi, kể cả giang hồ cũng cắp sách đi học”.

Thế nhưng, do vậy mà lớp học rất nhốn nháo. “Hết một năm, mình mạnh dạn đề xuất với phòng giáo dục, lớp học sẽ chỉ nhận dạy các em học sinh trong độ tuổi đi học và phổ cập hết chương trình tiểu học. Khi đến bậc trung học thì sẽ bàn giao cho các trường. Lớp học tình thương Phước Thiện ra đời từ đó”.

Thời gian đầu, lớp học chỉ gồm những trẻ quanh khu vực do một mình cô trực tiếp đứng lớp, càng về sau “tiếng lành đồn xa”, những gia đình không có điều kiện ở nơi khác cũng tìm đến xin cho con được theo học. “Do lớp học bao cấp hết mọi thứ cho học sinh nên không phải trường hợp nào mình cũng nhận. Các em phải có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Và khi nhận rồi, mình còn đến thăm gia đình các em đột xuất để nắm bắt và hiểu hơn về hoàn cảnh của từng em”- cô Thảo chia sẻ.

Mỗi năm, lớp học nhận dạy số học sinh dao động từ 50-70 em, trong độ tuổi tiểu học. Căn nhà hai tầng của gia đình được cô phân chia ra tầng trệt dành cho học sinh lớp 1, 4 còn tầng trên là lớp 2, 3, 5.

Do lỡ dở đường tình duyên, người yêu bị tai nạn qua đời trước ngày cưới nên cô Thảo không lập gia đình, chỉ nhận hai bé làm con nuôi và dành tuổi thanh xuân của mình cho lớp học. “Chỉ cần cho các bé con chữ, được nhìn các bé cười nói mỗi ngày đó đã là niềm vui, là món quà không gì đánh đổi được rồi”- cô Thảo trải lòng.

Ba thập kỷ “gánh gồng” măng non

Để có thể duy trì lớp học tình thương “bao cấp” suốt gần 3 thập kỷ qua ngay giữa Sài Gòn đắt đỏ, cô Thảo nói, bản thân, những giáo viên đứng lớp cùng những người thân đã phải cố gắng rất nhiều. “Lương tháng mỗi giáo viên dạy ở đây chỉ có 1,5 triệu đồng. Lương vậy, các cô sao sống nổi. Chỉ có tâm huyết mới bám trụ được ở đây thôi. Quán cơm bình dân trước nhà chính là nguồn thu chủ yếu để duy trì lớp học và phục vụ các bé bữa ăn trưa”- Cô Thảo chia sẻ.

Khó khăn là thế nhưng cô Thảo lúc nào cũng cố gắng để các em học sinh của mình không phải quá thiệt thòi về nhiều thứ. “Chẳng ai muốn con em mình phải học ở lớp học tình thương cả nhưng vì hoàn cảnh thì phải chịu. Đến với lớp học, các em đã phải chịu nhiều thiệt thòi so với chúng bạn rồi, nên lúc nào bản thân mình cũng cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất đến các em”.

Cô Thảo nói, mỗi em ở lớp học là một câu chuyện buồn.

“Nhiều em, chỉ học hết một năm là đã phải theo gia đình di cư sang nơi khác, không có điều kiện học tiếp. Rất xót xa…”- cô giáo nghẹn lòng - “Ngày nhà giáo là ngày vui của những người làm giáo dục thì ở đây, đó là ngày nghẹn ngào nhất. Năm nào nhà trường cũng cố gắng có những món quà nhỏ như vài cân gạo, chai dầu ăn, gói bột ngọt… để tặng cho các em, phụ giúp ba mẹ. Chỉ hy vọng, ba mẹ các em đừng vì mưu sinh mà để con em mình phải thất học…”.

Cống hiến hết thanh xuân của mình nay tóc xanh đã bạc, cô Thảo vẫn một lòng với lớp học. “Niềm vui lớn nhất là các em khi tốt nghiệp hết bậc tiểu học tại đây đều có thành tích tốt, khi học sang bậc trung học đều không thua kém gì chúng bạn. Mình chỉ ước có mãi sức khỏe để gồng gánh lớp học, để các em không vì nghèo khó mà phải mù chữ. Chỉ mong các em có con chữ để nên người”- Cô Thảo trăn trở.

Từ lớp học này, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành và thành đạt. Có cô giáo Hoa trước từng là học sinh cũ tại đây, hiện là giáo viên tại lớp học tình thương, tiếp tục sự nghiệp trồng người, gieo con chữ cho các em nghèo khó như mình năm xưa.

“Khâm phục trước tấm lòng nhân hậu vì các em nghèo của cô Thảo, mình quyết định trở về cùng cô lèo lái, với một tham vọng và ước mong duy nhất là mang con chữ, những bài học làm người đến thật nhiều các em nghèo khó, không có điều kiện đến trường”- Cô Hoa trải lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.