Kỳ lạ những ca ghép tạng
Thời gian qua, dù còn đó những bất cập nhưng y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.
Trước hết, đó là thành công của việc ghép tạng. Tới nay, ghép tạng của y tế Việt Nam đã “có số” trên phạm vi thế giới. Mới đây nhất, lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam của 6 kíp mổ đã đồng thời ghép tạng cho 5 người. Đây quả là một thành công y học mang tính vượt trội, chứng tỏ tay nghề của đội ngũ bác sĩ của chúng ta không hề thua kém bác sĩ ở những nền y học tiên tiến hàng đầu thế giới.
Theo GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 6 ca phẫu thuật đồng thời lấy - ghép tạng được tiến hành ngày 12/12/2018. Khi ấy 6 bàn mổ cùng hoạt động với 500 y bác sĩ tham gia ca phẫu thuật. Các ca mổ ghép đều do các bác sĩ Việt Nam tiến hành. Đó là một kết quả rất đáng khâm phục vì cách đây không lâu, hầu hết các ca ghép tạng đều có sự tham gia của chuyên gia y tế nước ngoài.
Người hiến tạng là người đàn ông sinh năm 1975 ở Ninh Bình, tiền sử khỏe mạnh, chết não do bị phình mạch máu não. Người nhà bệnh nhân cho biết, sinh thời anh có nguyện vọng được hiến tạng. 6 tạng anh hiến được bệnh viện tiếp nhận gồm tim, gan, 2 phổi, 2 thận, ghép cho 5 người. Trong đó một quả thận được vận chuyển vào TPHCM ghép cho một em bé bị suy thận giai đoạn cuối. Đặc biệt có một bệnh nhân được ghép cùng lúc hai lá phổi (17 tuổi).
Các ca lấy và ghép tạng bắt đầu từ lúc 9 giờ ngày 12/12 đến 5 rưỡi sáng hôm sau (12/12/2018). Đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não - GS Giang cho biết.
Đáng chú ý, người nhận ghép tim là nam bệnh nhân 60 tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối. Ông phải thở bằng máy, ước lượng chỉ còn sống được trong vòng một tháng nếu không có tim để ghép. Một bệnh nhân ghép gan tuổi cũng đã cao. Đó là nữ bệnh nhân 63 tuổi bị u gan. Cũng cần nhắc lại, đây là lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam tiến hành cùng lúc 6 bàn mổ để nhận - ghép tạng từ người hiến chết não; cũng là lần đầu có 6 tạng được hiến từ một người.
Kỷ lục hiến - ghép nhiều tạng nhất tính đến tháng 2/2018 là 5 tạng, được thực hiện tại Bệnh viện Quân đội 103 và 108, do bác sĩ trong nước phối hợp với chuyên gia nước ngoài tiến hành.
Khống chế tử thần ung thư
Năm 2000, Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2015, con số này đã tăng lên đến 150.000 ca mắc mới. Năm 2012, tỷ lệ này chỉ mới có 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 người tử vong. Ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người.
Như vậy, tử thần ung thư vẫn đang là mối đe dọa hàng đầu, không chỉ với Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, cũng đã chứng kiến những thành tựu vượt bậc của y học Việt Nam trong việc chữa trị căn bệnh quái ác này.
Có thể nêu ví dụ: Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2018 được trao cho cụm công trình “Nghiên cứu dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú”, do tập thể các nhà khoa học Bệnh viện K thực hiện.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K thì đây là cụm công trình tổng hợp từ 3 đề tài cấp Nhà nước, 3 dự án hợp tác quốc tế, 3 đề tài cấp bộ, hai đề tài cấp cơ sở, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và 25 đề tài cấp cơ sở.
Đề tài này đã mở ra các hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư vú khi tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam đã đạt hơn 75%, ngang với Singapore - nơi nhiều người Việt Nam vẫn tìm đến chữa trị.
Đáng chú ý, qua nghiên cứu ung thư vú, khảo sát đánh giá các loại ung thư khác, nhóm nghiên cứu nhận thấy ung thư không đáng sợ như suy nghĩ của nhiều người, nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi càng cao, nếu các trường hợp bệnh được phát hiện sớm hơn.
Tới nay có thể khẳng định, không chỉ ở lĩnh vực nghiên cứu, trong y học thực hành thì trình độ tay nghề phẫu thuật, kiến thức của bác sĩ Việt Nam cũng hoàn toàn sánh được với các bác sĩ trên thế giới. Kể cả với căn bệnh ung thư được coi là “án tử”.
Đi tìm nguyên nhân
Đó chỉ là 2 trong số nhiều thành tựu y học thực hành của Việt Nam đạt được thời gian qua. Nhưng tại sao nhiều người vẫn ra nước ngoài chữa bệnh?
Một bệnh nhân từng sang Singapore trị ung thư vú cho biết, phẫu thuật và điều trị bên Singapore bà được chăm sóc và tư vấn rất chu đáo, công tác chăm sóc hậu phẫu có thể nói là tuyệt vời. Bà này cũng cho biết thêm, bà rất ngại khi phải giáp mặt với “mặt nặng mày nhẹ” nếu chữa trị trong nước.
Vẫn bệnh nhân này cho biết, bà đã đi Singapore chữa trị 5 lần, tốn hơn 1 tỷ đồng. Riêng truyền hóa chất mất khoảng 400 triệu đồng. Mỗi lần đi phải có 2 người cùng đi gồm 1 phiên dịch viên và 1 người chăm sóc. Ngoài tiền máy bay, ăn ở thì tiền điều trị, thuốc men rất đắt đỏ. “Nhưng biết làm sao được. Chữa trong nước ngại lắm” - bệnh nhân này cho biết.
Như vậy, có thể thấy tâm lý ngại về thái độ y bác sĩ, cộng với thiếu niềm tin vào trình độ của y bác sĩ trong nước đã khiến nhiều người giàu khi có tiền đã tìm ra nước ngoài chữa trị. Con số thống kê trung bình trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm người Việt mang ra nước ngoài khoảng 1 tỷ USD để chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thì rất khó ước tính chi phí vì người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh chi trả bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ông Khuê cho biết, người Việt ra nước ngoài chữa bệnh nhiều nhất là ung thư hoặc điều trị tế bào gốc và những bệnh rối loạn chuyển hóa đặc biệt. Còn theo đại diện bệnh viện Singapore và Thái Lan tại Hà Nội, người Việt thường ra nước ngoài chữa trị gồm nhóm người bệnh ung thư, tim mạch, cơ xương khớp, ghép gan, ghép thận, chấn thương thể thao, dịch vụ về sinh sản...
Nhưng cần lưu ý, ở nước ngoài, ghép gan, thận đắt hơn gấp đôi tổng chi phí tại Bệnh viện Việt Đức.
Chính vì thế mà theo BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, hiện tại có một số ngành, lĩnh vực y tế của Việt Nam đã tạo được uy tín. Với chất lượng tốt, chi phí hợp lý, nhiều bệnh nhân nước ngoài, Việt kiều đã lựa chọn dịch vụ y tế của Việt Nam.
Hiện nay, xu hướng người Việt ra nước ngoài tầm soát và điều trị ung thư ngày càng tăng. Về vấn đề này, GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng: Do số lượng bệnh nhân ung thư điều trị ở các bệnh viện trong nước đông nên rõ ràng người bệnh không thể hưởng những điều kiện như ra nước ngoài.
Tình trạng quá tải cũng khiến đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tuy cố gắng nhưng “nhiều khi cũng không xuể”. Còn ở các bệnh viện nước ngoài, họ có số lượng người bệnh nhất định và lại là những người có điều kiện kinh tế cao.
Nói như PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì các dịch vụ du lịch y tế sẽ có xu hướng chuyển từ nước phát triển sang các nước đang phát triển, như Việt Nam.
Vậy thì người giàu chữa bệnh trong nước thay vì ra nước ngoài - tại sao không?