Đồng bào Ê Đê (huyện Sơn Hòa - tỉnh Phú Yên) theo tín ngưỡng đa thần. Hệ thống thần linh theo quan niệm của người Ê Đê rất đa dạng và hiện hữu trong mọi sự vật, hiện tượng. Vì vậy, trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, người Ê Đê tiến hành các lễ nghi nông nghiệp theo vòng cây trồng, cũng như các nghi lễ theo vòng đời người để cầu mong sức khỏe và tuổi thọ. Các nghi lễ vòng đời gồm có: Lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ bắt chồng, lễ tiễn đưa, lễ bỏ mả... đã hình thành chuỗi giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Ê Đê.
Luôn quan tâm tới sức khỏe và sự sống con người nên lễ cầu phúc, cầu sức khỏe của đồng bào Ê Đê được thực hành theo hệ thống suốt cả đời người gồm 7 lần hoặc 9 lần. Đồng bào quan niệm, con người muốn mạnh khỏe, yên ấm, thành đạt thì phải thực hiện các nghi lễ với thần linh để được nhận phù hộ, trong đó lễ cúng trưởng thành là một nghi lễ rất quan trọng trong đời người, khẳng định và thừa nhận vai trò của người đàn ông trong gia đình và cộng đồng.
Lễ cúng trưởng thành nằm trong các nghi lễ vòng đời của người Ê Đê luôn thể hiện sự kết nối giữa gia đình và cộng đồng. Qua các nghi lễ này, các phong tục, tập quán xã hội được duy trì, các trang phục truyền thống được sử dụng một cách trân trọng, văn hóa cồng chiêng cũng được thực hành cùng với các điệu nhảy, điệu múa truyền thống, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của người Ê Đê.
Theo số liệu thống kê năm 2017 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, hiện nay người Ê Đê trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 24.824 người, sinh sống chủ yếu ở hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa.