Người duy nhất được chôn trên Mặt trăng

GD&TĐ - Cho đến nay đã có 12 người đi bộ trên Mặt trăng trong các phi vụ khám phá vệ tinh này. Tuy nhiên, được mai táng ở nơi xa xôi, thăm thẳm cách Trái đất hàng trăm ngàn km này chỉ có duy nhất một người. Đó là nhà khoa học quá cố Eugene Shoemaker.

Eugene Shoemaker đang kiểm tra mô hình tàu đổ bộ Mặt trăng do ông chế tạo
Eugene Shoemaker đang kiểm tra mô hình tàu đổ bộ Mặt trăng do ông chế tạo

Ngay cả một nhà thiên văn bình thường cũng không xa lạ với cái tên Shoemaker qua sự kiện sao chổi Shoemaker - Levy 9 nổi tiếng (đã vỡ ra từng mảnh) va chạm với sao Mộc vào năm 1994. Sao chổi này do Shoemaker và vợ của ông, Carolyn, phát hiện cùng với nhà khoa học David Levy. Đáng chú ý ở chỗ nó đánh dấu lần đầu tiên con người chứng kiến trực tiếp một vụ va chạm vào hành tinh. Sự kiện này được giới truyền thông quan tâm nhiều đến nỗi một thị trấn nhỏ ở Wyoming đã thành lập “bãi hạ cánh liên thiên hà” để chào đón những người tị nạn từ sao Mộc xuống, đồng thời Shomaker trở thành người nổi tiếng.

Sinh ở Los Angeles, California, Mỹ vào ngày 28/4/1928, Eugene Merle Shoemaker tốt nghiệp Viện công nghệ California (Caltech) ở Pasadena khi mới 19 tuổi. Luận văn về Thạch học liên quan đến đá thời tiền sử đã giúp ông có được học vị thạc sĩ một năm sau đó và mở đường cho ông đến với Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), một tổ chức mà ông vẫn cộng tác trong suốt phần đời còn lại của mình. Công việc đầu tiên của ông ở USGS có liên quan đến việc tìm kiếm khoáng sản uranium ở Colorado và Utah.

Trong khi làm nhiệm vụ này, ông tỏ ra thích thú với Mặt trăng, muốn du hành lên đó, tìm hiểu về tác động của thiên thạch và những vụ phun trào núi lửa trong việc hình thành các hố sâu trên bề mặt chị Hằng. Sau đó, ông bắt tay thực hiện công trình Tiến sĩ tại ĐH Princeton, dự định tiếp tục nghiên cứu về thạch học biến chất. Tuy nhiên quá trình này bị gián đoạn khi USGS một lần nữa điều ông đến thực địa, điều tra về núi lửa, những miệng phun bị xói mòn, nơi chất uranium thường hiện diện.

Một cuộc khảo sát hố Meteor Crater ở Arizona vào năm sau đó bắt đầu hướng Gene đến quan điểm cho rằng nó và các hố trên Mặt trăng hình thành do tác động của thiên thạch và ông nhận được học vị Tiến sĩ năm 1960 với luận văn về Hố thiên thạch. Ông khẳng định rằng Hố Barringer sâu 173m ở gần Flagstaff, Arizona được hình thành bởi tác động này, đồng thời bảo vệ cho giả thuyết vụ va chạm như vậy đã giết một loài khủng long cách đây 66 triệu năm. Và bằng cách lập bản đồ một số hố sâu trên Mặt trăng, ông đã cách mạng hóa sự hiểu biết của chúng ta về mặt địa chất.

Bản thân Shoemaker muốn trở thành một phi hành gia thám hiểm Mặt trăng, nhưng mong muốn của ông không trở thành hiện thực bởi vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, Shoemaker đã dùng kiến thức của mình để đào tạo một số phi hành gia thuộc sứ mệnh Apollo về những gì họ có thể tìm thấy trên bề mặt Mặt trăng, về địa hình của vệ tinh này. Khi trung tâm địa chất học vũ trụ của USGS được thành lập ở Flagstaff vào năm 1965, ông được chỉ định làm nhà khoa học đứng đầu và tổ chức các hoạt động có liên quan đến địa chất, lập kế hoạch cho các cuộc đổ bộ lên Mặt trăng. Năm 1969, ông trở lại Viện công nghệ California với vai trò giáo sư Địa chất học và công tác 3 năm ở đây với cương vị Chủ nhiệm Khoa Địa chất và Khoa học hành tinh.

Sau khi kế hoạch lên Mặt trăng kết thúc, Shoemaker tiếp tục nghiên cứu và quan sát các hành tinh, thiên thể. Ông đi khắp nơi trên thế giới, quan sát những dấu tích để lại do thiên thạch đến từ bên ngoài Trái đất. Một thời gian ngắn sau khi đến Pasadena vào năm 1969, ông bắt đầu vận dụng kiến thức địa chất của mình giải thích việc hình thành và phân bố các hố thiên thạch trên Trái đất và Mặt trăng phục vụ việc nghiên cứu các vật thể thiên văn.

Cuộc sống đầy thú vị của ông kết thúc đột ngột vào ngày 18/7/1997, sau một tai nạn giao thông khi đi khám phá hố thiên thạch ở Australia. Nhưng ngay cả trong cái chết, hành trình của ông cũng chưa kết thúc.

Một đồng nghiệp thân thiết của Shoemaker, nhà khoa học Carolyn Porco, đã quyết định tìm cách đưa nhà khoa học quá cố, người luôn muốn trở thành một phi hành gia, lên Mặt trăng. May mắn là NASA cũng có ý tưởng tôn vinh Shoemaker bằng cách mang tro cốt của ông lên bề mặt Mặt trăng và họ đã gọi đến Công ty Celestis, chuyên thực hiện dịch vụ mai táng trên không gian. Charles Chafer, CEO và đồng sáng lập Celestis dĩ nhiên thích thú với đề nghị này.

Vào ngày 6/1/1998, từ Mũi Canaveral, Florida, tàu thăm dò của NASA đã được phóng lên cực nam của Mặt trăng với nhiệm vụ tìm kiếm băng, mang theo 28gr tro cốt của Shoemaker. Theo một trang web tưởng nhớ được thành lập bởi Porco, tro cốt của ông được đặt trong một vật hình con nhộng làm từ polycarbon do Celestis cung cấp, quấn trong một mẩu lá đồng thau.

Tên và ngày sinh, ngày mất của ông được khắc bằng tia laser trên một hình ảnh của sao chổi Hale - Bopp, một hình ảnh hố thiên thạch ở Arizona, và hai câu thơ trích từ tác phẩm bất hủ Romeo and Juliet. Vào ngày 31/7/1999, phi vụ kết thúc khi NASA cho đáp con tàu lên bề mặt Mặt trăng, mang theo Shoemaker trong đó và biến ông ta trở thành người đầu tiên và duy nhất cho đến nay được chôn ngoài thế giới loài người.

Công ty Celestis hy vọng sẽ tiếp tục an táng thi hài của những người khác trên Mặt trăng trong thời gian sắp tới để Shoemaker không đơn độc trên đó. Trong một thông cáo báo chí phát đi vào năm 1998, Carolyn bày tỏ cảm nghĩ về việc mai táng chồng mình nơi thế giới khác như sau: “Chúng ta luôn biết một điều, khi nhìn lên Mặt trăng: Gene đang ở đó”.
Theo atlasobscura và jpl.nasa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải