Người Đức ngày càng không hài lòng về chất lượng giáo dục công lập

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giáo dục công lập tại Đức miễn phí nhưng trong bối cảnh thiếu giáo viên và xếp hạng thành tích kém, ngày càng nhiều phụ huynh gửi con đến trường tư.

Giáo dục công lập tại Đức thiếu trầm trọng giáo viên.
Giáo dục công lập tại Đức thiếu trầm trọng giáo viên.

Chị Luisa, phụ huynh sống tại Berlin, Đức, quyết định gửi 2 con đến một trường công giáo tư thục không phải vì lý do tôn giáo mà bởi ngôi trường này có môi trường giáo dục chất lượng, chỉn chu.

Trong khi đó, con cái của Luisa không nhận được sự quan tâm cần thiết tại các trường công lập do giáo viên thường xuyên nghỉ ốm. Kết quả là sau một năm học tiểu học công lập, con cái của chị Luisa vẫn chưa thể nói tiếng Đức rành mạch.

“Tại một lớp học, trình độ của học sinh thường không đồng đều. Có nhiều trẻ học chưa tốt thì giáo viên chỉ chú trọng vào các em này nhưng không mấy lưu tâm đến trẻ có tố chất hơn”, chị Luisa bày tỏ.

Giống như chị Luisa, ngày càng nhiều phụ huynh Đức gửi con vào trường tư. Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Đức, tỷ lệ học sinh theo học trường tư đã tăng gần 10% trong năm học 2022 - 2023. Khoảng 20 năm trước, tỷ lệ này là 6%.

Xu hướng này là do nhiều gia đình giàu có, có tri thức đang quay lại với hệ thống trường công lập, từ đó gây bất bình đẳng xã hội. Chuyên gia chính sách xã hội Stephan Koppe, Đại học College Dublin, cho biết chưa có bằng chứng nào ở Đức cho thấy trẻ em học trường tư có thành tích tốt hơn bạn học trường công.

Nhưng phụ huynh vẫn đăng ký cho con học trường tư vì bất mãn với hệ thống công lập. Khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu kinh tế Munich Info chỉ ra người Đức ngày càng không hài lòng về chất lượng giáo dục công lập.

Ở nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, các trường học nằm trong tình trạng hư hỏng, các toà nhà đổ nát và thường đóng cửa để sửa chữa, chậm “số hoá”, thậm chí nhiều trường không đủ tiền mua máy tính, thiếu WiFi tốc độ cao. Ngoài ra, các trường học cũng đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng do nhiều người sắp nghỉ hưu hoặc nghỉ hưu sớm.

Hệ thống giáo dục công lập kém chất lượng được cho là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Bài kiểm tra PISA mới đây do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, cho thấy kết quả môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu của học sinh Đức sụt giảm so với những lần kiểm tra trước đó.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thành tích học tập tại Đức gắn liền với nền tảng kinh tế xã hội, không phải trường học. Theo chuyên gia giáo dục và bất bình đẳng xã hội Marcel Helbig, Viện Quỹ đạo Giáo dục Leibniz, xu hướng phụ huynh gửi con vào trường tư chủ yếu xuất hiện ở thành thị, khu vực có đông tầng lớp trung lưu, thượng lưu còn ở các vùng nông thôn, trẻ em vẫn học công lập.

“Vấn đề không nằm ở trường tư mà do cấu trúc của hệ thống trường học. Giáo dục công lập được miễn phí nhưng giáo dục tư thục được chính quyền địa phương, khu vực tư nhân tài trợ. Vì vậy, hệ thống giáo dục Đức nhìn chung cần được cải thiện”. chuyên gia Stephan Koppe cho biết.

Giáo dục công lập tại Đức là miễn phí, từ mẫu giáo đến đại học. Còn tại trường tư nơi Luisa cho con cái theo học, học phí hàng tháng dao động từ 180 - 360 euro. Các trường tư thường được quản lý bởi nhà thờ, tổ chức phúc lợi xã hội, hiệp hội hoặc cá nhân.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.