Trường học Đức khủng hoảng thiếu giáo viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù chưa có thống kê chính xác, ước tính Đức đang thiếu hàng chục nghìn giáo viên.

Một tiết học của học sinh tiểu học Đức.
Một tiết học của học sinh tiểu học Đức.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi số học sinh nhập học năm 2023 tăng kỷ lục.

Trong hơn 30 năm, cô Rebecca đã giảng dạy Tiếng Anh và Lịch sử tại một trường trung học gần Hamburg, Đức. Tiếng Đức, Toán và Tiếng Anh được coi là “môn học cốt lõi” và được ưu tiên giảng dạy trong hệ thống giáo dục phổ thông của nước này. Do đó, khi thiếu nhân lực, các môn học khác như Lịch sử sẽ ngừng giảng dạy, đôi khi trong nhiều tháng.

Cô Rebecca cho biết: “Trường luôn thiếu nhân lực. Ban giám hiệu không thể tuyển dụng giáo viên mới lấp đầy chỗ trống còn đồng nghiệp của tôi thường bị ốm hàng tuần hay hàng tháng vì họ phải làm việc quá sức”.

Kết quả là chương trình giảng dạy bị cắt giảm. Một số trường áp dụng mô hình học 4 ngày/tuần. Hiện, chưa có thống kê chính xác số giáo viên mà các trường phổ thông đang thiếu nhưng ước tính con số là hàng chục nghìn.

Trong bộ máy hoạt động của Đức, giáo dục thuộc thẩm quyền của 16 bang nên giữa các bang sẽ có sự khác biệt về mô hình trường học, chương trình giảng dạy, yêu cầu về giáo viên, khối lượng công việc. Vì thế, khó có cái nhìn tổng quan về ngành Giáo dục nước này.

Các bộ trưởng giáo dục tại 16 bang ước tính khoảng 14 nghìn vị trí giảng dạy đang bị bỏ trống. Nhưng các nhà kinh tế, nghiên cứu giáo dục và giáo viên cho rằng con số này quá thấp. Đến năm 2035, Đức sẽ thiếu 56 nghìn giáo viên, thông tin từ Liên đoàn Giáo viên Đức (GEW).

Giữa bối cảnh thiếu giáo viên, Văn phòng Thống kê Đức ước tính khoảng 830 nghìn trẻ em bắt đầu đi học vào năm 2023, đạt kỷ lục số học sinh đi học mới trong 20 năm trở lại đây. Sự gia tăng một phần do tỷ lệ sinh tăng và tình trạng nhập cư vào Đức tăng.

Đức nhận thức rõ tình trạng thiếu giáo viên và nguy cơ mà khủng hoảng này mang lại nhưng việc tuyển dụng vô cùng khó khăn. Sinh viên ngành sư phạm được chính quyền liên bang tài trợ cho việc học nhưng do bằng cấp cử nhân sư phạm được công nhận trên toàn quốc nên có sự cạnh tranh giữa các bang để thu hút nhân tài.

Chính vì vậy, trong nhiều năm, hầu hết các bang đã đào tạo được số lượng giáo viên ít hơn dự kiến. Sinh viên sau khi tốt nghiệp không làm việc tại bang mà có thể chuyển tới bang có đãi ngộ hấp dẫn hơn hoặc công việc có mức lương cao hơn nhưng yêu cầu bằng cấp tương tự.

Trước tình trạng trên, GEW đã ban hành kế hoạch giữ chân giáo viên trong nghề và tăng sức hút cho ngành sư phạm. Kế hoạch kêu gọi giảm giờ làm việc cho giáo viên, giảm quy mô lớp học, tăng cường hệ thống hỗ trợ giáo viên và bảo vệ sức khỏe cho giáo viên.

Bên cạnh đó, GEW đề nghị chính quyền liên bang tuyển dụng giáo viên là người nhập cư, nhất là người Ukriane đang sinh sống tại Đức. Theo hệ thống giáo dục Đức, giáo viên phải dạy được nhiều môn học. Giáo viên nước ngoài, như Ukriane, thường chỉ dạy một môn học. Vì lý do này, giáo viên Ukriane đến nay chưa có cơ hội làm việc trong hệ thống giáo dục Đức.

Tuy nhiên theo GEW, việc lấp đầy vị trí giáo viên là yêu cầu cấp bách. Các trường học, chính quyền liên bang cần có biện pháp sử dụng hiệu quả nhóm giáo viên nước ngoài này.

Do nhu cầu ngày càng bức thiết, các trường học phải tuyển dụng giáo viên từ các ngành nghề không qua đào tạo. Trong khi đó, ngành sư phạm ngày càng giảm sức hút trong mắt giới trẻ. Nhiều sinh viên thậm chí bỏ học sư phạm để chuyển sang các ngành hot.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ