(GD&TĐ) - Sinh ra trong một gia đình thuần nông không có truyền thống về võ thuật, thế nhưng Lê Bá Thương - người con xứ Huế đã cháy hết mình với võ dân tộc để đưa võ cổ truyền Việt Nam Việt Võ Đạo- Vovinam đến với vùng đất thần kinh. Sau những tháng ngày khó khăn, gian khổ anh Thương đã đưa Vovinam trở thành một trong những môn võ được yêu thích không kém gì các võ tawkondo, karate, wusu… tại Huế.
Niềm đam mê võ đạo dân tộc
Tôi gặp thầy trong buổi tập cùng các môn sinh tại Trung Tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Thừa Thiên – Huế (57, Lâm Hoằng). Trước mặt tôi là một người đàn ông thân hình rắn chắc, thần thái toát lên một sự kiên định, khí khái đầy bản lĩnh, đó chính là thầy Lê Bá Thương (32 tuổi) – người đang truyền những bài quyền cho hơn 500 môn sinh tại các câu lạc bộ Vovinam TP Huế. Thế nhưng ít ai biết rằng, để được như thế, Lê Bá Thương đã phải có sự nỗ lực như thế nào cho những ngày đầu tạo lập.
Niềm đam mê võ thuật đã thôi thúc Lê Bá Thương theo học võ cổ truyền dân tộc từ năm lớp 7 của môn phái Thiếu Lâm Nam Sơn. Cũng niềm đam mê đó đã giúp cậu thanh niên còn bỡ ngỡ trên con đường chọn nghề của mình quyết tâm theo học ngành võ thuật của Trường Đai học Hồng Bàng (TPHCM), cho dù những năm đó võ thuật chưa được quan tâm và chú ý nhiều. 4 năm miệt mài với từng thế võ, bài quyền đầy uy lực và chắc chắn, với những động tác chân tay tại môi trường võ đạo, ra trường Lê Ba Thương quyết định mang Vovinam về nơi chôn rau cắt rốn của mình, về vùng đất cố đô - vùng đất mà chưa có sự hiện diện của võ dân tộc.
Với một sinh viên mới ra trường, kinh nghiêm, điều kiện kinh phí vẫn còn nhiều thiếu thốn, chưa có uy tín và tiếng nói trong xã hội, khó khăn trước mắt là rất lớn. Tâm sự về những ngày tháng ấy, giọng thầy có chút bùi ngùi: “Ban đầu chiêu sinh rất vất vả, vì thời điểm lúc ấy Vovinam chưa xuất hiện ở Huế nên cần phải giới thiệu, quảng bá rộng rãi, kinh phí cho việc đó không phải là ít. Khổ nhất là những lúc tôi và 6 học trò của mình đạp xe trên các con đường của thành phố, từ bờ Bắc cho đến bờ Nam, len lỏi vào từng ngõ ngách, kiệt, hẻm để treo áp phích, phát tờ rơi.
Nhiều lúc vừa dán, treo xong thì cơn mưa dông bất ngờ của Huế đi qua cuốn trôi bao công sức thầy trò xuống sông. Có một số người vì thấy môn võ quá mới mẻ đối với người Huế, đã có những lời lẽ không mấy thiện cảm, thậm chí buông lời xúc phạm. Những lúc như vậy, tôi cứ muốn bỏ cuộc, nhưng tinh thần võ sĩ đạo không cho phép, tôi cố gắng vượt qua những định kiến, khó khăn để tiếp tục ước mơ, hoài bão của mình”.
Và rồi, với bước đi ban đầu là mở lớp dạy võ đầu tiên ở Trường Tiểu học Thủy Vân gồm 6 môn sinh, sau một năm bằng uy tín và nỗ lực chính bản thân, Lê Bá Thương mở thêm lớp võ tại Trung tâm Thể dục Thể thao (150, Nguyễn Trãi, Huế) và tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh TT- Huế (57, Lâm Hoằng). Đến năm 2009, mở thêm một số lớp ở các chùa như chùa An Lạc (số 7, Hồ Quỳnh Hương), chùa Kim Đài (phường Châu Chữ, thị xã Hương Thủy). Tấc cả các lớp võ tại các chỗ đều do thầy quản lý với hơn 500 võ sinh.
Học võ là học cách làm người
Thầy Thương cho biết có những em rất đam mê võ Vovinam nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện tham gia học võ. Thầy luôn tạo mọi điều kiện để các em phát triển tài năng bằng cách miễn giảm học phí, và khi các em đã đạt đến đai vàng thì cho các em đứng lớp để kiếm thêm thu nhập, tham gia vào các khóa học cao hơn, nâng cao khả năng của mình. “Sống cho mình, giúp cho mọi người khác sống, sống cho mọi người” đó chính lời dạy của người sáng lập ra Vovinam đã được thầy lấy làm kim chỉ nam cho suy nghĩ.
Trong Giải Vô địch toàn quốc của bộ môn Vovinam tổ chức tại Phú Yên, các môn sinh đem về 1 Huy chương vàng và 2 Huy chương đồng, 2 Huy chương bạc và 5 Huy chương Đồng. Hằng năm, Lê Bá Thương và các môn sinh đều tham gia biểu diễn cho các kì festival của tỉnh TT - Huế cũng như trong các sự kiện lễ hội lớn của tỉnh.
Lê Bá Thương luôn ấp ủ cho mình một tâm nguyện, từ khi bắt đầu cho đến bây giờ, tâm nguyện ấy không hề thay đổi: “Thật sự, tôi luôn muốn vovinam ở Huế sẽ phát triển và tiến xa hơn nữa. Tuy nhiên, có lẽ nếu muốn được như Lê Bá Thương nói thì cần phải có sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ rất lớn từ phía các cấp, chính quyền nhà nước chứ không thể dựa vào một cá nhân nào. Bởi vì đây chính là võ cổ truyền Việt Nam, là một trong những biểu hiện của trí tuệ và thể lực của một dân tộc.
Thúy Kiều