Những tiêu chí đặc biệt
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, trong hành trình vinh danh cây di sản của mình, có rất nhiều kỷ lục về cây được xác lập. Trong đó có những cây di sản mang trong nó những ý nghĩa vượt lên trên cả khoa học.
GS Huỳnh cho biết, đến nay, ông cùng các nhà khoa học đã vinh danh được 5.500 cây di sản trên khắp cả nước. Các cây được vinh danh đều có tuổi đời từ 200 năm đến 2.000 tuổi. Cá biệt có những cây đến 3.500 tuổi như cây đại ở Đông Anh (Hà Nội) hay cây táu cổ ở đền Cổ Miếu (Phú Thọ) có tuổi đời đến 2.200 năm.
Kinh phí để vinh danh các cây di sản này đều do người dân đóng góp. Còn kinh phí đi lại của các nhà khoa học như GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh là do mỗi người tự bỏ tiền túi.
Tiêu chí để được công nhận cây di sản, đối với cây tự nhiên, phải có tuổi đời trên 200 năm, cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây đơn thân và cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa, si. Cây phải có hình dáng đặc sắc. Ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử.
Đối với cây trồng phải có tuổi thọ trên 100 năm, cao trên 30m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ đơn thân, cao trên 20m và chu vi trên 10m đối với cây đa, si. Cây có hình dáng đặc sắc, ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử.
Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu, nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc lịch sử, hoặc văn hóa, hoặc mỹ quan cũng được xem xét.
4 cây di sản vừa công nhận ở Quần đảo Trường Sa đều rất đặc biệt. 4 cây này gồm bàng vuông, phong ba và hai cây mù u.
Cây phong ba trên đảo Song Tử Tây có chiều cao 25m, chu vi thân cây 3,8m, tán rộng 35m, cây có tuổi đời trên 300 năm. Cây bàng vuông trên đảo Nam Yết cũng có tuổi đời tương tự.
Cây bàng vuông có một gốc to và chẻ ra thành 9 thân đều nhau, tán rộng che mát hàng trăm mét vuông ngay trước cột mốc chủ quyền trên đảo. Hai cây mù u tại đảo Sơn Ca và Sinh Tồn đều có tuổi đời trên 300 năm, thân cây to khoảng 4 người ôm, tán rộng che mát cả một khoảng sân.
Cây bàng vuông, mù u và phong ba là những loài có sức sống mãnh liệt ở những nơi có môi trường sống khắc nghiệt. Đây là những loài cây đặc thù tạo màu xanh trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Đây là những cây xanh đã sinh trưởng và bám rễ hàng trăm năm tại Quần đảo Trường Sa.
“Đây là những cây có giá trị lịch sử văn hóa, an ninh quốc phòng, rất đặc biệt. Cho nên dù chưa đáp ứng một số tiêu chí của cây di sản như về chiều cao, chiều rộng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường vẫn quyết định công nhận đây là cây di sản.
Một nguyên nhân khiến cây khó đạt được tiêu chí thông thường là đo điều kiện khí hậu, thời tiết ngoài đảo khắc nghiệt, cây không thể vươn cao và phát triển như trong đất liền”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết.
Cây cột mốc chủ quyền
Cũng theo GS Huỳnh, cây di sản ở Trường Sa không chỉ là cái cây, nó còn là cột mốc chủ quyền. Sự xuất hiện của những loại cây này từ cách đây 300 năm trên Quần đảo Trường Sa là do ngư dân ra đó đánh bắt cá, đem theo cây trồng, lấy bóng mát để nghỉ ngơi.
Bàng vuông, mù u, phong ba là những cây bản địa đặc hữu của Việt Nam. Đó là bằng chứng về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên Quần đảo Trường Sa.
Sự có mặt của những cây di sản này gắn liền với sự có mặt của ngư chài - những ngư dân ở tỉnh Phú Khánh xưa kia đi thuyền ra Trường Sa (doi cát vàng giữa biển) đánh bắt hải sản và trao đổi hàng hóa với tàu thuyền nước ngoài từ thế kỷ XVII. Cây có thể mọc tự nhiên, hoặc có thể do ngư dân đem hạt ra trồng.
Mặc dù, thời tiết khí hậu lúc đó vô cùng khắc nghiệt, nhất là độ mặn của nước biển và tàn phá của thiên nhiên, song kỳ diệu thay, cây phong ba vẫn vươn dài trong nắng gió. Biết đây là loài cây có sức sống mãnh liệt, chịu được khí hậu hanh khô, sống bền vững trong nước biển mặn, những ngư chài lúc đó đã chăm sóc và có ý định bảo tồn.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, cả bốn cây được công nhận là di sản, là những cây thân gỗ, đa phần là cây thân gỗ cổ thụ, có từ lâu đời và có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch được pháp luật cũng như cộng đồng công nhận và bảo vệ.
Việc công nhận bốn cây di sản Trường Sa nhằm vinh danh, tuyên truyền, quảng bá những giá trị của cây xanh, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiên nhiên.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm, giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường Việt Nam. Đặc biệt ở Huyện đảo Trường Sa, cây phong ba và bàng vuông luôn được coi như loài cây đặc chủng dành riêng cho vùng biển đảo ở Việt Nam.
Nói về cây di sản với vai trò cột mốc chủ quyền, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, trong số hàng nghìn cây di sản trên toàn quốc, cây sấu ở Cao Bằng có ý nghĩa đặc biệt bởi nó đứng sát cột mốc biên giới.
Cây sấu cổ thụ này nằm ở bản Nà Sác, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) được gắn biển công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2012. Cây sấu này có tuổi đời hơn 300 năm. Cây đứng sát cột mốc số 651 trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Tán cây vươn qua hàng rào sắt phân định ranh giới hai nước.
Mặc dù đã trải qua biết bao mùa giông bão, chứng kiến bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng cây sấu cổ vẫn trường tồn và phát triển. Tới nay, cây cao 38m, chu vi thân 5 - 6 người ôm không xuể (hơn 9m) và vẫn cho quả hàng năm.
Người dân địa phương cho rằng, quả của cây này thơm ngon hơn những cây sấu khác trong vùng. Một số người may mắn nhặt được quả rụng dưới gốc ăn thử cũng đồng thuận với nhận xét trên.