Người 'đặt tên' cho đá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ những viên đá to, nhỏ khác nhau được nhặt dưới sông suối, qua bàn tay của ông Lê Hát Sơn chúng đều có tên và mang một giá trị khác nhau.

Với ông Lê Hát Sơn, mỗi viên đá đều có giá trị và ý nghĩa nhất định.
Với ông Lê Hát Sơn, mỗi viên đá đều có giá trị và ý nghĩa nhất định.

Hành trình tìm đá

Trong căn nhà nhỏ ở xã Kroong (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), ông Lê Hát Sơn chất đầy gỗ lũa và những viên đá với nhiều hình thù, dáng vẻ khác nhau. Có những viên đá được ông Sơn tô màu, viết chữ thư pháp, số khác thì được trưng bày thô sơ trên những chiếc đôn bằng gỗ.

“Nhà tôi chật quá, chỉ để được một số ít gỗ lũa và đá suối. Bên ngoài sân, vườn còn nhiều lắm nhưng chủ yếu là đá to từ vài chục đến hàng trăm kilogram”, ông Sơn nói.

Ông Sơn kể, vào những năm 1978, ông làm tại Trạm Thủy văn Trung Nghĩa (xã Kroong, thị xã Kon Tum – nay là TP Kon Tum). Ở vùng đất này, ông đã bén duyên rồi lập gia đình với cô gái trẻ thanh niên xung phong.

Năm 1998, khi đập thủy điện Ya Ly được ngăn dòng, một phần lớn vùng đất xã Kroong trở thành khu vực ngập lòng hồ, Trạm Thủy văn giải thể, Lê Hát Sơn trở về với công việc đồng áng.

Khoảng thời gian đó, ông bắt gặp những viên đá có hình thù, dáng vẻ khác nhau. Không những thế, ông cảm nhận được viên đá tưởng chừng như “vô tri, vô giác” lại có thể khám phá, tâm tình và sẻ chia. Từ viên đá đầu tiên nhặt được có hình dáng giống khuôn mặt người đã thôi thúc ông tiếp tục sưu tập và gìn giữ chứng.

“Đối với những viên đá nhặt được ở sông suối hay nương rẫy tôi đều để chúng ở hình dáng tự nhiên chứ không mài giũa. Bởi tôi thích những thứ đơn giản, gần gũi và được tạo ra từ những điều tự nhiên nhất. Viên đá đầu tiên tôi nhặt được đã tặng cho người bạn ở Đà Nẵng. Người bạn đó rất quý trọng và nâng niu, gìn giữ”, ông Sơn kể.

Những ngày sau đó, khi nghe ở đâu có đá đẹp ông Sơn đều tìm đến để mang về làm giàu thêm cho bộ sưu tập của mình. Từ con suối ở gần nhà cho đến vùng sâu, vùng xa huyện Đăk Glei của Kon Tum hoặc tận Quảng Ngãi ông đều đặt chân tới.

Có những chuyến đi phải vượt chặng đường hơn 100km nhưng ông Sơn đành phải “công cốc” quay về vì chẳng có đá đẹp. Những lần như vậy ông chỉ nhặt một viên đá mang về kỉ niệm cho chuyến hành trình của mình.

“Trên những chuyến đi đó, hành trang của tôi chỉ là chiếc xe máy cà tàng, balo đựng vài bộ quần áo và chiếc võng dã chiến. Mỗi đợt như vậy sẽ đi từ 4 - 5 ngày, khi nào xe gần cạn xăng, túi sắp hết tiền tôi sẽ chủ động quay về nhà chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp theo. May mắn, vợ là người luôn ủng hộ tôi tiếp tục với niềm đam mê của mình”, ông Sơn bộc bạch.

“Tài sản” vô giá được cất giữ trong nhà ông Lê Hát Sơn.

“Tài sản” vô giá được cất giữ trong nhà ông Lê Hát Sơn.

Đá… như người con rơi

Nhấp ngụm trà đặc, ông Sơn nói: Mỗi viên đá đều có cấu tạo và hình dáng khác nhau. Trước mỗi chuyến đi ông thường tưởng tượng, nghĩ đến câu thơ sẽ viết để tìm viên đá phù hợp.

Theo ông Sơn, mỗi viên đá đều có tuổi đời hàng triệu năm và được thời tiết, nước mài giũa nên mới có những hình thù riêng biệt. Chính vì vậy, chúng đều có một giá trị và ý nghĩa nhất định. Do đó, mỗi viên đá khi đến tay bất kì ai ông đều muốn chúng được nâng niu, trân trọng.

Nhưng cũng có những người đặt chúng ở vị trí không phù hợp nên ông khá buồn và chạnh lòng. Ông luôn hy vọng mọi người có thể xem những viên đá ấy như người bạn vì chúng cũng có tên và cuộc sống riêng.

“Những viên đá ở sông, suối hay nương rẫy nếu không được ai để ý đến thì đều là vật vô tri, vô giác. Nhưng khi chúng được nhặt về thì sẽ có một cuộc đời, có tên và được tiếp xúc với con người mỗi ngày. Với tôi, khi đá được đưa về cũng như một người con rơi.

Nếu chúng vào gia đình tốt thì sẽ được nâng niu, trân trọng, chăm sóc kĩ lưỡng và trở nên có ích. Còn không thì có thể bị vứt bỏ… Đối với những viên đá ấy nếu con người đặt tình cảm vào sẽ trở nên đẹp và sắc sảo, còn để tiền bạc lấn át thì sẽ chẳng còn ý nghĩa”, ông Sơn chia sẻ.

Trong căn nhà nhỏ của mình, gia tài của ông Sơn là cả nghìn viên đá lớn nhỏ và gỗ lũa. Có những người tìm đến xin ý kiến và nhờ ông góp ý để đặt tên cho đá. Cũng có người ngỏ ý muốn lưu giữ và bảo quản những viên đá đó giúp ông. Thế nhưng, khi biết ý định của họ là để kinh doanh thì ông Sơn lắc đầu từ chối.

“Hiện giờ còn sức khỏe nên tôi muốn bảo quản và giữ gìn những viên đá đó. Đến khi nào tôi không còn, vợ và các con hay bất kì người nào muốn làm gì chúng cũng được. Khi đó, số phận của những viên đá tôi chẳng thể định đoạt được nữa”, ông Sơn nói.

Ông Phan Đức Luận, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao tỉnh Kon Tum, cho biết, ông Lê Hát Sơn là một người đa tài và có niềm yêu thích nghệ thuật thơ - ca. Bên cạnh đó, ông Lê Hát Sơn còn rất đam mê sưu tập đá suối, gỗ lũa.

Cũng theo ông Luận, với “gia tài” là gỗ lũa, đá suối, nhiều tập thơ ca thì nhà Lê Hát Sơn được xem là một điểm đến, bởi ở ông hội tụ nghệ thuật chân chính.

Theo ông Luận, trong mỗi viên đá đều có cái hồn, bản thân viên đá biết nói, quan trọng là con người có cảm nhận được nó hay không. Riêng bản thân ông Sơn cảm nhận và trò chuyện được với những viên đá tưởng chừng như vô tri, vô giác đó.

“Bản thân tôi được ông Lê Hát Sơn tặng một viên đá đã viết chữ thư pháp. Tôi rất thích và trân trọng viên đá, tình cảm của ông Sơn dành tặng”, ông Luận chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...