Người dân và du khách nô nức ngắm hoa Sơn Tra phủ trắng miền đất cổ tích

GD&TĐ - Lễ hội hoa Sơn Tra được huyện Mường La, tỉnh Sơn La tổ chức trong hai ngày 9 – 10/3 thu hút đông đảo người dân đến tham quan trải nghiệm.

 Hoa Sơn Tra nở trắng xóa trên sườn đồi.
Hoa Sơn Tra nở trắng xóa trên sườn đồi.

Đặt chân đến địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La những ngày này, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí rộn ràng, vui tươi. Hàng nghìn xe máy, ô tô nối đuôi nhau đến tham quan, trải nghiệm lễ hội tạo nên bầu không khí sôi động.

Cùng với đó là chàng trai, cô gái đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao… xúng xính tà áo truyền thống đến các địa điểm tại bản Nậm Nghiệp chụp ảnh, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp.

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi nghe bạn bè nói về miền cổ tích Ngọc Chiến có hoa Sơn Tra và nhà sàn lợp ngói Pơ Mu đẹp từ lâu. Hôm nay, tôi mới có cơ hội cùng gia đình đến chiêm ngưỡng. Cảnh quan ở đây hùng vỹ, bình yên... thật đáng giá khi lựa chọn đến nơi này".

Bà con các dân tộc đến ngày hội hoa Sơn tra.

Bà con các dân tộc đến ngày hội hoa Sơn tra.

Còn em Vàng Thị Thúy Hoa đến từ thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đến xã Ngọc Chiến. Để chuẩn bị cho chuyến đi trải nghiệm này, em cùng người yêu đã lên kế hoạch cách đây hơn một tuần rồi. Cảnh quan ở đây rất đẹp, bầu không khí trong lành và yên bình”.

Nằm ở độ cao trung bình 2.200m so với mực nước biển, cách trung tâm xã Ngọc Chiến hơn 10km, Nậm Nghiệp được người dân nơi đây ví như "Thiên đường" hoa Sơn Tra. Tại đây, có hơn 1.600 ha cây sơn tra, trong đó có khoảng 800 ha là cây cổ thụ với tuổi đời từ 300 - 500 năm.

Bản làng Nậm Nghiệp nằm dưới tán cây Sơn Tra.

Bản làng Nậm Nghiệp nằm dưới tán cây Sơn Tra.

Ngày hội hoa Sơn Tra năm nay được huyện Mường La tổ chức với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ hấp dẫn thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách đến vui chơi giải trí.

Chương trình khai mạc ngày hội hoa Sơn Tra sẽ gắn với công bố Chứng nhận bảo hộ độc quyền ngày hội, Chứng nhận rừng hoa Sơn Tra lớn nhất cả nước tới người dân.

Hoa Sơn tra nở trắng muốt bên sườn đồi.

Hoa Sơn tra nở trắng muốt bên sườn đồi.

Nằm trong khuôn khổ ngày hội, tại bản Nậm Nghiệp đã diễn ra trại sáng tác với chủ đề lạc trôi dưới rừng Sơn tra. Cùng với đó, còn diễn ra hoạt động trang trí không gian quảng bá hoa Sơn Tra cùng một số nét văn hóa đặc sắc văn hóa dân tộc của người Mông, Thái như: Điệu múa của người Thái, múa khèn, khắp Thái, hát giao duyên, thi giã bánh giầy; các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc Mông; hoạt động trải nghiệm ngắm hoa Sơn Tra.

Dòng người tấp nập đổ về bản Nậm Nghẹp chiêm ngưỡng hoa Sơn Tra.

Dòng người tấp nập đổ về bản Nậm Nghẹp chiêm ngưỡng hoa Sơn Tra.

Cùng với đó là các hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu gian hàng sản phẩm nông nghiệp, văn hóa, sản phẩm OCOP; thi ẩm thực cộng đồng; trưng bày ảnh đẹp văn hóa, du lịch vùng Tây Bắc, trình diễn bay dù lượn...

Cuộc thi giã bánh giầy tại bản Nậm Nghẹp.

Cuộc thi giã bánh giầy tại bản Nậm Nghẹp.

Việc tổ chức ngày hội hoa Sơn Tra góp phần động viên, khích lệ người dân phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế cây Sơn Tra và thu hút, phát triển du lịch vùng. Đồng thời quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc Mông bản Nậm Nghẹp, vẻ đẹp Ngọc Chiến đến với du khách trong trong nước và quốc tế. Từ đó, thu hút du khách đến trải nghiệm, thưởng thức, tìm cơ hội đầu tư, giao lưu, hợp tác phát triển và hội nhập.

Nam thanh nữ tú check in tại vườn Sơn Tra trắng muốt.

Nam thanh nữ tú check in tại vườn Sơn Tra trắng muốt.

Ông Phùng Mạnh Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Ngày hội năm nay sẽ tạo cơ hội tốt nhất giúp kết nối mọi người, kết nối cộng đồng, kết nối các công ty, du khách cùng trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác các tài nguyên du lịch của huyện Mường La. Cùng với đó, góp phần quảng bá, gìn giữ những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao đến với người dân cả nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ